Nghệ nhân ưu tú ABiu (người đứng thứ từ trái sang) cùng các Nghệ nhân Ưu tú xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi giới thiệu bộ cồng chiêng Ba NaNhững ngày qua, đi đến đâu tôi cũng nghe người dân bàn tán sôi nổi về chủ trương sáp nhập tỉnh. Riêng bạn đọc Báo Dân tộc và Phát triển đều bày tỏ sự phấn khởi, vui mừng trước thông tin này. Việc hình thành tỉnh mới với diện tích rộng lớn, dân cư đông đúc, bộ máy cán bộ tinh gọn nhưng có chất lượng chuyên môn cao hơn hứa hẹn sẽ mang lại nhiều chuyển biến tích cực. Nếu Quảng Ngãi và Kon Tum được sáp nhập, đây sẽ là cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Tỉnh mới Quảng Ngãi sẽ sở hữu lợi thế cả biển và rừng, đồng thời có tuyến đường thông thương sang Lào, giúp việc đi lại thuận tiện, sôi động hơn. Đặc biệt, công tác bảo tồn bản sắc văn hóa và phát triển du lịch cũng sẽ có điều kiện để vươn lên, xứng tầm với các tỉnh lân cận.
Nhớ lại, tháng 2/2021, tôi cùng đoàn nghệ nhân người Ca Dong (nhóm địa phương của dân tộc Xơ Đăng) ở xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức chuyến đi khám phá miền đất Kon Tum. Chỉ trong vài ngày tham quan các bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Kon Plông và TP. Kon Tum, chúng tôi đã cảm nhận được cách bảo tồn văn hóa và làm du lịch đặc sắc của bà con nơi đây.
Nghệ nhân ưu tú ABiu giới thiệu chiếc cồng Ba NaNghe tin có đoàn khách từ Quảng Ngãi đến, Nghệ nhân Ưu tú ABiu vui mừng chuẩn bị các nhạc cụ dân tộc như cồng chiêng và đàn T’rưng để giao lưu. Gần 70 tuổi nhưng nhờ thường xuyên rèn luyện thể lực và gắn bó với cồng chiêng nên ông vẫn rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Đoàn tham quan của chúng tôi chủ yếu là những nghệ nhân say mê sắc màu văn hóa dân tộc, chỉ trong chốc lát đã thân quen, rồi cùng diễn tấu các nhạc cụ rất ăn ý và sôi nổi.
Nghệ nhân ABiu đưa chúng tôi tham quan phòng trưng bày các vật dụng sinh hoạt, nhạc cụ chiêng - trống truyền thống. Biết chúng tôi đặc biệt quan tâm đến cồng chiêng, ông dành nhiều thời gian để giải thích cặn kẽ. Ông nói: “Đồng bào Ba Na của mình rất yêu quý cồng chiêng và đàn t’rưng. Cồng Ba Na có 3 loại: loại có núm to ở giữa gọi là yong, loại nhỏ hơn gọi là pông, và loại thứ ba là pep, âm thanh vang lên như tiếng chim kêu. Về chiêng, cũng có 3 loại mang 3 tên gọi khác nhau: Chiêng rơwăl, brông và brong. Bộ chiêng rơwăl thường có 8 chiếc. Chiêng brong được sử dụng trong các lễ hội hoặc khi trong làng có sự kiện không vui. Riêng chiêng brông chỉ vang lên khi trong làng có người qua đời. Đây là điểm khác biệt so với phong tục tín ngưỡng của người Co, Hrê, Cà Dong ở miền núi Quảng Ngãi.”
Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân gian xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Nghệ nhân Ưu tú Đinh Thanh Sơn, xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi, nói vui: “Đi chuyến tham quan này, tôi và anh chị em học được nhiều điều bổ ích, như: Hiểu thêm ý nghĩa và cách sử dụng nhạc cụ của đồng bào Ba Na. Nhưng bài học lớn nhất chính là cách làm du lịch của bà con dân tộc thiểu số ở Kon Tum - họ đang có mô hình phát triển du lịch hơn hẳn Sơn Tây mình rất nhiều…”
Sau khi chuyến khám phá miền đất Kon Tum của đoàn nghệ nhân Ca Dong được phản ánh trên các phương tiện truyền thông, đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Ngãi đã chủ động tổ chức thêm nhiều đợt tham quan, học tập kinh nghiệm gìn giữ văn hóa và phát triển du lịch từ bà con Kon Tum.
Từ dấu ấn sâu sắc của chuyến đi, ông Hà Phải, nguyên Chủ tịch UBND xã Sơn Mùa đã dành dụm hơn 20 triệu đồng từ lương hưu để mua tặng một bộ chiêng cho các nghệ nhân địa phương. Món quà đầy tâm huyết ấy đã góp phần khởi tạo nên Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Cà Dong.
Nghệ nhân Đinh Xuân Bình giới thiệu nhạc cụ đàn brood Ca Dong với lãnh đạo huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi Sau 3 năm hoạt động, câu lạc bộ không chỉ trở thành điểm hẹn văn hóa của người dân Sơn Mùa mà còn được xem là “điểm sáng” trong công tác gìn giữ bản sắc truyền thống của huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi.
Trở lại câu chuyện về chủ trương sáp nhập hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum, đề xuất này đang nhận được sự đồng thuận cao vì phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân hai bên. Từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến nay, đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây vẫn luôn đoàn kết, gắn bó, cùng nhau đi theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng.
Nước từ các dòng sông lớn ở Quảng Ngãi đều bắt nguồn từ những cánh rừng đại ngàn Kon Tum. Muối mặn Sa Huỳnh từ miền xuôi theo đường Trường Sơn ngược lên, tiếp sức cho bộ đội và đồng bào trong kháng chiến, làm nên nghĩa tình keo sơn giữa hai vùng đất.
Các nghệ nhân Kon Tum tham gia lễ hội tại thành phố Quảng Ngãi
Nghệ nhân giới thiệu nhạc cụ dân tộc thiểu số ở Kon Tum tại thành phố Quảng Ngãi đêm 15/4/2025Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Sây, người làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ chia sẻ: “Nghe tin sáp nhập tỉnh, tôi và bà con đồng bào Hrê ở làng Teng vui lắm. Từ nay, mình sẽ có điều kiện để giao lưu văn hóa nhiều hơn với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Kon Tum. Đồng bào Hrê ở Kon Tum hiện có hơn 1.500 người mà…”
Làn gió mới trong việc kết nối bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch đang dần lan tỏa – nhất là khi hai tỉnh chuẩn bị về chung một nhà. Một hành trình mới đang mở ra, hứa hẹn những bước tiến dài hơi và bền vững hơn cho văn hóa cộng đồng nơi đại ngàn miền Trung.