Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tìm trong di sản

Yếu tố văn minh trong tang lễ của người Lô Lô đen

Thúy Hồng - 16:43, 30/11/2021

Khi nhắc đến những phong tục tập quán của đồng bào các DTTS trong các dịp tang ma, cưới hỏi nhiều người thường nghĩ đến những hủ tục. Tuy nhiên đối với đồng bào Lô Lô đen (nhóm địa phương thuộc dân tộc Lô Lô ) ở Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) lại lưu giữ một số phong tục, có thể nói là rất văn minh trong việc tang ma...

Đồng bào Lô Lô chuẩn bị vải để treo lên cây nêu để treo trước sân nhà làm lễ
Đồng bào Lô Lô chuẩn bị vải để treo lên cây nêu trước sân nhà làm lễ

Cộng đồng cùng chung tay giúp việc tang ma

Đến xóm Khuổi Khon đúng dịp trong xóm vừa có đám tang, chúng tôi được người dân nơi đây kể về lễ ma tươi, ma khô- một phong tục độc đáo của đồng bào Lô Lô đen nơi đây.

Theo anh Pẩu Văn Phương, việc cúng tang ma của đồng bào Lô Lô đen ở đây được tiến hành theo hai nghi lễ: Ma tươi và ma khô. Lễ ma tươi được tổ chức khi người thân trong gia đình vừa mất. Theo đó, trong gian giữa của nhà sàn, là nơi đặt thi thể của người đã mất được làm một khung tre để treo rèm vải cùng với những chiếc áo của người phụ nữ  Lô Lô, tất cả đều là trang phục của người thân trong gia đình.

Bên ngoài nhà, những người họ hàng và hàng xóm đến để giúp gia đình quét dọn, phát cây cỏ ngoài sân để chuẩn bị cho việc mổ bò và làm lễ. Những người phụ nữ khéo tay thì sảy gạo theo cách truyền thống và gánh nước, đàn ông thì phụ trách việc thịt bò, nấu ăn, dựng dàn treo trống...

Trống đồng là vật không thể thiếu trong tang lễ của đồng bào Lô Lô
Trống đồng là vật không thể thiếu trong tang lễ của đồng bào Lô Lô

Tại góc trái của gian nhà, một cặp trống đồng cổ được treo lên. Đây là vật dụng rất quan trọng trong lễ tang của người Lô Lô đen, luôn đi theo cặp. Trống lớn gọi là trống đực, trống nhỏ là trống cái. 

Hai trống được treo và mặt trống quay vào nhau, người đánh trống ngồi ở giữa. Người đánh trống phải là người được chọn lựa, có uy tín trong cộng đồng người Lô Lô đen tại bản và đặc biệt là phải biết cách đánh, nhịp đánh. Nhịp trống thể hiện nhạc lễ đau buồn, tiếc thương cho người đã mất.

Trong lễ ma tươi, gia quyến của người đã mất, kiêng không được phép làm bất cứ công việc gì, mọi việc đã có làng xóm giúp đỡ. Người thân mặc trang phục truyền thống ngồi xung quanh bên ngoài tấm rèm hướng về phía đặt vị trí người đã mất. Trước sân nhà, một cây tre treo một tấm vải sặc sỡ được dựng lên. Người Lô Lô đen gọi đây là cây nêu. Khi tiếng trống đồng gióng lên, thì người thân trong nhà lúc này cũng mới được cất tiếng khóc.

Theo những người cao niên trong xóm, trong phong tục của người Lô Lô đen, khi gia đình có người qua đời, thì các người thân trong gia đình thường phải kiêng kị, ít ăn uống, nên dễ ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi vậy, người chết sẽ được mang đi chôn cất sớm.

Ông Mã Văn Duy, chuyên viên Trung tâm Văn hóa truyền thông huyện Bảo Lạc cho biết: Nghi lễ ma tươi của đồng bào Lô Lô đen ở đây được tổ chức gọn nhẹ, không rườm rà. Đặc biệt, lễ ma tươi của người dân nơi đây thường không để người chết quá 24 tiếng trong nhà.

Một số nghi thức trong lễ ma khô của đồng bào Lô Lô ở Bảo Lạc (Cao Bằng)
Một số nghi thức trong lễ ma khô của đồng bào Lô Lô ở Bảo Lạc (Cao Bằng)

Người viếng... hát múa để chia sẻ nỗi buồn 

Sau khi người thân qua đời, và lễ ma tươi, gia đình người Lô Lô đen sẽ xem ngày lành tháng tốt để làm lễ ma khô cho người đã mất. Lễ ma khô cũng được tiến hành từng bước như làm một đám ma mới, nhưng không có quan tài.

Lễ ma khô có khá nhiều thủ tục, trong đó lễ chính gồm có: Mời anh em họ hàng đến nhà dự đám ma khô, lễ đón cậu non, cậu già… Cũng vì phải làm nhiều lễ, nên có nhiều thầy, trong đó có thầy chính và thầy phụ. Thầy chính làm lễ chính, thầy phụ làm lễ nhỏ.

Trong đám ma khô, trống đồng cũng là vật dụng quan trọng nhất phải có. Sau khi tiếng trống đồng được gióng lên, thầy mo sẽ làm lễ chính, con cháu và họ hàng sẽ hát đến hết buổi.

Nét độc đáo trong lễ ma tươi và ma khô của đồng bào Lô Lô đen nơi đây, là khi anh em, họ hàng đến thăm viếng có thể nhảy múa, hát dưới gầm sàn nhà để cùng chia sẻ, xua tan nỗi buồn và tiếp thêm động lực cho những người thân trong gia đình có người mất.

Trang phục của đồng bào Lô Lô trong đám tang
Trang phục của đồng bào Lô Lô trong đám tang

Theo thầy mo Lý Văn Dung, xóm Khau Trang, trong lễ "ma khô", khi tiếng trống đồng gióng lên, tức là đang gọi linh hồn về. Sau khi mọi lễ nghi cần thiết của lễ ma khô được thực hiện đầy đủ, linh hồn được tiễn về với nơi chôn cất phần thể xác. Sau buổi lễ, trống được chôn xuống đất ở một nơi sạch sẽ, kín đáo và chỉ khi nào có người trong làng chết, trống mới lại được đào lên. Lúc đào lên, phải có cúng rượu và thịt cho ma trống.

Những năm gần đây, do việc chôn trống không bảo đảm an toàn, nên đồng bào chuyển sang cất giữ trống trong nhà, tuy nhiên phải ở nơi kín đáo khó nhìn thấy. Trống là vật rất linh thiêng của người Lô lô đen, nên thường ngày không được mang ra sờ, ngắm để tránh mang lại điều xui xẻo.

Bà Hoàng Thị Nhuận, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Chi hội Cao Bằng cho biết: Đồng bào Lô Lô đen ở Bảo Lạc vẫn còn giữ gìn được nhiều bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Đặc biệt, việc tổ chức lễ ma tươi, ma khô của đồng bào thể hiện được sự văn minh, giữ vệ sinh môi trường rất đáng ghi nhận.