Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Kon Plông (Kon Tum): Dân khốn khổ vì chủ đầu tư thủy điện không bồi thường thiệt hại

H.Đại - T.Nhân - 16:08, 10/01/2022

Mặc dù đã đi vào hoạt động hơn 8 năm, nhưng đến nay công tác bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án Thủy điện Đăk Đring trên địa bàn xã Đăk Nên, huyện Kon Plông (Kon Tum) vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Thiếu đất sản xuất, đời sống của những hộ dân rất khó khăn.

Người dân bức xúc về việc chủ đầu tư hứa suông, không chịu đền bù
Người dân bức xúc về việc chủ đầu tư hứa suông, không chịu đền bù

Dự án Thủy điện Đăk Đrinh được khởi công từ tháng 9/2009. Nhà máy có công suất 125MW, nằm trên địa bàn tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi, do Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Đrinh - Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - PVN) làm chủ đầu tư.

Để thực hiện Dự án, có 192 hộ, với 843 khẩu ở xã Đăk Nên huyện Kon Plông (Kon Tum), phải nhường đất cho công trình để đến nơi ở mới. Nhưng đến nay, cuộc sống của những hộ dân trong khu tái định cư (TĐC) vẫn bấp bênh. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên, là do Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Đrinh (Cty) thu hồi đất nương rẫy của những hộ dân để làm dự án thủy điện, nhưng cho đến nay vẫn không chịu đền bù cho người dân. Người dân đã nhiều lần kiến nghị với địa phương. 

Và sau nhiều lần tiếp xúc cử tri, lãnh đạo huyện cũng đã ý kiến với UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư đền bù cho người dân, nhưng chủ đầu tư vẫn chây ì. Dư luận đang rất bức xúc vì sự vô tâm, thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư Thủy điện Đăk Đring đối với người dân.

Để tìm hiểu rõ hơn về những bức xúc của người dân, những ngày cuối tháng 12/2021, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển tìm về thôn Tu Rét, xã Đắk Nên. Trước mắt chúng tôi là những căn nhà tái định cư đang bắt đầu xuống cấp, những gương mặt buồn rầu hiện rõ trên mặt những người dân nơi đây.

Anh Đinh Văn T. một người dân ở khu TĐC cho hay: "Thực hiện chủ trương của Nhà nước, người dân đồng thuận nhường đất để xây dựng nhà máy thủy điện. Nhưng đến nay, tiền đến bù chúng tôi vẫn chưa nhận đủ, đất sản xuất thì không có. Vậy người dân chúng tôi phải sống như thế nào?".

Già làng A Tăng ở làng Tu Rét buồn bã nói: Già sinh ra và lớn lên ở đất này, nhà thì bị nước ngập rồi, ruộng đất cũng ngập cả rồi, giờ lên đây sống đất sản xuất cũng không có. Nhiều lần tiếp xúc cử tri, già đều ý kiến với lãnh đạo huyện, tỉnh đề nghị chủ đầu tư nhanh chóng bồi thường tiền đất và cấp đất sản xuất để bà con ổn định cuộc sống.

Nhiều ngôi nhà ở khu TĐC bỏ hoang và đã xuống cấp nghiêm trọng
Nhiều ngôi nhà ở khu TĐC bỏ hoang và đã xuống cấp nghiêm trọng

Cũng tại xã Đắk Nên, tháng 12 là thời điểm người dân bắt đầu gieo mạ để cấy lúa mùa, nhưng nhiều hộ dân ở đây vẫn chưa tiến hành gieo trồng do thiếu đất sản xuất. Và nếu có đất thì cũng ở rất xa, đường sá đi lại khó khăn. Dù để ruộng đất trống, nhưng gia đình anh Đinh Văn T. vẫn chỉ biết... ngồi ở nhà. 

Anh T. cho biết, sau khi gia đình anh bị thu hồi đất để làm dự án thủy điện, gia đình được cấp 1 căn nhà TĐC, 1ha đất rẫy và 2 sào lúa nước. Tuy nhiên, đất rẫy thì cằn cỗi, sỏi đá nên rất khó cải tạo, còn 2 sào lúa nước thì vẫn chưa thể canh tác, bởi đơn vị thủy điện lấy đất nhưng vẫn chưa thực hiện xong việc bồi thường. “Chúng tôi nhiều lần kiến nghị đến các cấp, ngành trong huyện, tỉnh và Trung ương, nhưng đến nay điều mà người dân nhận được vẫn là lời hứa suông” anh T. buồn bã chia sẻ thêm.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Thanh Minh, Chủ tịch UBND xã Đắk Nên cho biết: Xã đã nhiều lần có ý kiến với cấp trên, yêu cầu chủ đầu tư nhanh chóng giải quyết cho người dân, tuy nhiên đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa tiến hành giải quyết. Trong đợt tiếp xúc cử tri vừa qua, cử tri xã cũng đã tiếp tục ý kiến với lãnh đạo huyện, tỉnh để có hướng giải quyết cho người dân vùng bị ảnh hưởng. Đồng thời, đề nghị Cty này phải nâng cấp, sữa chữa tuyến đường từ ngã ba Đắk Ring đi 2 thôn là Đắk Tiêu và Đắk Pút để phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân.

Ngày 23/11/2021, UBND huyện Kon Plông đã có báo cáo số 522/BC-UBND về việc chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định canh, định cư dự án thủy điện Đăk Đring trên địa bàn huyện. Trong đó, UBND huyện Kon Plông kiến nghị, hiện nay, số tiền bồi thường, hỗ trợ chưa chi trả cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án là 27,8 tỷ đồng gồm hỗ trợ đất và tài sản trên đất các khu tái định canh, định cư. Khoản chi phí này không thuộc khoản chi phí bồi thường hỗ trợ tăng thêm 33,286 tỷ đồng. Do đó, đề nghị chủ đầu tư sớm bồi thường, hỗ trợ cho người dân ổn định cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum) hỗ trợ bò sinh sản nhưng khi nhận lại là “bê”: Cấp 108 con nhưng chỉ thanh tra 62 con

Đăk Hà (Kon Tum) hỗ trợ bò sinh sản nhưng khi nhận lại là “bê”: Cấp 108 con nhưng chỉ thanh tra 62 con

Thanh tra huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã có Kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong thực hiện Tiểu dự án 2 – Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) năm 2023 tại xã Ngọk Wang, với tổng số 62 con bò đã được cấp. Vậy 46 con bò thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được triển khai cùng thời điểm liệu có cấp đúng, đủ trọng lượng hay không mà không tổ chức thanh tra? Đó là điều mà dư luận quan tâm hiện nay.