Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Chính sách cho sinh viên Dân tộc thiểu số: Nhìn từ Quảng Ngãi

PV - 13:35, 14/12/2017

Nhằm tạo nguồn nhân lực cho các địa phương miền núi, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho sinh viên người DTTS, qua đó góp phần tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS tại địa phương.

Những chính sách thiết thực

Thực hiện chủ trương của tỉnh, các huyện miền núi Quảng Ngãi đã tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ cho sinh viên người DTTS, đặc biệt là chương trình cử tuyển. Ông Nguyễn Hữu Duy, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Trà, cho biết: Trong những năm qua, UBND huyện đã phối hợp với Trường Đại học Phạm Văn Đồng mở lớp Trung học Sư phạm Mầm non cho 50 học viên từ nguồn kinh phí 30a. Đến nay, số giáo viên này đã ra trường và đang hợp đồng giảng dạy tại địa phương. Toàn huyện có 20 người được đưa đi đào tạo theo chế độ cử tuyển, trong đó có 5 người theo học đại học và 15 người học cao đẳng...

Sinh viên DTTS ở vùng sâu, vùng xa luôn được quan tâm hỗ trợ. (Ảnh MH) Sinh viên DTTS ở vùng sâu, vùng xa luôn được quan tâm hỗ trợ. (Ảnh MH)

 

Huyện ủy Tây Trà đã ban hành Nghị quyết 03 về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025. Trong đó, triển khai xây dựng các tiêu chuẩn, chế độ chính sách, cơ chế đãi ngộ phù hợp để đào tạo, thu hút nhân tài, giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi là người DTTS. Chính sách tạo điều kiện giải quyết việc làm cho sinh viên là người địa phương tự thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng sau khi tốt nghiệp ra trường, nhằm ổn định nguồn cán bộ cho huyện.

Ngoài Tây Trà, các huyện miền núi khác của Quảng Ngãi như  Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long, Sơn Tây... cũng thực hiện việc xét chọn học sinh để đưa đi học theo diện cử tuyển, nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng về phục vụ tại địa phương.

Không chỉ có chính sách cử tuyển, bắt đầu từ năm học 2017-2018 đến năm học 2020-2021, sinh viên đại học, học viên cao học, nghiên cứu sinh là người DTTS có hộ khẩu thường trú tại vùng DTTS và miền núi của tỉnh Quảng Ngãi sẽ được hỗ trợ học phí, chi phí học tập. Theo đó, sinh viên đại học được hỗ trợ 30% học phí phải nộp theo mức quy định của cơ sở giáo dục đại học công lập.

Đối với học viên cao học, kể cả bác sĩ nội trú, chuyên khoa cấp I, II thuộc lĩnh vực y tế và nghiên cứu sinh được hỗ trợ bằng mức lương cơ sở hiện hành/tháng. Mức hỗ trợ được chi trả theo thời gian học thực tế và được hưởng không quá 10 tháng/năm học/người.

Để được hưởng chính sách hỗ trợ nói trên, các đối tượng thụ hưởng phải cam kết hoàn thành chương trình, thời gian đào tạo theo đúng quy định. Đồng thời không thuộc diện hưởng lương từ ngân sách nhà nước, không thuộc đối tượng được miễn học phí theo Nghị định 86 của Chính phủ.

Cần điều chỉnh cho phù hợp

Trong những năm qua, ngoài các chính sách của Trung ương, tỉnh, các huyện miền núi cũng đã có nhiều chính sách ưu đãi riêng dành cho con em đồng bào DTTS tại địa phương. Tuy nhiên, việc thực hiện chế độ cử tuyển vẫn còn những bất cập, cần phải khắc phục để sát hơn với nhu cầu thực tế tại địa phương.

Theo ông Lê Tấn Nam, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Tơ: Hiện nay, toàn huyện vẫn còn 46 sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển chưa được bố trí việc làm. Nguyên nhân được ông Nam lý giải là một số xã chưa thật sự quan tâm đến công tác cử tuyển, dẫn đến việc đăng ký chỉ tiêu đào tạo cử tuyển hằng năm chưa gắn với nhu cầu tăng giảm biên chế của địa phương. Bên cạnh đó, một số sinh viên tự ý chuyển ngành học cũng gây khó khăn trong việc bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp.

Ngoài ra, phần lớn học viên cử tuyển ra trường chỉ tốt nghiệp trung bình khá nhưng tỉnh phải tuyển dụng. Trong khi đó, rất nhiều con em đồng bào DTTS học giỏi lại không được tuyển vì “nhường suất” cho hệ cử tuyển. Như vậy, chính sách thu hút nhân tài chưa thực sự cân bằng khi không tuyển những người giỏi này.

Nhiều nhà quản lý giáo dục của các huyện miền núi cũng cho rằng, tỉnh và Trung ương cần nghiên cứu, sửa đổi tiêu chuẩn tuyển dụng, bổ nhiệm và các cơ chế, chính sách đãi ngộ cán bộ người DTTS công tác ở vùng dân tộc và miền núi, nhất là những cán bộ công tác lâu năm ở miền núi. Công tác quy hoạch, ban hành chính sách đào tạo, sử dụng cán bộ phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị và đặc điểm của mỗi địa phương.

Cùng với đó là, phân khai nguồn vốn nằm trong Chương trình 135, 30a, miền núi... cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là con em địa phương, cũng như bố trí kinh phí xây dựng trường phổ thông dân tộc nội trú...

Đạt Thành Nhân

Tin cùng chuyên mục
Định Hóa (Thái Nguyên): Chú trọng phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm cho đồng bào DTTS

Định Hóa (Thái Nguyên): Chú trọng phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm cho đồng bào DTTS

Giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo. Với tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm trên 70%, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động.