Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Chợ nổi trên phá Tam Giang

Tiêu Dao - 07:00, 10/08/2022

Không có những câu bệu treo lủng lẳng trên đầu thuyền, không có những mặt hàng đa dạng như chợ nổi miền Tây, và cũng chẳng nhiều khách du lịch ngược xuôi qua lại nườm nượp, nhưng một góc chợ nổi trên Phá Tam Giang này vẫn có nét độc đáo không nơi nào có.

Chợ nổi trên phá Tam Giang trước lúc bình minh lên
Chợ nổi trên phá Tam Giang trước lúc bình minh lên

Người gác chèo trong khuya vắng

Kí cách từng tiếng mái chèo khua va vào thân xuồng, những người đi chợ nổi trong nhập nhoạng bình minh mải miết với mái chèo của mình để cho kịp việc mua bán. Có lẽ, không đâu như chợ nổi này. Quanh chợ, chỉ có những o (cô), những mệ (mẹ hoặc bà theo cách gọi của người Huế) với chiếc nón lá lật ngửa ra sau, cắc củm với chiếc xuồng nhỏ của mình lướt trên mặt sóng lăn tăn buổi sớm bình minh.

Chợ nổi trên phá (vùng đầm lầy, nằm ven biển, sâu khoảng 1m) Tam Giang ở thôn Ngư Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) nép mình rất lặng lẽ trên một góc phá. Ở địa phương này, dẫu từng có nhiều ngôi chợ rất nổi tiếng như chợ Đan Lương (chợ Cầu, ở làng Phú Lương, xã Quảng Thành), chợ Bái Đáp (làng Phú Lễ, xã Quảng Phú) và giai đoạn sau này là chợ Ngũ Xã (chợ Sịa). Nhưng chợ nổi ở Ngư Mỹ Thạnh lại là một kiểu chợ có một không hai ở miền Trung này.

Chiếc đèn pin là điểm sáng trên đầu một người phụ nữ sau khi thả lưới dưới đầm
Chiếc đèn pin là vật không thể thiếu của những người thả lưới dưới đầm vào ban đêm

Gần 3 giờ sáng, bóng tối vẫn phủ lên vạn vật trong cơn ngái ngủ, nhưng những “ngư dân thủy diện” (những người sống trên mặt nước - xuất hiện ở Huế từ nhiều thế kỷ trước) đã lách cách tiếng gõ cá mạn thuyền, và loang loáng trong không gian đêm đen sẫm là những ánh đèn pin chiếu rọi trên mặt nước. Lão ngư Trần Minh (73 tuổi, người thôn Ngư Mỹ Thạnh) kéo nhẹ nhàng chùm lưới mỏng dưới mặt đầm. Tay lão nằng nặng, lão biết trong lưới có một số cá. Những con cá nước lợ đặc sản của vùng đầm phá này. Chỉ vài phút, từng đoạn lưới được nhấc lên, đặt lên thuyền, những chú cá quẫy tanh tách trong lưới mỏng, tươi rói quẫy cuồng trong ánh đèn pin. “Chừng ni được gần 2kg, bán đổ chắc cũng được 30 ngàn đó chú!”, vừa cười vừa khoe thành quả của mình, lão ngư già tấm tắc. Lão còn 3 lưới nữa chưa nâng, nếu cứ như lưới vừa rồi, sáng nay lão cũng thu nhập được chừng hơn 100 ngàn. 

Phía xa cách chừng 40 sải chèo, ông Trần Lễ (55 tuổi, người thôn Ngư Mỹ Thạnh) cũng đang nâng lưới. Trên thuyền, mấy chiếc rổ đã đầy cá tươi. Chắc có lẽ ông giăng lưới sớm, và cũng nâng lưới sớm hơn nên thu hoạch được nhiều hơn. Ông Lễ thủ thỉ rằng, tôm cá nhiều vùng đều có, nhưng điều đặc biệt nhất của cá tôm trên phá Tam Giang là những loài thủy sản đặc hữu của vùng đầm phá nước lợ lớn nhất khu vực Đông Nam Á này. Thủy sản nước lợ chốn này lâu nay đã vốn nức tiếng thơm ngon bởi vừa có vị ngọt ngào của nước ngọt, vừa mặn mòi vị biển. Cá, tôm, cua ở đâu cũng có, nhưng có lẽ thủy sản sống ở vùng nước lợ đầm phá Tam Giang được xem là ngon nhất vì vừa có vị mặn và ngọt, lại béo và thơm, chế biến được nhiều món ăn từ dân dã đến sang trọng.

