Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Sắc mới trên khu tái định cư Bản Vẽ

Nguyễn Thanh - 21:22, 12/10/2021

Trở lại khu tái định cư (TĐC) Thủy điện Bản Vẽ sau nhiều năm xa cách, tôi cảm nhận rất rõ về một cuộc sống mới của những bản làng người Thái, Khơ Mú nơi vùng giáp biên huyện Thanh Chương (Nghệ An). Qua mỗi bản làng, bao sắc màu tươi mới, bao thanh âm rộn rã của cuộc sống đời thường cứ thế hiển hiện.

Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm bón, thu hoạch lúa… cùng bà con khu TĐC
Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm bón, thu hoạch lúa… cùng bà con khu TĐC

Những mô hình kinh tế mới

Một thời, dân bản ở khu TĐC Thủy điện Bản Vẽ rủ nhau bỏ về quê cũ, vì những bất cập tại nơi ở mới… để lại những căn nhà trống hoác, những mảnh vườn hoang tàn. Một thời, người dân chỉ biết trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, được cấp phát mỗi năm mấy bận. Một thời, dù đất sản xuất đã được chia nhưng làm ăn không hiệu quả, thậm chí bỏ hoang…

Nhưng nay, bản làng TĐC đã khoác lên mình màu áo mới của no ấm, hạnh phúc. Bao mảnh vườn, quả đồi xung quanh những ngôi nhà dự án đã được phủ kín màu xanh của lúa, ngô, chuối, sắn, chè… 

Trung tá Nguyễn Thế Anh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương cười rạng rỡ: Bây giờ có thể yên tâm rồi. Bà con đã biết bám đất, bám ruộng, bám rừng, biết chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán kinh doanh… Cuộc sống hôm nay đã khởi sắc hơn trước rất nhiều.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng hỗ trợ cây giống, hướng dân kỹ thuật trồng và chăm bón cho người dân khu TĐC
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng hỗ trợ cây giống, hướng dân kỹ thuật trồng và chăm bón cho người dân khu TĐC

Trong câu chuyện về cuộc sống mới của dân bản, chúng tôi được cán bộ Đồn Biên phòng Ngọc Lâm, dẫn đi tham quan một số mô hình kinh tế làm ăn hiệu quả, nhờ vào sự tận tâm “cầm tay chỉ việc” của cán bộ, chiến sĩ của Đồn, của các cấp chính quyền.

Trên khoảnh ruộng sau nhà, ông Lương Văn Phượng ở bản Tân Hợp, xã Ngọc Lâm đang thu hoạch lúa nước. 3 sào lúa là kết quả của việc vỡ đất khai hoang cách đây hơn 10 năm, nay đã là nguồn cung lương thực ổn định cho gia đình ông.

Chỉ tay về mấy luống chè vừa được thu hoạch, ông Phượng kể: "Đồn Biên phòng hỗ trợ cả đấy. Họ giúp tôi xây dựng vườn chè, hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước, chăn nuôi lợn, bò và nuôi cá". Theo ông Phượng, mô hình kinh tế tổng hợp từ chè, nuôi cá, sắn, lúa, chăn nuôi lợn… đã đem về cho gia đình ông mỗi năm 70 triệu đồng.

Chúng tôi tiếp tục ghé thăm mô hình kinh tế với vườn cây ăn quả, nuôi lợn rừng lai, lợn nái địa phương và vườn rau mẫu của hộ ông Lương Văn Hoài ở bản Tân Lâm, xã Ngọc Lâm. Đây là mô hình do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ngọc Lâm cùng Hội Nông dân huyện góp vốn thực hiện. Mô hình kinh tế của ông Hoài đã trở thành điểm sáng trong  phát triển kinh tế tổng hợp để bà con dân bản học tập, làm theo.

Từ thực tế sau 15 năm về định cư tại nơi ở mới, hiện nay bà con 2 xã TĐC là Thanh Sơn và Ngọc Lâm đã có hơn 1.021 ha cây trồng hàng năm, tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 11.317 tấn. Trong đó, sản lượng cây lúa nước đạt 10.600 tấn, với năng suất 55,5 tạ/ha. 

