Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Chuyện chưa kể về đại công trình ở Tây Nguyên: Dấu ấn những người ở lại (bài 2)

Minh Ngọc - 18:58, 16/02/2022

20 năm sau ngày khánh thành thủy điện Yaly, hàng chục ngàn công nhân đã đi đến nhiều công trình khác, nhưng vẫn có hàng ngàn người ở lại xây dựng mảnh đất này thành một thị trấn trù phú.

Thị trấn Ia Ly về đêm đẹp lung linh (ảnh Hồng Trung).
Thị trấn Ia Ly về đêm đẹp lung linh (ảnh Hồng Trung).

“Hậu Yaly” và bài toán an dân

Năm 2002, sau gần 10 năm thi công, công trình thủy điện Yaly đang bước vào những ngày nước rút để đưa tổ máy số 1 vào chạy thử, hòa vào mạng điện quốc gia. Trong niềm vui lớn lao khi đất nước có thêm một công trình lớn, cán bộ, công nhân của Tổng công ty xây dựng Sông Đà lại thấp thỏm một nỗi lo là giải quyết việc làm cho lao động dôi dư khi công trình hoàn thành, như đã từng xảy ra với “hậu Sông Đà”. Bên cạnh việc chỉ đạo trên công trường vì mục tiêu phát điện tổ máy số 1 đúng tiến độ, cán bộ lãnh đạo Tổng công ty trăn trở để tìm một hướng đi sau này cho những người thợ Yaly.

Tại văn bản 2907 Văn phòng chính phủ – KTN, Chính phủ đã có chủ trương tạo điều kiện hỗ trợ là 5000 công nhân có nguyện vọng định cư lâu dài tại Tây Nguyên. Và tại thị trấn Ia Ly hiện nay, có hơn 3000 cán bộ công nhân ở lại lập nghiệp ngay nơi thủy điện này. Ngoài khu vực phố thị của thị trấn, còn các buôn làng như làng Kênh, làng Tum, làng Yút nay thuộc xã Ia Phí, làng Mun, làng Vân, làng Blo, làng Yăh (thị trấn Ia Ly); làng Dip, làng Dôch (xã Ia Kreng); làng Kép, làng A Mơng, làng Phung ( xã Ia Mơ Nông), cả các làng bản của xã Sa Bình, xã Ya Ly (huyện Sa Thầy, Kon Tum) đều có những rẫy cà phê, tiêu, điều, cao su vườn cây ăn trái của những công nhân thủy điện.

Thị trấn Ia Ly đang phát triển ngày càng khang trang hơn.
Thị trấn Ia Ly đang phát triển ngày càng khang trang hơn.

Vùng đất Ia Ly bây giờ đã trở nên trù phú. Bà con nơi đây không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu ngay trên chính quê hương mình. Những ai đã từng sinh sống hoặc đã từng đi đến thị trấn Ia Ly thì không thể phủ nhận sự đổi thay của vùng đất này đã và đang khởi sắc hơn nữa trong tương lai khi mà nơi đây đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách thập phương. Bên cạnh đó, nơi đây còn có sự đa dạng về văn hóa, phong tục, ẩm thực của nhiều địa phương khác nhau cùng hội tụ.

Thị trấn Ia Ly hôm nay có hệ thống đường sá thông thoáng, nhiều nhà cao tầng kiên cố, khang trang dọc hai bên đường. Hệ thống điện chiếu sáng khắp thị trấn, những nhà hàng, quán ăn, nhà nghỉ khách sạn, siêu thị điện máy, cửa hàng cửa hiệu san sát. Chợ, khu thể thao, trụ sở hành chính, công viên thị trấn đã được xây dựng với khuôn viên rộng rãi.

Tại vùng đất này, giáo dục cũng được các cấp ngành quan tâm đầu tư. Trường tiểu học, THCS, THPT được xây dựng và đầu tư trang thiết bị dạy học hiện đại. Trong đó trường THPT YaLy được công nhận là trường đạt chuẩn Quốc gia vào tháng 7 năm 2021. Ông Dương Công Luật, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cách đây gần 30 năm, khi Thủy điện Ia Ly mới đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng công trình thủy điện lớn nhất miền Trung, con em cán bộ công nhân viên vào xây dựng nhà máy, và cả con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây "đói" chữ.

Trường học là dãy nhà cấp 4 tạm bợ, dột nát, không đủ bàn ghế, không có tường rào, không có điện, điều kiện trường lớp thiếu phòng học, thiếu giáo viên, học sinh của mình học trong điều kiện khó khăn.

Các cấp ngành của tỉnh Gia Lai cùng Tổng Công ty Sông Đà đã mở rộng diện tích trường cũ, chọn đất và đầu tư kinh phí xây dựng trường mới, xây dựng nhà ở cho giáo viên. Rồi những người làm giáo dục, đặc biệt là nhà giáo ưu tú Trịnh Thị Trang hơn 20 năm làm hiệu trưởng đã xây dựng đề án thành lập Trường THCS Yaly, thành lập Trường THPT Yaly như ngày nay. Số học sinh ngày càng tăng, đặc biệt là những học sinh dân tộc thiểu số của trường Yaly ngày càng nhiều. Các em học sinh DTTS đến trường không phải đóng góp gì, còn nhận thêm tiền hỗ trợ hàng tháng của nhà trường từ nguồn vận động.

Ông Rơ Châm Vân - Chủ tịch UBND thị trấn Ia Ly phấn khởi cho biết: “Thị trấn hiện có gần 1.850 hộ với hơn 6.600 người thuộc 14 dân tộc anh em, trong đó, đồng bào người Gia Rai chiếm 45% dân số. Những năm qua, bà con nơi đây luôn phát huy tinh thần đoàn kết, chung tay xây dựng thị trấn ngày một phát triển. Đặc biệt, khoảng 300 hộ là cán bộ, công nhân xây dựng Nhà máy thủy điện Ia Ly năm xưa, nay tiếp tục ở lại đóng góp xây dựng thị trấn, hướng đến đô thị cấp vùng Tây Nguyên”.

