Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Hành trình tìm con chữ nơi rẻo cao

Nguyễn Nga - 7 giờ trước

Điểm trường Hoàng Trù Văn thuộc Trường Mầm non Sin Suối Hồ ở bản Chảng Phàng (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, Lai Châu) - nằm cách trung tâm xã 20km. Nơi đây chưa có điện, chưa có chợ và chưa có đường giao thông thuận lợi. Dẫu gian nan, nhưng những học trò người DTTS vẫn kiên trì vượt qua quãng đường gập ghềnh để đến lớp.

Con đường đến trường của các em nhỏ điểm trường Hoàng Trù Văn.
Trên con đường đến điểm trường Hoàng Trù Văn

Vượt khó đến lớp

Bản Chảng Phàng có 57 hộ dân sinh sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông và Dao, nằm rải rác dọc theo các triền đồi. Mùa Hè, cái nắng gay gắt bao trùm khắp bản làng, còn mùa Đông, những cơn gió lạnh buốt len lỏi qua từng vách nhà.

Từ tờ mờ sáng, khi sương còn giăng kín lối, từng tốp học sinh băng qua những con đường mòn dốc cao để đến lớp. Có bé nhà ở xa trường thì được bố mẹ đưa đến lớp, còn lại phần lớn tự rủ nhau đi bộ. Nhiều bé đi chân đất, có bé mang đôi dép đã sờn rách, nhưng ánh mắt vẫn ánh lên niềm vui khi nghĩ đến mái trường thân yêu. Với các em, được đi học là niềm hạnh phúc.

Bữa trưa, các bé mầm non điểm trường Hoàng Trù Văn mở vội cặp lồng cơm mang theo từ nhà. Trong chiếc cặp lồng nhỏ, có khi chỉ là ít rau, miếng cá khô cứng ngắc. Bé nào nhà có điều kiện hơn thì có thêm quả trứng. Dù bữa ăn đạm bạc là vậy, nhưng ánh mắt các em vẫn ánh lên niềm vui, hạnh phúc.

Bữa cơm trưa đạm bạc của các em nhỏ.
Bữa cơm trưa đạm bạc của các em nhỏ

Cô giáo Phạm Thao, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sin Suối Hồ cho biết, điểm trường Hoàng Trù Văn hiện có 17 học sinh mầm non trong độ tuổi 3-5 tuổi. Trước đây, lớp học chỉ là căn nhà tạm mái tôn. Nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức từ thiện, năm 2024 điểm trường đã được xây dựng lại kiên cố hơn với nhà khung sắt, mái tôn, tường bằng tấm alu và nền lát đá hoa. Lớp học có một gian lớn vừa là nơi học tập, vừa là chỗ ngủ trưa của các em; phía trong là kho chứa đồ và một phòng vệ sinh. Lớp học đã có quạt trần và bóng điện nhưng do chưa có điện lưới nên chưa đưa vào sử dụng.

Dẫu thiếu thốn đủ bề, nhưng khó khăn không thể dập tắt khát khao học tập của các bé mầm non điểm trường Hoàng Trù Văn. Từng trang sách, từng nét chữ nắn nót chính là minh chứng cho ước mơ của các bé về một tương lai tươi sáng hơn.

Điểm trường Hoàng Trù Văn thuộc Trường Mầm non Sin Suối Hồ
Điểm trường Hoàng Trù Văn thuộc Trường Mầm non Sin Suối Hồ (Lai Châu)

Bền bỉ trên hành trình tìm chữ

Không chỉ học sinh, mà thầy cô nơi đây cũng là những người đồng hành bền bỉ, hết lòng vì con chữ. Nhiều giáo viên trẻ đã tình nguyện lên Hoàng Trù Văn, bám bản, bám trường để mang kiến thức đến với các em.

Cô Nguyễn Thị Thanh Tâm - giáo viên phụ trách lớp tại điểm trường Hoàng Trù Văn - chia sẻ: Quãng đường từ trung tâm bản Chảng Phàng vào điểm trường dài khoảng 5km, chỉ là lối mòn nhỏ hẹp, dốc và lởm chởm đá. Mùa mưa, đường trơn trượt, chỉ giáo viên tay lái vững mới dám đi xe máy, còn phần lớn phải đi bộ. Ở đây không có điện, không có sóng wifi. Những ngày nắng, cô tranh thủ sau giờ dạy chạy ra trung tâm bản để sạc nhờ điện thoại, máy tính và tải các video phục vụ học tập mang về mở cho các em xem.

Lớp học mầm non tại điểm trường Hoàng Trù Văn.
Lớp học mầm non tại điểm trường Hoàng Trù Văn

Hành trình đến trường của học sinh mầm non đã vất vả, thì con đường tìm chữ của các em học sinh tiểu học và trung học cơ sở còn gian nan hơn. Để học cái chữ, các em phải ra ngôi trường bán trú tại trung tâm xã. Mỗi chiều thứ Sáu, các em lại đi bộ hơn 20km về nhà, rồi chiều Chủ Nhật lại trở ra trường. 6 tuổi - cái tuổi vẫn cần sự chăm sóc của cha mẹ - các em đã phải sống tự lập trong môi trường bán trú. Các em tự giặt quần áo, tự chăm sóc bản thân dưới sự hướng dẫn của thầy cô.

Em Giàng A Páo (học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Sin Suối Hồ) chia sẻ: "Đường đi học xa lắm, nhưng em không thấy mệt. Được đến lớp, được học chữ là em vui rồi".

Các bé lớp học mầm non tại điểm trường Hoàng Trù Văn học trên máy tính
Các bé lớp học mầm non tại điểm trường Hoàng Trù Văn học trên máy tính

Trong căn phòng nhỏ ở trường bán trú, từng đôi dép, từng chiếc áo đã sờn vải được xếp ngay ngắn. Mỗi sáng, các em tự giác thức dậy, gấp chăn màn và đến lớp đúng giờ. Giờ ra chơi, các em nô đùa trong sân trường với những quả bóng cũ, những chiếc dây nhảy được kết từ sợi thừng. Tiếng cười trong trẻo của các em giữa núi rừng khiến lòng người bỗng nhẹ nhàng hơn.

Dẫu khó khăn, nhưng thầy và trò nơi đây vẫn bền bỉ bám trụ. Thầy cô không chỉ là người dạy chữ mà còn là chỗ dựa tinh thần, là người cha, người mẹ thứ hai của các em học sinh DTTS. Nhiều thầy cô đã từ bỏ cuộc sống đủ đầy ở thành phố để gắn bó với những bản làng xa xôi, bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng con chữ chính là ánh sáng, là con đường duy nhất giúp các em thoát nghèo.