Những chiếc thuyền của người mua đuổi theo người bán, họ xáp lại với nhau và trao đổi rồi lại tản đi
Những chiếc thuyền của người mua đuổi theo người bán, họ xáp lại với nhau và trao đổi rồi lại tản đi

Cũng như lão ngư tên Minh, ông Lễ cũng có kinh nghiệm vài chục năm thả lưới. Nhiều người khác của làng ngư phủ này cũng mưu sinh bằng nghề thả lưới trên vùng đầm phá. Hơn 15 năm trở lại đây, khi thực hiện chính sách định cư cho “ngư dân thủy diện” vào bờ, những “ngư phủ” được lên bờ cất nhà, sinh sống, con cái được học hành, thì làng được đổi tên là Ngư Mỹ Thạnh. Nhưng, cái nghề cầm chèo thả lưới nhiều đời vẫn là sinh kế khó bỏ.

Và rồi, khi những con cá con tôm được thả lưới, thì họ cắm chèo ngay trên chợ nổi này, chờ thương lái đến mua. Những lão ngư như ông Minh, ông Lễ, nhiều người khác nữa đã nhờ vùng đầm phá này mà sinh tồn. Nhưng thế hệ sau cũng nhờ thế mà lớn lên. Như lão Minh, nhờ đêm đêm thả lưới mà nuôi được 3 người con học đại học cao đẳng ở Đà Nẵng. Nhiều người khác, nhờ cua cá tôm nơi này mà dựng vợ gả chồng cho con, có tiền mua sắm vật dụng gia đình, hay chăm lo lúc ngặt nghèo đau ốm.

Chợ "đuổi" trên lăn tăn sóng

Chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh theo lời những người cao niên trong làng cũng đã có tuổi đời vài trăm năm, có gốc tích là người Phú Lộc, Cầu Hai (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Từ địa điểm mua bán cá của một làng ngư nghiệp dần dần nơi đây trở thành điểm họp chợ cho cả vùng đầm phá các huyện Phong Điền, Phú Lộc tụ về.

Khoảng 4 giờ sáng, đứng từ trên bờ Ngư Mỹ Thạnh, du khách sẽ thấy cả một khoảng rộng trên vùng đầm phá chìm trong bóng đêm dày đặc bỗng sáng dần lên bởi những ánh đèn pin loang loáng trên mặt nước. Những ánh đèn từ nhiều hướng mờ tỏ tiến về theo hàng trăm chiếc thuyền bé nhỏ. Rồi những chiếc thuyền tiến đến gần nhau khiến ánh đèn chụm lại, tạo nên một điểm sáng lớn giữa mênh mông đầm phá, rồi lại tỏa đi và chụm lại ở một vài điểm khác.

Nhiều người mua sau khi mang hàng lên bờ bắt đầu phân loại để đưa đến các chợ sáng nơi khác
Nhiều người mua sau khi mang hàng lên bờ bắt đầu phân loại để đưa đến các chợ sáng nơi khác

Chị Thuận, một tiểu thương cho biết, người bán nơi này không chỉ là ngư dân địa phương mà còn có các ngư dân ở huyện Phú Lộc, Phong Điền, Hương Trà… tụ họp vào mỗi sáng sớm. Người mua, phần lớn lại là thương lái mua bán rất nhanh để còn chuyển hàng hóa đi bỏ mối lại ở các khu chợ khác. Vì thế, chợ nổi trên phá này chỉ họp từ lúc 4h sáng đến hơn 7h là tan.