Thị trấn mới trên vùng nắng gió

Những người ở lại thủy điện ngày ấy bây giờ đều đã già, đã nghỉ hưu. Họ đã cùng người dân các buôn làng ở đây xây dựng nên một thị trấn với sức vóc mới, dáng hình mới. Bà Trần Thị Thêu, cựu công nhân xây dựng thủy điện chia sẻ: “Sau khi kết thúc công trình, nhiều người ở lại lập nghiệp tại đây, con cái sinh ra lớn lên ở mảnh đất này cũng đều coi đây là quê hương. Những người chọn ở lại đây đều cố gắng xây dựng địa phương phát triển xứng đáng với những kỳ vọng!”. Không chỉ bà Thêu, mà nhiều người ở lại đất này đều có chung một tâm nguyện như thế.

Ông Rơ Châm Mruych - Huyện Ủy viên, Bí Thư Đảng Uỷ, Chủ Tịch HĐND Thị Trấn Ia Ly cho biết: “Chúng tôi coi đây là mô hình để phát triển du lịch gắn với các điểm du lịch trên địa bàn như Thủy điện Yaly, thác Công chúa, khu du lịch nhà mồ của làng Phung, Suối đá đĩa làng Vân, núi lửa Chư Đăng Ya và kết hợp các điểm du lịch chung trên địa bàn huyện và của tỉnh để phát triển du lịch của thị trấn”.

Hiện tại, một doanh nhân từ thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư xây dựng một khu trồng cây ăn trái, khu du lịch với nhiều dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí với nhiều phân khu chức năng, hồ bơi…tại thị trấn Ia Ly, thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Bà Bùi Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Thị trấn Ia Ly, một người con của công nhân xây dựng thủy điện ở lại sinh cơ lập nghiệp trên mảnh đất này, cũng là một nhân chứng của Yaly chia sẻ: “Sự đổi thay thực sự của thị trấn Ia Ly mà quá trình này có sự giúp đỡ thiết thực của Công ty Thủy điện Yaly bằng những ký kết quan trọng từ những năm trước với mục đích: Tăng cường sự đoàn kết, gắn bó chặt chẽ giữa doanh nghiệp với địa phương, giữa đồng bào các dân tộc với cán bộ, CNV công ty; giáo dục cho nhân dân địa phương, CBCNV công ty cùng hiểu được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước để phát triển toàn diện kinh tế, xã hội địa phương; tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ cho các hộ nghèo của địa phương về vật chất, tinh thần để vươn lên xóa đói, giảm nghèo; đảm bảo công tác an ninh-quốc phòng, bảo vệ và bảo đảm an toàn đời sống cho nhân dân trong khu vực và tài sản của Công ty Thủy điện Yaly".

Ông Đặng Văn Giỡ (giữa) và những người xây dựng thủy điện năm xưa tiếp tục ở lại xây dựng thị trấn Ialy.
Ông Đặng Văn Giỡ (giữa) và những người xây dựng thủy điện năm xưa tiếp tục ở lại xây dựng thị trấn Ialy.

Cùng với sự phát triển của thị trấn Ia Ly, Công ty Thủy điện Yaly cũng góp phần vào an sinh xã hội tại địa phương xây dựng thành chính sách và mục tiêu thực hiện. Từ năm 2000 đến nay, với nguồn đóng góp của CBCNV và quỹ phúc lợi, Công ty đã ủng hộ hàng tỷ đồng cho các tổ chức xã hội, giúp đỡ người nghèo và vùng bị thiên tai, xây mới, sửa chữa 19 căn nhà cho các gia đình nghèo ở địa phương và nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa khác.

Không chỉ tại Thị trấn Ia Ly, mà đồng bào người Ba Na, Rơ Ngao, Gia Rai và một số người Kinh tại 21 làng tái định cư sinh sống quanh bờ hồ thủy điện Yaly thuộc huyện Chư Pảh (tỉnh Gia Lai), và huyện Sa Thầy và một phần TP Kontum (tỉnh Kon tum) cũng đã được đảm bảo về nhà cửa, đất vườn, điện sinh hoạt, giếng nước, đường giao thông và các công trình phúc lợi công cộng như trường học, trạm xá, nhà rông, trụ sở... với tổng vốn đầu tư trên 390 tỉ đồng. Đây là mô hình đền bù - di dân - tái định cư đang được Tổng công ty Điện lực Việt Nam áp dụng thực hiện tại các công trình thủy điện ở Tây nguyên và miền Trung.

Nhiều người ở lại thủy điện Yaly mấy mươi năm qua để xây dựng mảnh đất này vẫn tin rằng, với niềm tin yêu, sự sáng tạo của những người bén duyên với vùng đất này như ông Giỡ, bà Thêu, bà Hương...và hàng nghìn người khác, cùng với những tiềm năng hiện hữu sẽ là nền tảng để đưa thị trấn vùng nắng gió này phát triển mạnh, tạo nên một bản tình ca Tây Nguyên mới, hoà chung cùng với sự phát triển của đất nước.

Tin cùng chuyên mục
Trăn trở về một miền di sản: Gặp những người “níu giữ” di sản (Bài 2)

Trăn trở về một miền di sản: Gặp những người “níu giữ” di sản (Bài 2)

Trăn trở, đau đáu với những giá trị, bản sắc văn hoá của dân tộc trước nguy cơ mai một, biến mất… những người có trách nhiệm đã đánh cược với thời gian, chỉ để níu giữ di sản cho hậu thế.