Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Cơ hội việc làm cho lao động DTTS

Phạm Tiến - 18:34, 27/01/2024

Các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719); nông thôn mới (NTM); giảm nghèo bền vững đã và đang dành nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng DTTS và miền núi. Do đó, nhu cầu lao động trong lĩnh vực xây dựng cũng tăng cao. Đây là cơ hội việc làm rất lớn cho lao động người DTTS ở địa phương.

Từ Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới, nhiều lao động vùng DTTS đã có việc làm từ nghề thợ nề, thợ xây
Từ Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới, nhiều lao động vùng DTTS đã có thêm việc làm

Nếu như trước đây, thanh niên người DTTS chỉ biết làm nương rẫy, khai thác rừng để kiếm thêm thu nhập, thì nay, họ đã có thêm nhiều nghề phụ để kiếm sống, trong đó có nghề thợ nề đang góp phần quan trọng trong việc giải quyết công ăn việc làm cho lao động vùng đồng bào DTTS. Cơ hội việc làm từ nghề thợ nề, thợ xây "nở rộ" hơn khi nhiều địa phương đồng loạt triển khai 3 Chương trình MTQG, NTM và giảm nghèo bền vững.

Những ngày cuối năm, anh Hồ Tâm người Bru-Vân Kiều, xã Đakrông, huyện Đakrông (Quảng Trị) khá bận rộn. Các công trình nhà dân 3 cứng được hỗ trợ từ Dự án 1 trong Chương trình MTQG 1719, đường giao thông NTM… trên địa bàn cứ nối nhau thúc tiến độ làm cho anh và đội thợ không hết việc. Có việc, anh cùng đội thợ luôn nỗ lực làm việc để vừa hoàn thành đúng tiến độ, vừa đảm bảo chất lượng nên thu nhập cho bản thân và đội thợ cũng đảm bảo.

Công trình nước sạch tập trung ở xã Đakrông, huyện Đakrông (Quảng Trị) sử dụng nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 thi công giúp nhiều lao động DTTS ở địa phương có việc làm
Công trình nước sạch tập trung ở xã Đakrông, huyện Đakrông (Quảng Trị) sử dụng nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 thi công giúp nhiều lao động DTTS ở địa phương có việc làm

Đội của anh Tâm có từ 3-5 thợ, nhận nhà dân và công trình nhỏ như nhà văn hóa cộng đồng, đường giao thông nông thôn mới ở các xã trên địa bàn huyện Đakrông để làm. Không chỉ nhận trực tiếp, nhiều công ty khi thi công các công trình lớn như trường học, bệnh viện… cũng mời về làm cùng. Do đó, việc làm thợ nề trong giai đoạn này hiếm khi hết việc.

Anh Tâm chia sẻ: “nghề thợ nề cần phải chịu khó, chăm học hỏi. Tốt nhất là đăng ký lớp học nghề kỹ thuật xây dựng do nhà nước hỗ trợ. Khi theo học, học viên được cung cấp những kiến thức cơ bản. Sau đó đi làm, giỏi nghề rồi thì người lao động hoàn toàn tự tin để tách đội, tự nhận công trình về làm hoặc xin vào làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Còn anh Hồ Chí Trung, người Bru-Vân Kiều ở xã Thuận, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cũng đã có cho mình một công việc ổn định tại Công ty TNHH MTV TVT Quảng Trị. Khi công ty về địa phương thi công công trình sử dụng nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 anh Trung xin vào làm việc. Ban đầu anh xin vào làm thợ phụ. Sau một thời gian chăm chỉ làm việc, chịu khó học hỏi anh đã được đôn lên làm thợ chính. Từ năm 2021 đến nay chưa lúc nào anh Trung hết việc. Có thu nhập ổn định, tay nghề ngày một cứng cáp nên đời sống kinh tế gia đình ngày một nâng cao. Không những thế, sau 3 năm đi làm công, giờ anh Trung đã tách riêng có tổ thợ, nhận thầu các công trình nhỏ như nhà dân, đường giao thông nông thôn ở địa phương. Không những có việc làm cho bản thân, anh Trung còn giải quyết công ăn việc làm cho 3 lao động người DTTS từ nghề thờ nề, xây dựng.

Điềm trường tiểu học bản ÔỐc, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) vừa mới hoàn thành các hạng mục
Điềm trường Tiểu học bản ÔỐc, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) vừa mới hoàn thành các hạng mục

Còn tại xã biên giới Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình), Chương trình MTQG cũng đầu tư xây dựng nhiều công trình. Từ các công trình này, nhiều lao động đồng bào Chứt cũng có việc làm và thu nhập ổn định. Anh Hồ Mít ở bản Ôốc là một ví dụ. Khi đơn vị về thi công điểm trường Tiểu học bản Ôốc, anh Mít được nhận vào làm phụ hồ với thu nhập 260 nghìn đồng/1ngày công. Chỉ tính riêng tiền công làm việc ở điểm trường bản Ôốc, anh đã Mít đã có hơn 10 triệu đồng. Điều đáng mừng hơn, khi điểm trường bản Ôốc hoàn thành, anh Mít đã trở thành thợ chính rồi theo tổ thợ đi xây điểm trường tiểu học Bãi Dinh, đường dân sinh ở bản K Ai…..

Ông Đinh Văn Chinh, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cho biết: “Chỉ tính riêng Chương trình MTQG 1719, địa phương đã có nhiều công trình được đầu tư sửa chữa và xây mới như: Điểm trường tiểu học bản Ôốc, điểm trường tiểu học Bãi Dinh, đường dân sinh K Ai và 4 điểm ổn định khu dân cư có quy mô mới sắp thi công. Các đơn vị thi công về đây ngoài đội kỹ thuật, thợ bậc cao là dưới xuôi lên. Còn thợ xây, thợ nề thì họ sự dụng lao động địa phương. Do đó, cơ hội việc làm thợ nề, thợ xây là rất lớn dành cho đồng bào”.

(Bài Kế Hoạch) Cơ hội việc làm cho lao động DTTS 3
Nội dung hỗ trợ nhà ở tại Dự án 1, Chương trình MTQG 1719 cũng là cơ hội để nhiều lao động vùng DTTS có việc làm từ nghề thợ nề, thợ xây

Với thu nhập dao động từ 250-300 ngàn, có nhiều nơi còn cao hơn đã giúp nhiều hộ đồng bào DTTS cải thiện cuộc sống. Quan trọng hơn, thông qua những công trình này nhiều lao động DTTS trở nên giỏi nghề thợ nề, thợ xây vươn lên làm chủ.