Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Cuộc "rượt đuổi" tri thức của Nàng Len người Brâu

PV - 14:20, 06/11/2021

Từ miền rẻo cao biên giới, cô bé người Brâu đuổi theo con chữ xuống tận phố thị xa xôi với mong ước thay đổi cuộc đời. Và mong ước cháy bỏng ấy cũng đã thành hiện thực.

Nàng Len (ngoài cùng bên phải) mong muốn có thể đưa tiếng nói của người dân tộc Brâu đến với chính quyền các cấp.
Nàng Len (ngoài cùng bên phải) mong muốn có thể đưa tiếng nói của người dân tộc Brâu đến với chính quyền các cấp.

Vượt núi đến trường

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở thôn Đăk Mế (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum), Nàng Len (22 tuổi) từ những ngày còn nhỏ đã quen với ruộng nương và những rẫy mì bạt ngàn.

Ngoài giờ lên lớp, Nàng Len thường xuyên theo bố mẹ làm nương rẫy. Quen với cuộc sống khốn khó nên Nàng Len luôn cố gắng chăm chỉ học tập để có cơ hội thoát nghèo, phát triển kinh tế. Gia đình có 2 chị em nên Nàng Len thay bố mẹ kèm cặp và hướng dẫn cho cậu em trai học tập. Tối đến, 2 chị em Nàng Len lại “chong đèn” tìm chữ.

Thương bố mẹ vất vả nên từ khi còn nhỏ Nàng Len luôn cố gắng học tập để có thể theo học tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú (PTDTNT) tỉnh Kon Tum. Qua nhiều tháng ngày đèn sách, mong ước của Nàng Len cũng trở thành hiện thực. Ở một làng quê nghèo khó, Nàng Len với hành trang vài bộ quần áo, sách vở và chút kinh phí được bố mẹ cho dằn túi để đuổi theo con chữ dưới phố.

Những ngày đầu mới xuống trường học, Nàng Len lạ lẫm với mọi thứ. Ánh đèn hoa lệ của phố xá như sáng bừng lên trong mắt cô bé miền rẻo cao. Thời gian trôi qua, Nàng Len tập làm quen với môi trường sống và thầy cô, bạn bè mới nên dần cởi mở hơn. Những gì còn vướng mắc Len mạnh dạn hỏi thầy cô, anh chị khóa trên.

“Trước đây, khi ở làng mình chỉ biết thầy cô và một vài người bạn. Nhưng khi xuống Trường PTDTNT tỉnh mình có nhiều bạn bè hơn. Các bạn đến từ nhiều huyện, nhiều dân tộc khác nhau. Qua những lần trò chuyện, hỗ trợ nhau trong học tập mình được biết đến nhiều nét văn hóa truyền thống của các dân tộc”, Nàng Len chia sẻ.

Sau những chặng đường học tập gian truân, Nàng Len trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Sau những chặng đường học tập gian truân, Nàng Len trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Trúng cử đại biểu HĐND

Bẵng đi một thời gian, Nàng Len cũng tốt nghiệp cấp 3 và đứng trước ngưỡng cửa đại học. Mong muốn giúp người dân thoát nghèo, phát triển kinh tế nên Nàng Len đăng kí thi vào Trường Đại học Quy Nhơn với chuyên ngành Quản lý Nhà nước. Sau nhiều đêm miệt mài ôn tập, Nàng Len cũng chạm tay vào ước mơ của mình khi cầm giấy báo trúng tuyển trên tay.

“Khi hay tin bản thân đậu đại học mình vui mừng và hạnh phúc lắm. Bởi mình đã chạm tay vào mong ước giúp dân làng bớt nghèo và đỡ khổ. Tuy nhiên, bản thân cũng rất lo lắng bởi gia đình khó khăn, không đủ điều kiện để lo cho mình tiếp tục học con chữ”, Nàng Len tâm sự.

Khi Nàng Len đưa tờ giấy báo trúng tuyển cho bố mẹ xem thì chỉ nhận lại cái lắc đầu. Bởi cuộc sống quá khó khăn, việc lo cái ăn cho những thành viên trong nhà còn khó nên gia đình Len chẳng có điều kiện cho con học đại học. Mấy đêm liền Nàng Len khóc vì không được đi học. Nhưng Len chưa một lần oán trách bố mẹ, bởi bao đời nay nhà Len chưa ai được học đến đại học.

“Cuộc sống khó khăn nên bố mẹ mình không được đi học đến nơi đến chốn. Do đó, bản thân mình luôn muốn học lên cao để có thể tìm được công việc ổn định giúp cuộc sống bớt khó khăn. Bên cạnh đó, mình muốn cho mọi người thấy tầm quan trọng của việc học”, Nàng Len kể.

Mang bầu tâm sự của mình kể cho người chị cùng làng, Nàng Len được Nàng Viêng an ủi và khuyến khích tiếp tục đi học. Bởi khi đó, Nàng Viêng cũng đang là sinh viên năm nhất của Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum. Thế rồi, Nàng Len về xin bố mẹ cho đi học cùng trường với Nàng Viêng.

Sau nhiều ngày thuyết phục, bố mẹ Nàng Len cũng đồng ý cho con đi học. Thương con thiệt thòi so với chúng bạn, bố Len sửa lại chiếc xe máy cà tàng để Len xuống phố học con chữ. Còn mẹ chạy vạy, vay mượn khắp nơi rồi dúi vào tay Len 6 triệu đồng để lo chi phí học tập và ăn ở trong những ngày đầu.

Không muốn trở thành gánh nặng cho bố mẹ, sau khi nhập học, bên cạnh tiền trợ cấp chế độ dân tộc thiểu số hàng tháng, Nàng Len còn đi tìm việc làm thêm. Những công việc như: Nhân viên phục vụ quán ăn, nhà hàng tiệc cưới… đều qua tay Nàng Len vào thời gian không đến lớp. Số tiền ít ỏi kiếm được từ việc làm thêm Nàng Len trang trải cho cuộc sống sinh viên và mua thiết bị hỗ trợ học tập. Thương con gái đi học xa nhà, mỗi khi có mớ rau, con cá suối ngon bố mẹ đều để phần cho Nàng Len.

Không phụ lòng mong mỏi của gia đình, thầy cô, sau khi tốt nghiệp ra trường, vào tháng 9/2020, Nàng Len được tạo điều kiện làm việc tại Đảng ủy xã Pờ Y với vai trò là cán bộ tuyên giáo. Với những cống hiến, nỗ lực của bản thân, vừa qua, Nàng Len đã trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, nhiệm kỳ 2021 – 2026. Sau đó, Nàng Len được chuyển qua phụ trách công tác Đoàn với vai trò là Phó Bí thư Đoàn xã Pờ Y.

“Khi hay tin bản thân trúng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XII, mình rất bất ngờ và hạnh phúc. Bố mẹ, người thân và bà con hàng xóm cũng đến động viên và chúc mừng. Đây là niềm tự hào rất lớn đối với bản thân mình. Mình sẽ cố gắng trau dồi bản thân để ngày càng hoàn thiện. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để mình có thể đưa tiếng nói, mong muốn của người dân tộc Brâu đến với chính quyền các cấp. Mình cũng hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ về giáo dục dân tộc, việc làm để đời sống người dân ngày càng phát triển”, Nàng Len chia sẻ.