Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Công tác dân vận vùng đồng bào DTTS trước hết phải làm cho người dân “ưng cái bụng”

Thành Nhân - 21:02, 28/03/2023

Phú Yên có 3 huyện miền núi: Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, có đông đồng bào DTTS sinh sống. Mỗi dân tộc có phong tục, tập quán riêng, nên chính quyền và các hội, đoàn thể ở địa phương luôn xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận. Cán bộ nói bà con nghe, tin tưởng và “ưng cái bụng”. Nhờ vậy, tình hình an ninh chính trị ở vùng đồng bào DTTS luôn được giữ vững, cuộc sống của bà con ngày càng ấm no, diện mạo nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc.

Trước đây, một bộ phận đồng bào ở địa bàn hai huyện giáp ranh Đồng Xuân (Phú Yên) và Vân Canh (Bình Định) còn nhiều băn khoăn, lo lắng trước tình trạng xâm canh, xâm cư trên đất trồng rừng sản xuất giữa các xã chưa được giải quyết triệt để. Một số đối tượng lợi dụng địa bàn miền núi, sự nhẹ dạ của đồng bào DTTS, lén lút, móc nối truyền đạo trái pháp luật, có nguy cơ gây chia rẽ khối Đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Trước thực trạng trên, Ban Dân vận Tỉnh ủy Phú Yên và Bình Định đã xây dựng và ký kết chương trình phối hợp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công tác dân vận, dân tộc và tôn giáo. Đặc biệt, các ban đã xây dựng và phát huy vai trò, ảnh hưởng của già làng, trưởng thôn, buôn và Người có uy tín để thực hiện công tác dân vận.

Các huyện miền núi Phú Yên luôn quan tâm phát huy vai trò của già làng, Người có uy tín trong công tác dân vận
Các huyện miền núi Phú Yên luôn quan tâm phát huy vai trò của già làng, Người có uy tín trong công tác dân vận

Ông Mang Giác (SN 1965), người dân tộc Chăm Hroi, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Soi Nga, xã Xuân Lãnh (Đồng Xuân) chia sẻ: Để bà con nghe theo, tôi đến từng nhà tìm hiểu gia cảnh, rồi đưa ra hướng giúp đỡ trường hợp thật sự khó khăn; tuyên truyền vận động đồng bào từ bỏ tập tục lạc hậu mê tín dị đoan; giải quyết các mâu thuẫn kịp thời của người dân ở làng, không để kẻ giấu dụ dỗ, xúi giục đi theo tà đạo…

Còn già làng Lơ Mô Tư, người dân tộc Ba Na, ở xã Phú Mỡ (Đồng Xuân), cũng là người có nhiều đóng góp trong công tác dân vận. Tuy không còn nhanh nhẹn, nhưng mỗi khi lên rẫy, ông thường xuyên đến đỉnh dốc Ruộng - nơi gắn bó với hoạt động cách mạng của mình năm xưa, cùng con cháu và đồng bào trò chuyện, ôn lại những chiến tích hào hùng của dân tộc trong những ngày chiến đấu gian khổ; hướng dẫn cách làm kinh tế trên mảnh đất quê mình.

Trong cuộc sống hàng ngày, ông luôn căn dặn bà con trong buôn làng, các thế hệ trẻ chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; bảo tồn các bản sắn văn hóa dân tộc; nỗ lực học tập vươn lên trong cuộc sống.

Theo ông Phạm Minh Hạnh - Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đồng Xuân, thời gian qua, huyện thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo. Kết quả nổi bật trong công tác dân vận của hai huyện giáp ranh, đó là xây dựng được một cây cầu cho đồng bào DTTS làng Canh Giao, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh đi lại.

"Bà con của làng này đi lại, học sinh đi học… trên phần đất của xã Đa Lộc, vì vậy xã này đã vận động đồng bào DTTS của xã hiến 5.000 m2 đất để làm cầu và đường đi”, ông Hạnh cho hay.

Cây cầu ở làng Canh Giao, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh (Bình Định) được xây dựng là thành quả của công tác dân vận của hai huyện giáp ranh
Cây cầu ở làng Canh Giao, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh (Bình Định) được xây dựng là thành quả của công tác dân vận của hai huyện giáp ranh

Không riêng gì Đồng Xuân, để làm tốt công tác dân vận vùng đồng bào DTTS, đội ngũ làm công tác dân vận các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa cũng dành nhiều thời gian xuống địa bàn để đẩy mạnh tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bằng cách gần dân, sát dân trong công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu nên bà con tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động do các cấp phát động.

Điển hình như người dân rất đồng tình về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và sẵn sàng hiến đất, đóng góp vật chất, ngày công để làm đường, làm nhà văn hóa thôn, buôn. Các phong tục tập quán lạc hậu, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS dần được đẩy lùi...

Bà Đinh Thị Thu Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy chia sẻ: Nhằm nâng cao hơn nữa công tác dân vận nói chung và công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS nói riêng, các cấp ủy, tổ chức đảng đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo. 

Công tác dân vận tiếp tục hướng về cơ sở, nắm chắc tình hình Nhân dân, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân. Đặc biệt là các địa phương sẽ phải tăng cường phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác dân vận trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.