Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Chương trình MTQG 1719 đã giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết tại vùng DTTS tỉnh Hòa Bình

Văn Hoa - 06:50, 05/12/2023

Sau hơn 2 năm tỉnh Hòa Bình tổ chức, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), nhiều nội dung, dự án nhằm giải quyết các vấn đề cấp thiết nhất tại vùng đồng bào đã phát huy hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, hộ nghèo ở 4 xóm đặc biệt khó khăn xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc) được hỗ trợ bò giống.
Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, hộ nghèo ở 4 xóm đặc biệt khó khăn xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc) được hỗ trợ bò giống.

Xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc có 13 xóm, trong đó 4 xóm đặc biệt khó khăn (ĐBKK), xa trung tâm. Sau khi có nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719, UBND xã đã tiến hành họp bàn, phân bổ nguồn vốn. Với vốn đầu tư năm 2022, Ngọc Mỹ được xây dựng mới 2 nhà văn hóa xóm Cóc 1, Cóc 2 và sửa chữa nhà văn hóa xóm Phung 2, Quạng 2. Đến nay, các công trình đã hoàn thành bàn giao và chuẩn bị đưa vào sử dụng. Với nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, xã được phân bổ 660 triệu đồng hỗ trợ sản xuất cho 38 hộ nghèo thuộc 4 xóm ĐBKK.

Bà Bùi Thị Giăng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ cho biết: Để nguồn vốn phát huy hiệu quả trên tinh thần dân chủ, khách quan, xã triển khai họp xóm, thống nhất bầu Trưởng xóm là tổ trưởng. Theo đó, các tổ họp bàn dân chủ đưa ra phương án mua bò để hỗ trợ bà con. Bà con được lựa chọn hình thức triển khai. Với số tiền hơn 30 triệu đồng/con bò giống, các tổ chọn giống bò sinh sản nặng trên 220 kg và ưu tiên con bò đang chửa. Chỉ sau vài tháng, nhiều con bò đã sinh sản nên bà con rất phấn khởi.

Anh Bùi Văn Chiều, Trưởng xóm Cóc 2 cho biết, Xóm có 12 hộ nghèo được hỗ trợ 6 con bò sinh sản. Xóm họp bàn và giao 2 hộ chăm sóc 1 con bò. Sau khi sinh sản chuyển sang hộ khác. Bên cạnh đó, bà con xóm Cóc 2 không có nhà văn hóa. Mỗi khi họp xóm hay có việc của xóm đều phải mượn địa điểm của hộ gia đình. Thực hiện Chương trình MTQG 1719, năm 2023, xóm Cóc 2 được đầu tư xây dựng nhà văn hóa. Công trình đến nay đã hoàn thành và chuẩn bị bàn giao đưa vào sử dụng. Dự án đầu tư, hỗ trợ này rất phù hợp với điều kiện và mong muốn của bà con trong xóm.

Nhà văn hóa xóm Tiện, xã Thung Nai, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình MTQG
Nhà văn hóa xóm Tiện, xã Thung Nai, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình MTQG

Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị Hằng, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Tân Lạc cho biết: Kế hoạch phân bổ nguồn vốn đầu tư công năm 2022 của huyện chuyển sang năm 2023 được giao 29,7 tỷ đồng. Đến nay, hầu hết các danh mục công trình đang thực hiện thi công, một số công trình trong quá trình hoàn thiện, chuẩn bị nghiệm thu kỹ thuật để thực hiện bàn giao đưa vào sử dụng. 

Nguồn vốn sự nghiệp được phân bổ từ dự toán vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương trên 14 tỷ đồng, với 8 dự án được triển khai thực hiện, kinh phí được phân bổ cho 18 cơ quan, đơn vị. Các dự án công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả cao, đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS.

Năm 2023, huyện Tân Lạc được phân bổ 38 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương. Các công trình được phân bổ vốn đang triển khai thực hiện. UBND tỉnh giao nguồn vốn sự nghiệp trên 40 tỷ đồng với 8 dự án thành phần thực hiện Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021-2025. UBND huyện đã giao dự toán kinh phí sự nghiệp cho các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn được giao dự toán. Các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, đúng mục tiêu, đối tượng, đúng quy định của Nhà nước.

“Việc thực hiện tốt các dự án, tiểu dự án của chương trình đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS&MN được nâng cao hơn. Cơ sở hạ tầng được đầu tư góp phần giảm khoảng cách giữa các vùng trên địa bàn”, bà Bùi Thị Hằng nhấn mạnh.

Cán bộ Phòng Dân tộc huyện Đà Bắc trao téc nước cho hộ nghèo. (Trong ảnh: Hộ nghèo xã Hiền Lương kí nhận téc nước từ nguồn vốn Dự án 1, Chương trình MTQG 1719)
Cán bộ Phòng Dân tộc huyện Đà Bắc trao téc nước cho hộ nghèo. (Trong ảnh: Hộ nghèo xã Hiền Lương kí nhận téc nước từ nguồn vốn Dự án 1, Chương trình MTQG 1719)

Bà Đinh Thị Thảo, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình chia sẻ, tính đến ngày 31/10/2023, tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương năm 2022 và năm 2023 đã giải ngân là 417.757 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư là 272.231 triệu đồng, đạt 42,82% kế hoạch giao; vốn sự nghiệp là 145.526 triệu đồng, đạt 24,2% kế hoạch giao. Với các nguồn lực, chính sách của Chương trình MTQG 1719 đã và đang được địa phương tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh; hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nhất là ở địa bàn khó khăn vùng đồng bào DTTS, miền núi. 

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đặc biệt chú trọng thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ cho công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục-đào tạo..., nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần, thể chất của đồng bào từng bước được nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh đã có 08/59 xã đặc biệt khó khăn được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đồng thời thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn; tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đạt 2,93%; tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 6,39%/năm.