Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Chuyện về người La Hủ trên đất Mường Tè

Thúy Hồng - 08:31, 05/05/2023

Trước đây người ta thường truyền tai nhau về cuộc sống của người La Hủ ở Mường Tè, Lai Châu rằng, cứ sau mỗi mùa thu hoạch, thời điểm cây rừng trút lá trước mùa đông là bà con lại rút lều, bỏ nương chuyển đến nơi ở mới. Nhưng đó là chuyện của hơn chục năm về trước. Giờ đây đồng bào La Hủ ở Mường Tè đã dứt “phận lá vàng”, để an cư, lập làng phát triển kinh tế, đã có những tỷ phú trẻ người La Hủ mới ở tuổi đôi mươi.

Những cô gái La Hủ ở xã Bum Tở, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu trong trang phục truyền thống đang tập múa, hát trong sân nhà văn hóa của bản.
Những cô gái La Hủ ở xã Bum Tở, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu trong trang phục truyền thống đang tập múa, hát trong sân nhà văn hóa của bản

Xuống núi an cư…

Người La Hủ ở Lai Châu có 2.952 hộ dân, 12.316 khẩu chủ yếu cư trú ở các xã Pa Vệ Sủ, Bum Tở, Nậm Khao, Mường Tè, Tá Bạ, Thu Lũm, Ka Lăng, Pa Ủ, Hua Bum của huyện Mường Tè.

Pa Ủ là xã khó khăn nhất huyện Mường Tè, nơi có 870 hộ, trên 3.700 nhân khẩu, trong đó người La Hủ chiếm hơn 98%. Nơi đây từng được biết đến là vùng lõi nghèo; có thời điểm tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 95%. Cuộc sống của đồng bào La Hủ thường du canh, du cư theo từng mùa nương rẫy. Nhưng nhờ Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương vận động, bà con La Hủ đã xuống núi an cư, lập làng, đời sống đã có nhiều đổi khác.

Trên đường vào xã Pa Ủ, giữa trưa, chúng tôi gặp vợ chồng anh Vy Mùa Giang vừa đi nương về. Anh Giang khoe, con gái lớn của anh đang học lớp 8 ở trường trung tâm xã Pa Ủ, cuối tuần mới về, còn 3 đứa nhỏ thì đang học ở gần nhà.

“Trước đây đồng bào mình sống lang thang trên rừng, không biết làm ăn, khổ lắm. Bây giờ được cán bộ giúp làm nhà ở, con cái được đến trường học hành không còn lo đói rét nữa”, anh Giang kể.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Pa Ủ Thàng Xuân Ly nhớ lại, thời điểm năm 2008 - 2009, anh là Bí thư Đoàn Thanh niên trực tiếp tham gia cùng các đoàn đi vận động đồng bào về định cư.

“Lúc đầu để đưa bà con về an cư rất khó khăn, bởi người dân ở tập trung không quen. Bộ đội đón dân về ở rồi phải dựng lán ngủ lại hàng tháng để hướng dẫn bà con từ cách sinh hoạt, nấu nướng đến cách chăn nuôi bò, trồng rừng... Bà con về có nhà ở, có nương sản xuất, đời sống dần ổn định, không bỏ vào rừng nữa...”, anh Ly cho biết.

Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng đời sống của người La Hủ ở Pa Ủ đã cơ bản ổn định. Nhiều gia đình tham gia giữ rừng, được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (20 triệu đồng/năm); Nhiều hộ có nương lúa kém hiệu quả được hướng dẫn, hỗ trợ chuyển đổi sang trồng rừng, trồng quế.

Cũng theo anh Ly, cùng với sự hỗ trợ của lực lượng Biên phòng, chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân xuống núi lập bản, hướng dẫn phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi... Nhờ đó, tỷ lệ đói nghèo tính đến cuối năm 2021 giảm từ hơn 89% xuống còn 77%. Hiện nay xã đạt 11/19 tiêu chí Nông thôn mới.

Bộ đội Biên phòng hướng dẫn đồng bào La Hủ trồng, chăm sóc lúa nước.
Bộ đội Biên phòng hướng dẫn đồng bào La Hủ trồng, chăm sóc lúa nước

Những tỷ phú trẻ

Rời Pa Ủ, chúng tôi đến xã Bum Tở, nơi từng bất ổn bởi “cơn lũ đen” (thuốc phiện) hoành hành trước đây. Nhưng nay, vùng đất này đã có nhiều thanh niên La Hủ biết làm ăn, trở thành những tỷ phú trẻ.

Gặp Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Nậm Xả, Vàng Giá Chừ trong ngôi nhà xây 3 tầng lớn nhất bản, chúng tôi được biết, năm 2017, khi Nhà nước có chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, anh Chừ mạnh dạn đầu tư trồng hơn 14 ha quế. Ước tính, mỗi ha quế thu về khoảng 700 triệu đồng, như vậy 14 ha của anh Chừ có thể thu về gần chục tỷ đồng. Ngoài ra, anh còn trồng gần 2 ha dổi, chăn nuôi bò, dê, lợn. Anh còn thu mua riềng, măng và các loại nông sản của bà con rồi sơ chế, bán cho thương lái. Gia đình anh tạo việc làm ổn định cho hơn chục lao động trong bản với mức 200.000 đồng/người/ngày.

Dọc theo tuyến biên giới Mường Tè, chúng tôi còn được nghe chuyện người La Hủ trồng sâm để làm giàu. Như ở xã Pa Vệ Sủ, hiện có trên 115ha sâm của người dân và các doanh nghiệp. Từ các chính sách hỗ trợ, đồng bào các dân tộc La Hủ bước đầu đã phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương để tạo ra vùng sản xuất như: quế, riềng, cây sa nhân, thảo quả và đưa một số cây có giá trị như Sâm Lai Châu vào trồng tại các xã Bum Tở, Pa Vệ Sủ, Tá Bạ… Hiện nay, 100% xã vùng đồng bào dân tộc La Hủ sinh sống đều có đường giao thông đến trung tâm; 100% xã có trạm y tế được xây dựng kiên cố; 92,86% xã có nhà văn hóa xã.…

Dẫu đã có những bước phát triển đáng kể, nhưng cuộc sống người dân nơi đây vẫn còn lắm gian nan. Sự phát triển sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc La Hủ chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trong thời gian tới, với nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như chương trình, chính sách dân tộc sẽ là nguồn lực lớn để thúc đẩy đời sống đồng bào La Hủ ngày càng phát triển.

Từ các chính sách hỗ trợ, đồng bào các dân tộc La Hủ bước đầu đã phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương để tạo ra vùng sản xuất như: quế, riềng, cây sa nhân, thảo quả và đưa một số cây có giá trị như Sâm Lai Châu vào trồng tại các xã Bum Tở, Pa Vệ Sủ, Tá Bạ… Hiện nay, 100% xã vùng đồng bào dân tộc La Hủ sinh sống đều có đường giao thông đến trung tâm; 100% xã có trạm y tế được xây dựng kiên cố; 92,86% xã có nhà văn hóa xã...

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.