Tại tỉnh Thanh Hóa, để nâng cao nhận thức cho người dân về chấp hành các quy định an toàn giao thông, công an các huyện miền núi đã tăng cường công tác kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi phạm, đặc biệt là các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn.
Thiếu tá Nguyễn Hồng Toàn - Đội trưởng Đội Giao thông Công an huyện Ngọc Lặc cho biết: Trong các lỗi vi phạm về trật tự giao thông xử lý trong thời gian qua, vi phạm nồng độ cồn là lỗi vi phạm khá phổ biến chỉ xếp sau lỗi không đội mũ bảo hiểm. Trong số 5 trường hợp điều khiển xe máy mà Cảnh sát Giao thông (CSGT) trật tự - cơ động Công an huyện Ngọc Lặc yêu cầu dừng kiểm tra trên tuyến đường thị trấn Ngọc Lặc, phát hiện 1 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Theo đó, Đội huy động tối đa lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát gắn với các chuyên đề xử lý về nồng độ cồn, vi phạm sử dụng chất ma túy trên các tuyến đường trọng điểm, nhất là tuyến đường có nhiều điểm kinh doanh bán hàng ăn uống có sử dụng rượu, bia.
Tính từ đầu năm đến nay, Công an huyện Ngọc Lặc đã lập biên bản 167 trường hợp, tạm giữ 06 ô tô, 213 mô tô, tước giấy phép lái xe mô tô 82 trường hợp. Trong đó, vi phạm nồng độ cồn là 80 trường hợp (01 ô tô, 79 xe mô tô), với tổng mức phạt tiền là TTATGT là 676.855.000 đồng.
Thượng tá Lê Đức Huy, Phó Trưởng Công an huyện Ngọc Lặc cho biết, Ngọc Lặc là huyện miền núi chủ yếu là đồng bào DTTS, một bộ phận người dân vẫn thường sử dụng rượu trong sinh hoạt, gây ra những hệ lụy, nhất là các vụ TNGT tự gây ra do lái xe say rượu.
Để hạn chế tình trạng này, Công an huyện Ngọc Lặc chỉ đạo Đội CSGT trật tự phối hợp chặt chẽ với Công an các xã, thị trấn thành lập nhiều tổ công tác bám thôn bản, cùng với Người có uy tín trong cộng đồng đến từng gia đình gặp gỡ, tuyên truyền, phân tích cho bà con nhận thấy tác hại của rượu, bia, khi đã uống thì không lái xe.
Đặc biệt, Công an huyện đã xây dựng kế hoạch về công tác tuyên truyền và kiểm tra, kiểm soát, hạn chế tai nạn giao thông, phối hợp với ngành Giáo dục huyện, tổ chức các buổi tuyên truyền ngoại khóa về luật an toàn giao thông đường bộ trong các trường học.
Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát giao thông Ngọc Lặc thường xuyên tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn.
Hiện nay, vi phạm nồng độ cồn có mức phạt tương đối cao, chỉ cần trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn mà điều khiển các loại phương tiện tham gia giao thông thì người tham gia giao thông sẽ bị phạt ít nhất 2 triệu đồng và cao nhất có thể lên tới 40 triệu đồng. Đồng thời, người vi phạm sẽ bị tạm giữ phương tiện và tước giấy phép lái xe.
Việc tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn của cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa, bước đầu đã mang hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, hạn chế va chạm và tai nạn xảy ra do sử dụng rượu, bia trên địa bàn tỉnh.
Anh Lê Văn Nhơn, người dân tộc Mường ở Lang Chánh cho biết: Với mức xử phạt cao như hiện nay, dân chạy xe dịch vụ hằng ngày như chúng tôi phải chấp hành rất nghiêm túc vì nếu bị phạt thì coi như hết lương, chưa kể giữ bằng lái lấy gì mà mưu sinh, nuôi vợ con.
Có thể nói, những vi phạm trật tự an toàn giao thông có liên quan đến nồng độ cồn vẫn diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, công an tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường tổ chức các đợt cao điểm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và nhiều đợt tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm theo các chuyên đề, đặc biệt là xử lý vi phạm nồng độ cồn.
Bên cạnh đó, Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu, lực lượng CSGT gửi thông tin lái xe vi phạm quy định uống rượu bia về nơi cư trú, đơn vị công tác để có biện pháp xử lý bổ sung đối với các trường hợp vi phạm là cán bộ, đảng viên.
Ông Lê Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc cho biết. Để thay đổi nhận thức của nhiều người dân miền núi trong việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông thì lực lượng chức năng của huyện cần tiếp tục siết chặt, xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm.
Ngoài ra, huyện nghiêm cấm các cán bộ công chức, viên chức, đảng viên sử dụng rượu bia rồi vẫn tham gia giao thông; đặc biệt nếu vi phạm ngoài việc xử phạt theo quy định của pháp luật, đảng viên, công chức còn bị xử lý theo quy định kỷ luật của Đảng, công chức, viên chức tại nơi làm việc.
Tính từ đầu năm đến nay, qua công tác tuần tra, xử lý vi phạm TTATGT, trên địa bàn huyện miền núi Lang Chánh, lực lượng CSGT Công an huyện Lang Chánh đã kiểm tra, xử lý 181 trường hợp (ô tô 22 tường hợp; môtô 158 trường hợp, phương tiện khác 01 trường hợp), trong đó nồng độ cồn là 38 trường hợp. Tổng tiền xử phạt là 291.400.000 đồng.