Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Chuyện về người “cõng” nhà, dời làng

Tùng Lâm - 15:50, 07/07/2023

Để có được thôn tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) ổn định, phát triển như hôm nay, dân làng biết ơn Trưởng thôn A Dai nhiều lắm. Bởi anh từng kiên trì vận động, tuyên truyền, rồi lại miệt mài giúp dân “cõng” nhà, dời đến vùng đất mới để an cư, lạc nghiệp.

Trưởng thôn A Dai (ngoài cùng bên phải) làm công tác tuyên truyền, vận động bà con.
Trưởng thôn A Dai (ngoài cùng bên phải) làm công tác tuyên truyền, vận động bà con

Ba lần chính quyền địa phương vận động đến vùng tái định cư là cả 3 lần người dân thôn Tu Thó lắc đầu từ chối. Họ chỉ muốn yên ổn tại nơi đang ở để làm ăn. Nhưng yên ổn sao được bởi nơi đó luôn nằm trong sự đe dọa, rình rập của những cơn bão, lũ. Trưởng thôn A Dai hiểu điều đó, anh tiên phong chuyển đến nơi ở mới trước, rồi mới vận động, tuyên truyền bà con đi sau.

A Dai tâm sự: Được Đảng và Nhà nước quan tâm, đầu tư đến nơi ở mới, tôi cũng như nhiều bà con ở đây rất vui mừng nhưng cũng không kém phần lo ngại. Bởi đây không phải là lần đầu bà con phải di dời. Mỗi lần chuyển nơi ở rất vất vả, nên ai cũng muốn ở lại. Tôi làm Trưởng thôn, nên phải gương mẫu đi đầu, chuyển nhà đến vùng tái định cư mới do Nhà nước lựa chọn và đầu tư.

"Trưởng thôn A Dai là một cán bộ trẻ, năng nổ, gần dân, tận tuỵ với việc thôn. Mỗi khi xã có nội dung cần triển khai về thôn, anh A Dai tiếp thu và tuyên truyền đến người dân rất nhanh gọn và hiệu quả. Nhờ có sự góp sức của Trưởng thôn A Dai mà việc vận động các hộ dân thuộc dự án di dời đến vùng tái định cư thuận lợi hơn. Anh A Dai xứng đáng là tấm gương cho nhiều người học hỏi theo”.

Ông A Đe Chủ tịch xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum

Miệng nói, tay làm, từ nguồn hỗ trợ 25 triệu đồng của Nhà nước, Trưởng thôn A Dai đã mua tôn và một số vật dụng khác, tận dụng những vật liệu để xây dựng căn nhà mới. Dựng xong nhà, trong các buổi họp thôn, A Dai phối hợp với già làng, các ban, ngành, đoàn thể của thôn cùng vận động bà con di dời đến nơi ở mới. Nếu thấy ai vắng họp, Trưởng thôn A Dai đến tận nhà để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, cùng bà con từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để di dời nhà.

A Dai tâm sự: Với số tiền 25 triệu đồng để bà con di dời là rất ít. Hiểu được bà con, tôi đã cùng các thanh niên trong thôn, bộ đội tham gia phụ giúp bà con di dời. Nhiều gia đình xây nhà mới, chúng tôi phụ giúp vận chuyển vật liệu, đồ đạc trong nhà, còn nhiều nhà khó khăn buộc chúng tôi phải “cõng” nguyên căn nhà.

Nói “cõng” nhà là không ngoa, bởi A Dai và người dân phải chuyển từ vật liệu dựng khung nhà như cột kèo, tôn lợp… tới vật dụng sinh hoạt nhỏ bé như nồi niêu, bát đũa… đi cùng. Có nhiều căn nhà phải di dời hơn 10 ngày, nửa tháng mới đến được vị trí mới. Sau một thời gian, tất cả các hộ dân thuộc dự án di dời đã chuyển đến ở. Bà con giờ đây có cuộc sống ổn định, yên tâm phát triển kinh tế.

Giúp dân “cõng” nhà xong, A Dai vẫn chưa hết nhiệm vụ, trong đời sống thường ngày, anh còn là trung gian giải quyết các mâu thuẫn giữa người dân với nhau để giữ cho cộng đồng luôn đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, xây dựng thôn Tu Thó ngày càng phát triển.

Cùng với đó, Trưởng thôn A Dai còn vận động bà con thường xuyên giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, chuồng trại, trồng cây, hoa ven đường, khuôn viên nhà để tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp; nhắc nhở các phụ huynh cho con em đi học đều đặn, không được nghỉ học làm rẫy, kết hôn sớm…

Không chỉ giỏi việc nước, Trưởng thôn A Dai còn được nhiều người khen ngợi là một người trẻ làm kinh tế giỏi. Bởi anh đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích trồng mỳ, lúa kém hiệu quả sang trồng những cây có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, gia đình anh đang trồng và chăm sóc 3 ha cà phê, 1 ha cây sơn tra, 2 sào sâm dây và hơn 200 gốc sâm Ngọc Linh, thu nhập mỗi năm hơn 200 triệu đồng.

Tin cùng chuyên mục
Bước ra khỏi vùng an toàn để làm chủ doanh nghiệp

Bước ra khỏi vùng an toàn để làm chủ doanh nghiệp

Trong thời đại 4.0, ngày càng có nhiều chị em phụ nữ người DTTS đã mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn để thử sức ở những lĩnh vực mới mẻ. Với sự quyết tâm, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, những nữ doanh nhân người DTTS đã tạo ra nhiều sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn lợi kinh tế cho doanh nghiệp, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho phụ nữ ở địa phương. Nữ doanh nhân Vương Thị Thương, dân tộc Tày ở thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn là một ví dụ.