Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghề nghiệp - Việc làm

Cô gái Tày có doanh thu 2 tỷ đồng từ nông nghiệp

Hoài Dương - 10:40, 18/08/2020

Mạnh dạn từ bỏ biên chế trong cơ quan Nhà nước, cô gái dân tộc Tày Đoàn Thu Trà, sinh năm 1991, ở xóm Đà Quận, xã Hưng Đạo, TP. Cao Bằng (Cao Bằng) đã khởi nghiệp thành công với mô hình trồng dâu tây và hoa hồng, với doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng/năm. Năm 2019, Đoàn Thu Trà là 1 trong 34 nhà nông trẻ xuất sắc nhất được nhận Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng.

Chị Đoàn Thu Trà chăm sóc vườn dâu tây.
Chị Đoàn Thu Trà chăm sóc vườn dâu tây.

Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) năm 2013, với tấm bằng khá, ngay lập tức Đoàn Thu Trà được tuyển vào làm cán bộ địa chính xã Hưng Đạo. Trong thời gian vừa làm, vừa học, Đoàn Thu Trà đã hoàn thành chương trình thạc sĩ ngành Khoa học cây trồng. Năm 2017, Trà quyết định xin nghỉ làm ở cơ quan Nhà nước để theo đuổi đam mê phát triển kinh tế từ nông nghiệp.

Kể lại quá trình lập nghiệp không mấy dễ dàng, Trà nói, chị cũng phải nếm trải cảnh được mùa hay thất bát. Với số tiền tích cóp được trong quá trình đi làm, cùng với việc bán các loại cây giống Online, chị có được số vốn gần 200 triệu đồng. Chị vay thêm 50 triệu đồng từ Dự án phát triển sản xuất cho nông nghiệp công nghệ cao để nhập 4 giống dâu tây Đà Lạt, với số lượng 8.000 cây về trồng. Tuy nhiên, 2/4 loại cây giống không thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Cao Bằng đã khiến chị mất trắng một nửa.

Cùng với những thất bại ban đầu, Trà còn gặp rất nhiều khó khăn khác như, thiếu vốn, nhân công, thiếu đất sản xuất phải đi thuê của các hộ dân; về kỹ thuật nuôi cấy, chăm sóc phải tự mày mò, tìm hiểu trên mạng xã hội, qua hình ảnh, Video của bạn bè trong nước, quốc tế chia sẻ...

Theo chị Trà, lần đầu thất bại chị cũng có chút buồn, lo lắng. Nhưng sau đó, chị xem đây là bài học để có những điều chỉnh phù hợp và nắm rõ hơn các yếu tố ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, năng suất của cây dâu tây. Đặc biệt, chị nhận thấy, do đời sống tinh thần, vật chất của người dân đang ngày càng được nâng lên, các hộ gia đình càng có nhu cầu trang trí nhà cửa bằng hoa, cây cảnh, trong đó cây hoa hồng rất được các gia đình yêu thích nên chị quyết định đầu tư hệ thống nhà kính, nhập thêm giống dâu tây và giống hoa hồng từ Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand về trồng. Đồng thời, chị xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương tự động theo công nghệ Israel, tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình, sản xuất sạch.

Với sự nhạy bén trong nắm bắt thị hiếu khách hàng, chịu khó nghiên cứu, học hỏi, chị Trà đã nhanh chóng xây dựng được quy trình, áp dụng đúng kỹ thuật, chế độ chăm sóc nên vườn dâu tây và hoa hồng của chị đã dần phát triển xanh tốt. Theo đó, từ 500m2 diện tích ban đầu, sau 3 năm chị Trà đã mở rộng được diện tích lên tới 4,5ha. Trong đó, 2,5ha diện tích trồng dâu tây và 2ha diện tích trồng hoa hồng, với gần 8.000 gốc hoa hồng nội, ngoại, lớn nhỏ khác nhau, cho doanh thu mỗi năm trên 2 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản chi phí lợi nhuận bình quân đạt 600 - 700 triệu đồng/năm.

Với những kinh nghiệm tích lũy được, chị Đoàn Thu Trà còn hướng dẫn cho 8 hộ gia đình khác trong bản, xã cùng nhau phát triển kinh tế để thoát nghèo. Hiện trang trại của chị đang tạo việc làm cho gần 30 lao động là thanh niên ở địa phương, với mức thu nhập ổn định 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Dự định của chị trong thời gian tới là tiếp tục mở rộng mô hình trồng dâu tây và hoa hồng, với việc áp dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại để có những trái dâu chất lượng, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

Tin cùng chuyên mục
Hơn 30 nghìn lao động ở huyện vùng cao Bát Xát được đào tạo nghề

Hơn 30 nghìn lao động ở huyện vùng cao Bát Xát được đào tạo nghề

Là huyện vùng cao với trên 70% dân số là đồng bào DTTS, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã chú trọng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.