Cây chè là một trong những cây chủ lực ở vùng đất này, cũng đã đạt 344 ha và tăng dần qua từng năm. Chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò) cũng được xác định, là thế mạnh của vùng miền núi giáp biên này. Nhờ thế, tổng đàn trâu, bò hiện nay đã đạt 3.604 con, riêng tổng đàn gia cầm ước đạt 28.860 con.

Chúng tôi rất vui khi ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Tình hình sản xuất và đời sống vùng đồng bào DTTS cơ bản ổn định. Một số mô hình sản xuất, chăn nuôi, dịch vụ cho giá trị kinh tế, thu nhập cao được nhân rộng. 

Nhiều hộ nông dân trong đồng bào DTTS, đã thích ứng dần việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, đưa giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng vào sản xuất; kết hợp điều kiện thực tế của địa phương và các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước để xây dựng các mô hình kinh tế VAC, VACR… có hiệu quả, tạo công ăn việc làm thu nhập ổn định.

Ông Lương Văn Phượng (bên phải) ở bản Tân Hợp xã Ngọc Lâm vui vẻ kể về cuộc sống mới ở vùng TĐC
Ông Lương Văn Phượng (bên phải) ở bản Tân Hợp xã Ngọc Lâm vui vẻ kể về cuộc sống mới ở vùng TĐC

Thêm những niềm vui mới

Trong rất nhiều điều mới mẻ ở khu TĐC Bản Vẽ của huyện Thanh Chương, thì phong tục, tập quán lạc hậu đã từng bước thay đổi và đẩy lùi. Điều thấy rõ nhất là tệ nạn ma túy đã giảm mạnh; nạn tảo hôn, hủ tục bắt vợ, hôn nhân cận huyết thống, du canh du cư… dần được khống chế và loại ra khỏi đời sống mới. Người dân đã biết tiếp thu văn hóa mới, kết hợp những giá trị truyền thống của văn hóa dân tộc trong cuộc sống hôm nay.

So với ở quê cũ, việc học của con em đồng bào khu TĐC được quan tâm và thực sự đã tốt hơn trước rất nhiều. Năm học 2018 - 2019, trên địa bàn 2 xã TĐC Thanh Sơn và Ngọc Lâm đã có 8 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, 66 em đạt học sinh giỏi cấp huyện và nhiều em đạt giải cuộc thi về khoa học - kỹ thuật  Tỷ lệ xét tốt nghiệp lớp 9 hiện nay là 98,5%. 

Đáng mừng hơn, năm học 2020 - 2021, 2 xã TĐC đã có học sinh đầu tiên đậu đại học. Đó là Xeo Văn Uỳnh, người Khơ Mú, đỗ vào khoa Giáo dục thể chất, Trường Đại học TDTT Bắc Ninh với số điểm 28,3.

Nương chè của vùng TĐC xanh ngút ngát
Nương chè của vùng TĐC xanh ngút ngát

Ông Lữ Văn Đương, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chươnng khẳng định: Đời sống vật chất, tinh thần của bà con khu TĐC đã thay đổi nhiều. Người dân phấn khởi bao nhiêu thì cán bộ xã vui mừng bấy nhiêu. 

Mừng hơn là  những hộ dân vốn bỏ khu TĐC quay về quê cũ ở vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, thuộc huyện Tương Dương thì nay cũng đã quay lại. Ông Lương Văn Phượng ở bản Tân Hợp, xã Ngọc Lâm bấm ngón tay: Cuối tháng 9 vừa rồi, hộ cuối cùng là ông Lương Ngọc Ánh đã quay trở lại khu TĐC để sinh sống rồi. Đất ở, đất sản xuất đã được chia, có nhà ở chắc chắn, đường giao thông thuận tiện… điều kiện tốt hơn quê cũ nhiều...

Tin cùng chuyên mục
Để làng Aur vẫn vẹn nguyên muôn thủa

Để làng Aur vẫn vẹn nguyên muôn thủa

Giữa bạt ngàn mây trắng, ngôi làng Aur của đồng bào Cơ Tu hiện ra nhỏ bé và thơ mộng. Cảm giác, chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Qua trăm năm, ngôi làng ấy vẫn “nguyên bản” như thủa sơ khai, bất chấp sự đổi thay của thời gian...