Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Chuyện an cư, lạc nghiệp ở Khu tái định cư hồ Krông Pắk Thượng: Quẳng gánh lo cũ, vui cuộc sống mới (Bài 1)

Lê Hường - 17:50, 28/11/2021

Thời gian dài sống bấp bênh, thấp thỏm sau khi nhường đất cho công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Đắk Lắk - hồ Krông Pắk Thượng, giờ đây hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Mông đã chuyển đến khu tái định cư (TĐC) bắt đầu cuộc sống mới. Sau gần 1 năm, khu TĐC xanh màu hy vọng với những cánh đồng lúa trĩu bông. Ở nơi đó, chính quyền địa phương, các ngành chức năng vẫn đang nỗ lực tiếp tục tháo gỡ khó khăn để người dân an cư, lạc nghiệp.

Khu tái định cư được thiết kế khang trang
Khu tái định cư được thiết kế khang trang

Khu dân cư sầm uất 

Nằm lọt giữa bốn bề rừng núi, khu TĐC số 1 Dự án hồ thủy lợi Krông Pắk Thượng bừng sáng giữa vùng đất nghèo. Chạy xe qua từng con đường bê tông hình ô bàn cờ trong khu TĐC, nhiều ngôi nhà đang được kiến thiết khang trang hiện đại, không khí xây dựng như một đại công trường. Tôi chưa từng thấy khu TĐC nào lại nhộn nhịp, sầm uất và an vui đến thế.

Rời vùng đất đã định cư hơn 20 năm, cuối tháng 7 vừa qua, gia đình ông Giàng Seo Chúng (63 tuổi) chuyển về khu TĐC số 1 bắt đầu cuộc sống mới. Để tập trung làm nhà cửa, ông Chúng nhường cho HTX nông nghiệp-thủy lợi xã Cư Elang sản xuất vụ đầu tiên trên diện tích đất lúa của gia đình. 

Chỉ tay về căn nhà 4 gian khang trang, rộng đẹp, ông Chúng nói: “An cư mới lạc nghiệp”, mình lo làm nhà cửa cho xong xuôi, giờ thì yên tâm làm ăn, đầu tư sản xuất vụ lúa mới. Về đây mọi thứ đều thuận lợi, đường xá sạch đẹp, điện, nước sạch được kéo về tận nhà, trường học ngay sát bên, sân thể thao, công trình vệ sinh công cộng đầy đủ, mọi thứ khác xa nơi ở cũ nên bà con ai cũng vui mừng”.

Theo dõi đội thợ hoàn thiện những công đoạn cuối cùng hoàn thiện căn nhà gỗ khang trang giữa khu TĐC, ông Vàng Mí Chứ vui vẻ bảo: Ở đây đất đai bằng phẳng, cơ sở vật chất được Nhà nước đầu tư đầy đủ rồi, giờ chúng tôi chỉ làm căn nhà kiên cố, đàng hoàng nữa là yên tâm sống ở đây thôi. Mấy năm qua, bà con thấp thỏm lo âu khi mùa mưa đến, nước dâng cao, ngập vào tận nhà, người dân phải di dời gấp, còn cây trồng mất mùa." Nhớ lại đợt mưa kéo dài giữa tháng 11/2020, hàng trăm nhà dân bị ngập, hàng trăm ha cây trồng chìm trong nước. Giờ được bố trí tái định cư, được cấp đất ở rộng rãi, đất lúa màu mỡ canh tác hiệu quả thế này, ai cũng phấn khởi".

Theo báo cáo, đến giữa tháng 10, khu TĐC số 1 có 168 hộ, gần 800 khẩu từ xã Cư Yang (Ea Kar) và Cư San (M’Đrắk) đến, chủ yếu đồng bào dân tộc phía Bắc, đông nhất dân tộc Mông. Ngoài ra, còn 40 hộ dân của xã Cư Yang đã nhận đất TĐC nhưng chưa chuyển về đây sinh sống.

