Hải Dương có thể xem là một trong những tỉnh có số xã đạt chuẩn NTM thuộc “tốp đầu” của cả nước. Hết năm 2019, toàn tỉnh đã có 185/220 xã đạt chuẩn. Cũng trong năm này, tỉnh Hải Dương có 27 xã đăng ký hoàn thành NTM nâng cao.
Theo bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2018 - 2020 của tỉnh Hải Dương, để được công nhận xã NTM nâng cao thì thu nhập bình quân đầu người/năm tại thời điểm xét, công nhận phải tăng từ 1,2 lần trở lên so với thời điểm được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Đối với nhiều địa phương, chỉ tiêu này là không dễ thực hiện.
Như xã Thái Thịnh (huyện Kinh Môn, Hải Dương) là xã “về đích” NTM năm 2017; xã đăng ký hoàn thành NTM nâng cao vào năm 2019. Theo quy định, để đạt NTM nâng cao vào năm 2019 thì thu nhập bình quân của xã phải đạt 55 triệu đồng/người/năm.
Nhưng hết năm 2018, thu nhập bình quân của xã mới đạt 37 triệu đồng/người/năm. Đến nay, xã Thái Thịnh vẫn loay hoay “tìm thêm” 18 triệu đồng để đạt chỉ tiêu về thu nhập trong xây dựng NTM nâng cao.
Theo phản ánh của lãnh đạo xã Thái Thịnh, chỉ tiêu về thu nhập trong bộ tiêu chí NTM nâng cao là “quá sức” đối với địa phương. Điều này là dễ hiểu khi xã Thái Thịnh hiện chỉ có 2 làng nghề, giải quyết việc làm cho khoảng 600 lao động với thu nhập từ 7 - 15 triệu đồng/người/tháng; còn lại các hộ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ.
Chỉ tiêu cao so với thực trạng kinh tế - xã hội là thực tế, nhưng phải xác định, có được thu nhập như vậy thì xã NTM được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao mới có sự khác biệt hẳn so với những xã chưa đạt. Do đó, các địa phương phải phát huy nội lực, nhất là có giải pháp mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm, phát triển thêm các ngành dịch vụ khác… để nâng cao thu nhập cho người dân.
(Chuyên mục có sự phối hợp của Văn phòng điều phối NTM Trung ương)