Điều riêng có của chợ này, có lẽ chẳng nơi nào có, đã làm nên đặc trưng đó là “chợ đuổi”. Những người mua sẽ chèo xuồng đuổi theo người bán. Khi cập mạn thuyền với nhau, người mua sẽ xem người bán có gì, sau đó trao đổi và chuyển hàng. Những O những mệ, người nhiều tuổi, người còn trẻ, người đội nón, người quấn khăn nhưng giọng nói xứ Huế ngọt như đường, với những phương ngữ khiến cảnh chợ vô cùng đặc biệt. Lời nói, tiếng cười giữa người bán và kẻ mua chỉ đủ để cho đối phương nghe. Người trao hàng, người nhận hàng rồi trả tiền, tuyệt nhiên không có lời ngã giá. Cứ thế, người mua đuổi theo hết xuồng này đến xuồng khác, khi đã “nằng nặng” hàng, ước chừng đủ một chuyến xe máy là họ chèo xuồng vào bờ, chất thủy sản lên xe máy và chạy tới các chợ khác để giao dịch.

Khi bình minh lên, là lúc chợ nổi trên phá Tam Giang cũng bắt đầu tan
Khi bình minh lên, là lúc chợ nổi trên phá Tam Giang cũng bắt đầu tan

Lão ngư Nguyễn Minh sau gần 2 tiếng nâng lưới, cũng thu được chừng gần 10kg tôm cá và cua các loại. Lão bảo, người mua cũng đã quen, giá cả cũng có chừng nên lão bán nhanh. Lão Minh, cũng như ông Lễ và nhiều người gác chèo bán thủy sản đều có chung một suy nghĩ, rằng người mua cũng vì kiếm mấy đồng bạc lẻ nuôi gia đình nên có bán rẻ hơn một chút xíu để họ kiếm đồng lời khi đưa hàng tới chợ khác cũng là điều nên. Chính vì thế, nhiều buổi chợ người mua thường được “cho thêm” những con cá con cua nằm ngoài phần cân ký. Nghĩa xóm tình làng ở đó, họ san sẻ và cùng dìu nhau qua đoạn trường cuộc sống lắm khó khăn bao ngày.

Ông Lễ thả lưới, và thành quả sau nhiều giờ bắt cá
Ông Lễ thả lưới, và thành quả sau nhiều giờ bắt cá

Cứ thế, chợ vội họp vội tan khi bình minh vừa ló dạng. Người bán thì bán hàng nhanh để trở về nhà, người mua thì mua cho kịp buổi chợ sáng. Và sau khi người mua hàng và chuyển hàng đi, những chiếc thuyền chở đầy các loại nhu yếu phẩm mới tiến vào chợ. Bởi lúc này, người dân đã có tiền có thể mua được những nhu yếu phẩm thiết yếu cho gia đình. Trên chợ nổi này, có những xuồng chở nhu yếu phẩm như của bà Dưỡng người thôn Cư Lạc cạnh bên, vẫn thường mang gạo, muối, rau, thịt... đến dầu đèn và các loại ngư cụ để bán cho những “ngư phủ”. Điều thú vị hơn nữa, nhiều người tin tưởng nên bà Dưỡng được coi là “ngân hàng” của cả xóm chài. Nhiều người gửi tiền nhờ bà cất giúp, có khi cần tiền chi dùng, lo cho con cái hay tiền thuốc men, họ lại “tạm ứng” từ bà Dưỡng, sau đó thả lưới đánh bắt, bán thủy sản sẽ trả lại sau. Cuộc sống cứ thế quay vòng đơn giản bình dị như vậy từ ngày này sang ngày khác trên vùng đầm phá yên bình.

Theo ông Trần Quốc Thắng - Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho biết: “Phát triển du lịch biển và đầm phá là một trong những chủ trương và định hướng lớn trong phát triển kinh tế xã hội của huyện Quảng Điền trong giai đoạn 2020 – 2025, Hiện thôn Ngư Mỹ Thạnh có 155/186 hộ tham gia đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trên phá Tam Giang. Đây cũng là thôn có sản lượng đánh bắt thủy sản lớn nhất xã, mỗi năm luôn đạt từ 30 – 40 tấn. 

Nhiều năm trở lại đây, chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh được nhiều du khách biết tới hơn nhờ nét độc đáo không nơi nào có, và trở thành những điểm du lịch hấp dẫn của du khách khi đến Huế. Sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái Ngư Mỹ Thạnh sau khi được công nhận sản phẩm OCOP sẽ là động lực rất lớn để Quảng Điền dựa trên các tiềm năng, lợi thế của vùng và hướng đến mục tiêu nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng, giá trị, thương hiệu các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của vùng miền, gắn với phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ nông thôn”.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.