Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Chuyện an cư, lạc nghiệp ở khu TĐC hồ Krông Pắk Thượng: Tiếp tục gỡ khó để dân yên tâm bám đất (Bài 2)

Lê Hường - 20:23, 30/11/2021

Cuộc sống mới ở khu tái định cư (TĐC) số 1 thuộc xã Cư Elang, huyện Ea Kar (Đắk Lắk) hình thành, với niềm tin về một tương lai tốt đẹp đang hiện hữu, song vẫn còn nhiều cái khó không phải một sớm một chiều có thể giải quyết được. Tuy nhiên, từ những bài học về những tồn tại vướng mắc đã được nhìn nhận, thấy rõ ở nhiều khu TĐC trên địa bàn cả tỉnh, cả nước..., thì hiện tại cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nơi đây đang tiếp tục nỗ lực tìm giải pháp khắc phục để người dân yên tâm định canh, định cư.

Một góc Khu tái định cư số 1 tại xã Cư Elang, huyện Ea Kar
Một góc Khu tái định cư số 1 tại xã Cư Elang, huyện Ea Kar

Ổn định cuộc sống người dân

Theo báo cáo, Dự án Hồ chứa nước Krông Pắk Thượng bắt đầu triển khai năm 2009, với tổng diện tích giải phóng mặt bằng gần 4.000ha, cung cấp nước tưới cho 14.900ha cây trồng. Dự án nằm trên đất của 4 huyện gồm Ea Kar, Krông Bông, M’đrắk, Krông Pắk. Khoảng 800 hộ dân thuộc diện bố trí tái định cư, được bố trí làm 2 khu gồm khu TĐC số 1, tại xã Cư Elang và khu TĐC số 2 tại xã Cư Bông của huyện Ea Kar. Mỗi người dân tái định cư được bố trí 1,1ha đất gồm 0,5ha đất lúa 2 vụ, 0,5ha đất hoa màu và 0,1 ha đất ở.

Giai đoạn 2011-2017, UBND huyện Ea Kar làm chủ đầu tư dự án. Huyện đã giải phóng mặt bằng diện tích 1.024ha gồm xây dựng hoàn chỉnh đập, hệ thống kênh thủy lợi Ea Rớt, cụm đầu mối Hồ Krông Pắk Thượng và KTĐC số 1. 

Từ năm 2018 đến nay, UBND tỉnh Đắk Lắk giao Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư dự án. Tiếp tục thực hiện các phần việc còn lại gồm: giải phóng mặt bằng, giao đất ở, đất sản xuất, xây dựng kênh mương, chợ… tại khu TĐC số 1.

Đến nay, Khu TĐC số 1 đã hoàn thành đủ điểu kiện bố trí cho 300 hộ dân đến định cư, hiện đã có 168 hộ dân đã đến sinh sống, sản xuất lúa nước, thu hoạch vụ đầu tiên năng suất cao, còn đất màu có 150ha đã giải phóng mặt bằng được hơn một nửa. Riêng khu TĐC số 2 đang được các đơn vị tập trung triển khai thực hiện, dự kiến hết quý I/2022 sẽ hoàn thành.

Bà con dân tộc Mông đi thăm đồng chuẩn bị vụ mùa mới
Bà con dân tộc Mông đi thăm đồng chuẩn bị vụ mùa mới

Người dân mong sớm được cấp đất sản xuất 

Ngồi trước mái hiên ngôi nhà gỗ mới còn nồng mùi sơn, đôi tay tỉ mỉ đưa từng mũi kim thêu hoa văn lên chiếc váy truyền thống của đồng bào Mông, bà Sùng Thị Pằng (46 tuổi) băn khoăn bảo: Mình từ thôn 9 xã Cư San chuyển đến khu TĐC số 2 từ tháng 5/2021, mang tất cả đồ đạc, tài sản qua. Mặc dù nhà mình đã ổn định nơi ở, nhưng vẫn chưa được nhận đất sản xuất để làm. Hiện tại chồng và con trai lớn đang đi hái cà phê thuê ở huyện khác, 4 mẹ con ở nhà trồng luống rau, cây bắp trong vườn nhà, nuôi con gà, con ngan. Mong chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ, giải pháp sớm chia đất để gia đình mình có đất sản xuất ổn định.

Không chỉ gia đình bà Pằng ở khu TĐC số 2, mà  ở khu TĐC số 1 mặc dù, người dân đã chuyển đến khu TĐC số 1 ở đông đúc, nhưng nhiều hộ dân vẫn còn gặp khó khăn. Hiện nay, người dân nơi đây mới chỉ có đất lúa, còn đất màu chưa giải phóng xong mặt bằng nên người dân chưa được chia, hệ thống kênh thương thủy lợi phục vụ sản xuất lúa nước chưa hoàn thiện. Thậm chí, còn một số hộ dân chưa được nhận đất trồng lúa lẫn đất trồng hoa màu.

Theo chị Hoàng Thị Dung (26 tuổi), quy định mỗi gia đình chuyển đến đây sẽ được 5 sào đất lúa, 5 sào đất màu và 1 sào đất ở. Nhưng đến nay, đất màu chưa có, đất ruộng nhận chưa đủ, nên vụ này sản lượng lúa của gia đình mình thấp hơn so với nhiều hộ dân khác.

Chưa nhận được đất sản xuất, hàng ngày bà Sùng Thị Pằng ngồi may thêu trang phục truyền thống
Chưa nhận được đất sản xuất, hàng ngày bà Sùng Thị Pằng ngồi may thêu trang phục truyền thống

Nguyên nhân là do bản đồ gốc của diện tích đất bị thất lạc, dẫn đến địa phương không đủ cơ sở để chỉnh lý bản đồ, xuất trích lục. Đến tháng 8/2021, UBND tỉnh đồng ý cho chủ đầu tư tiến hành công tác đo đạc địa chính, nhưng việc xác nhận nguồn gốc đất gặp khó khăn. Một số hộ dân không hợp tác ký xác nhận đất giáp ranh hoặc đi làm ăn xa chưa thể về ký.

Ông Trần Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Cư Elang cho biết: Bên cạnh việc tiếp tục tập trung tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về đất sản xuất, UBND xã xác định, sản xuất mùa vụ là nhiệm vụ then chốt để ổn định đời sống của các hộ TĐC, xã đã sớm chủ động đề xuất với UBND huyện hỗ trợ kinh phí cày tập trung, phối hợp với Tổ công tác 372 của huyện và HTX Nông nghiệp - thủy lợi xã Cư Elang tổ chức cày bừa tập trung 43,3 ha/98 lô/88 hộ. Hướng dẫn sản xuất lúa nước vụ hè thu cho 177 hộ (bao gồm cả các hộ đã nhận đất nhưng chưa đến ở) 124 ha năng suất ước đạt 6,2 tấn/ha.

Tuy nhiên, hiện nay kênh mương tưới cho khu 120ha lúa nước của khu TĐC chưa hoàn thiện đấu nối và vẫn còn 11 hộ dân ở khu TĐC 1 chưa nhận được đất sản xuất. Chúng tôi đã đề xuất UBND huyện, kiến nghị chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thiện để hoàn thiện việc giao đất cho người dân yên tâm sản xuất mùa vụ mới. Còn đối với đất màu, đơn vị chủ đầu tư đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn, nỗ lực giải phóng mặt bằng để sớm giao đất cho dân.