Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Cô đỡ thôn bản ở vùng cao

Thành Nhân - 16:14, 04/02/2020

Hơn 8 năm làm cô đỡ thôn bản, kiêm y tế tại thôn Gia É, chị Katơr Thị Nính, xã Phước Bình, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) đã có nhiều đóng góp trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vùng cao. Chính nhờ những những nỗ lực, phấn đấu tận tâm với nghề, Katơr Thị Nính được Bộ Y tế tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Chị Katơr Thị Nính đang tiêm vacxin cho các phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai
Chị Katơr Thị Nính đang tiêm vacxin cho các phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai

Năm 2011, sau khi hoàn thành khóa đào tạo nhân viên y tế thôn bản tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chị Nính về nhận nhiệm vụ làm cô đỡ tại thôn Gia É, xã Phước Bình, huyện Bác Ái. Phước Bình là xã miền núi vùng cao, có đời sống còn khó khăn so với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. 

Hiểu bà con còn nhiều khó khăn, trong đó có chăm sóc sức khỏe sinh sản, bằng những kiến thức được đào tạo, đến nay chị Nính đã tư vấn, khám thai cho hơn 280 lượt phụ nữ, vận động 75 ca đẻ tại cơ sở y tế, 5 ca triệt sản. Nhiều ca chị em “chuyển dạ” gặp nguy hiểm, nhưng nhờ được chị chăm sóc và tư vấn chuyển lên tuyến trên kịp thời nên bảo đảm an toàn cho cả mẹ và trẻ sơ sinh.

Kể từ ngày làm cô đỡ thôn bản, chị Nính cũng để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ. “Năm 2013, chị Katơr Pin ở thôn Gia É, khi đến Trạm Y tế xã làm các thủ tục để sinh, nhưng vì thai khó nên kéo dài thời gian. Lúc ấy, Trạm Y tế xã quyết định chuyển ca đẻ xuống Bệnh viện Đa khoa Khu vực Ninh Sơn. Xe chạy được gần nửa chặng đường thì chị Pin đã đẻ trên xe. Bằng kỹ năng được đào tạo, tôi đã đỡ đẻ an toàn cho chị Pin và con”, chị Nính nhớ lại.

Nhờ sự nhiệt tình, trách nhiệm với nghề, chị Nính được nhiều bà con tin yêu. Theo chị Ka Tơr Thị Dài, một người dân ở thôn Bạc Rây 2, trước đây bà con không mấy ai để ý đến chuyện tránh thai. Từ khi chị Nính về thôn tuyên truyền, đến từng nhà tư vấn, hướng dẫn chị em trong xã cách phòng ngừa tránh thai và mang thai an toàn, các chế độ ăn uống hợp lý, khi mang thai... bà con đã hiểu được tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và biết cách phòng tránh thai an toàn.

Ngoài ra, chị Nính thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các chương trình y tế, như: Tư vấn kế hoạch hóa gia đình, nuôi con bằng sữa mẹ, phòng chống bệnh suy dinh dưỡng trẻ em, tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt rét, giữ vệ sinh môi trường... Từ đó, phụ nữ địa phương hiểu được các chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình, nên đi khám thai và sinh tại các cơ sở y tế ngày một nhiều hơn.

Bác sĩ Ngọc Văn Lâm, Trưởng trạm Y tế xã Phước Bình, cho biết: Chị Nính là nhân viên y tế thôn bản năng nổ, nhiệt tình trong công việc, tuyên truyền các chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiêm vacxin, vận động phụ nữ mang thai và các bà mẹ đến trạm y tế sinh hoạt nhóm với các chủ đề chăm sóc, nhận biết tình trạng sức khỏe trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh để có hướng xử lý kịp thời. Từ đó, làm chuyển biến nhận thức về việc sinh đẻ của đồng bào, loại bỏ dần các hủ tục lạc hậu.

Tin cùng chuyên mục
Ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết trong cả nước

Ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết trong cả nước

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay cả nước ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 ca tử vong. Các chuyên gia nhận định rằng sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số ca mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư.