Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Tây Giang (Quảng Nam): Trồng và bảo vệ rừng để phát triển bền vững

Minh Ngọc - 14:23, 30/11/2022

Trồng dược liệu dưới tán rừng, bảo vệ rừng và nâng tỷ lệ che phủ rừng, là một trong các nhiệm vụ, mục tiêu mà huyện Tây Giang (Quảng Nam) đang hướng đến, để tạo tiền để phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng, đồng thời giữ cho những cánh rừng luôn mãi xanh.

Năm 2022, các đơn vị tại huyện Tây Giang đã trồng thêm 20.800 cây xanh các loại
Năm 2022, các đơn vị tại huyện Tây Giang đã trồng thêm 20.800 cây xanh các loại

Trong năm 2022, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Giang (Quảng Nam) đã triển khai trồng rừng được 2.800 cây đào, 7.000 cây thông mã vĩ dọc các tuyến đường trung tâm huyện và các xã, đến nay hầu hết cây đều sinh trưởng, phát triển tốt, nâng tổng lượng cây trồng trong năm 2022 do đơn vị quản lý lên 20.800 cây các loại.

Được biết, ngoài đề án “Trồng mới một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”, năm 2022, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện, đã triển khai trồng rừng thay thế với diện tích hơn 97 ha (gồm cây dổi và cây lim xanh) và trồng rừng phân tán để thực hiện phương án hỗ trợ người dân lấy gỗ làm nhà gần 8.000 cây dổi xanh.

Đây là hành động thiết thực nhằm tuyên truyền sâu rộng và nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của từng cán bộ, viên chức trong đơn vị, đối với các hoạt động bảo vệ thiên nhiên và môi trường xung quanh. Đồng thời, triển khai có hiệu quả Đề án “Trồng mới một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” theo Quyết định số 524 ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Tuyên truyền sâu rộng và nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của từng cán bộ, viên chức trong đơn vị đối với các hoạt động bảo vệ thiên nhiên và môi trường xung quanh.

Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Giang cho biết, việc giao rừng cho cộng đồng làng quản lý, chi trả chính sách môi trường rừng, hỗ trợ trồng dược liệu dưới tán rừng…là những giải pháp quan trọng mà Quảng Nam đã và đang triển khai trong công tác giữ rừng hiện nay.

Với đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang, việc chung tay giữ rừng đã trở thành một nét văn hóa đẹp của cộng đồng làng. Giờ đây, nét đẹp văn hóa đó cùng với các chính sách của Nhà nước. Đã tạo nên sức mạnh tổng hợp trong giữ cho những cánh rừng mãi xanh…

Ông A Lăng Mía dân tộc Cơ Tu đã chăm sóc vườn cây ba kích dưới tán rừng già hơn 4 năm nay. Với hơn 1.000 gốc ba kích tím, mỗi vụ thu hoạch mang lại nguồn thu từ 70 đến 100 triệu đồng. Không chỉ có thêm tiền trang trải cuộc sống, mà gia đình ông Mía còn tiết kiệm chi tiêu để mua sắm vật dụng trong gia đình. Thấy được hiệu quả từ việc giữ rừng để trồng dược liệu. Ông Mía tiếp tục tuyên truyền cho bà con trong làng cùng chung tay bảo vệ những cánh rừng già đầu nguồn.

Ông A Lăng Mía, xã Lăng cho biết: “Trồng cây ba kích để giữ rừng già, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ được phát triển. Giữ rừng phòng hộ không cho sạt lở, giữ cho khí hậu mát mẻ, để trồng cây ba kích để có khu bảo vệ rừng”.

Các đơn vị phối hợp tăng cường đi tuần tra, xử lý các vụ vi phạm về rừng
Các đơn vị phối hợp tăng cường đi tuần tra, xử lý các vụ vi phạm về rừng

Không chỉ trồng dược liệu dưới tán rừng, hàng tháng đồng bào Cơ Tu còn thay phiên nhau tuần tra, bảo vệ rừng. Đặc biệt là khu rừng Pơmu - rừng cây di sản của huyện Tây Giang, đồng thời cũng là báu vật rừng thiêng của đồng bào Cơ Tu, luôn được bảo vệ bằng luật tục quy định của làng. Ngoài ra, các tổ, nhóm quản lý bảo vệ rừng cũng thay nhau tuần tra, bảo vệ nghiêm ngặt. Nhờ đó, từ khi phát hiện đến nay, rừng cây di sản Pơmu không bị tàn phá mà vẫn xanh tốt. Đủ sức che chở sự sống cho cộng đồng làng Cơ tu vùng cao Tây Giang.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Giang cho biết thêm, hiện nay Ban Quản lý đang giao khoán bảo vệ rừng cho 64 cộng đồng.Việc giao khoán cho cộng đồng bảo vệ rừng rất phù hợp vì bà con ở đây sống dựa vào cộng đồng rất nhiều, tính cộng đồng rất cao, nên việc bảo vệ rừng thì toàn dân đều bảo vệ. 

Với phương châm “rừng còn Tây Giang phát triển - Rừng mất Tây Giang suy vong”… Sau gần 20 năm tái lập, Đảng bộ chính quyền và bà con Cơ Tu nơi đây đã và đang làm rất tốt công tác giữ gìn màu xanh cho những cánh rừng. Và trong nhiều năm liên tục, huyện Tây Giang là điển hình, trong công tác giữ rừng không chỉ ở Quảng Nam, mà còn cả khu vực miền Trung Tây Nguyên.

Từ sự chung tay của cộng đồng, của các cấp chính quyền huyện Tây Giang hy vọng rằng, thời gian tới việc triển khai Tiểu dự án 1 của Dự án 3 về phát triển kinh tế nông lâm gắn với bảo vệ rừng nâng cao thu nhập (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi), sẽ sớm đạt mục tiêu mà Chương trình đề ra.

Tin cùng chuyên mục
"Quả ngọt" trên đất núi Quảng Nam

"Quả ngọt" trên đất núi Quảng Nam

Những quả đồi đất đá khô cằn ở xã Tam Thạnh, huyện Núi Thành (Quảng Nam), tưởng chừng như không trồng được loại cây gì, thế nhưng, thời gian gần đây, nhiều hộ dân địa phương đã đầu tư trồng cây dứa. Thấy dứa phát triển tốt, họ mạnh dạn mở rộng diện tích, mỗi vụ thu về hàng trăm triệu đồng.