Nghị Quyết 31/NQ-HĐND về việc thành lập thôn Yang San, xã Cư Elang của Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Lắk thông qua ngày 13/8/2021 chính thức đưa tên khu TĐC số 1 vào bản đồ hành chính.

Trẻ em ở khu tái định cư đến trường học chữ
Trẻ em ở khu tái định cư đến trường học chữ

Vụ mùa bội thu

Rảo bước trên con đường trung tâm khu TĐC, ông Trần Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Cư Elang niềm nở khoe: Nơi đây bây giờ là khu vực sầm uất nhất xã. Dân cư ở tập trung, nhà nào cũng khang trang, ban đêm hệ thống đèn điện sáng rực cả khu TĐC, chẳng khác nào phố thị. Nhà nhà thóc lúa đầy sân, người dân ai cũng vui mừng, an tâm xây dựng cuộc sống mới.

Vội vã đóng từng bao lúa để đưa vào nhà trước khi trời mưa, chị Hoàng Thị Dung hào hứng nói: Mặc dù Nhà nước chưa bố trí được đất làm màu, nhưng 5 sào đất lúa thu hoạch mùa đầu năng suất như thế này bà con cũng vui. Nhà mình làm muộn so với thời vụ mà 5 sào lúa cũng được hơn 2 tấn, nếu đúng vụ, chăm sóc tốt, năng suất sẽ cao hơn nữa. Ruộng thì gần chỉ cách nhà một vài cây số, đường đi thuận tiện, máy móc đến tận ruộng, không mất nhiều công sức chăm sóc mà năng suất lại cao.

Anh Ma Văn Diêu (25 tuổi) không giấu được niềm vui mùa vụ đầu tiên bội thu trên quê mới. Anh Diêu chia sẻ: Nhà mình về sau, gieo trồng muộn, năng suất lúa không cao bằng những nhà khác, nhưng so với làm mùa ở chỗ ở cũ cao gấp nhiều lần. Mình mới làm mấy sào chưa hết diện tích đất lúa chia, nhưng cũng được 36 bao, mình bán gần một nửa, còn lại để ăn và chăn nuôi. Vài tuần nữa gieo vụ lúa mới, mọi người bảo đây mới là vụ chính, năng suất sẽ còn cao hơn nữa nên vợ chồng mình rất yên tâm.

Anh Ma Văn Diêu bốc từng bao lúa cất vào kho
Anh Ma Văn Diêu bốc từng bao lúa cất vào kho

Để hỗ trợ người dân an cư tại nơi ở mới, UBND huyện Ea Kar, M’Đrắk, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn Đắk Lắk, cùng các lực lượng chức năng, đơn vị liên quan, đã hỗ trợ người dân bốc xếp, vận chuyển đồ đạc, dựng nhà, kéo điện, nước sinh hoạt và đảm bảo nhu yếu phẩm cần thiết. Ngành Giáo dục địa phương và UBND xã Cư Elang cũng đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi nhất đón nhận học sinh  khu TĐC vào học. Đến nay, Ban Tự quản thôn Yang San cũng đã được kiện toàn.

Ông Giàng Seo Sàng, Trưởng thôn Yang San cho biết: Lúc mới về, bà con băn khoăn, lo lắng. Chính quyền vận động nhiều lần, rồi nhiều người đến tận nơi để thăm chỗ ở mới, thấy cơ sở hạ tầng đầy đủ, khang trang, trẻ nhỏ được học hành thuận tiện, chính quyền quan tâm, hỗ trợ nên cũng yên tâm chuyển đi. Về nơi mới dù còn một chút khó khăn, nhất là thiếu đất để trồng cây màu tăng thu nhập, nhưng chính quyền đang tích cực tìm cách tháo gỡ. Giờ thì ai nấy đã “quẳng gánh lo cũ, vui cuộc sống mới”, yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới.