Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Giảm thiểu rượu bia trong vùng đồng bào DTTS: Giải pháp “mưa dầm thấm lâu”

Thành Nhân - 19:53, 03/01/2021

Vân Canh là huyện miền núi của tỉnh Bình Định, có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Trước đây, do phong tục tập quán lạc hậu, không có việc làm, đời sống khó khăn nên nhiều người tìm đến rượu bia để “giải sầu". Việc uống rượu bia quá đà để lại nhiều hệ lụy.

Công an xã Canh Hiệp đến từng nhà để tuyên truyền về tác hại của rượu, bia
Công an xã Canh Hiệp đến từng nhà để tuyên truyền về tác hại của rượu, bia

Để ngăn chặn, hạn chế tình trạng này, chính quyền huyện Vân Canh đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền. Cán bộ các hội, đoàn thể đến từng thôn, làng gặp gỡ, phân tích cho bà con nhận thấy tác hại của rượu, bia. 

Các già làng, Người có uy tín tăng cường vận động, giúp đỡ bà con tích cực sản xuất, cải thiện đời sống, giảm uống rượu, xóa bỏ các tập tục lạc hậu. Nhờ vậy mà tình trạng này đang được cải thiện, nhiều trường hợp đã từ bỏ rượu bia, trở thành tấm gương tốt cho bà con noi theo.

Điển hình như ở Canh Hiệp; toàn xã có trên 800 hộ với 2.556 nhân khẩu, trong đó có đông đồng bào DTTS, chủ yếu là người Chăm. Theo ông Lê Xuân Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã, tình trạng uống rượu, bia say rồi cãi vã, xích mích, đánh nhau, gây rối ANTT tại địa phương từng rất phổ biến. Theo thống kê của CA xã Canh Hiệp, từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn xã có 6 vụ vi phạm về ANTT liên quan đến rượu, bia.

Để hạn chế tình trạng này, chính quyền xã Canh Hiệp đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền. Đặc biệt là lực lượng công an xã, phối hợp với các hội, đoàn thể đến từng thôn, làng gặp gỡ, phân tích cho bà con nhận thấy tác hại của rượu, bia. 

Theo anh Cái Minh Luân, Phó trưởng Công an xã Canh Hiệp, điều quan trọng trong công tác tuyên truyền đối với đồng bào DTTS là phải ân cần, gần gũi, khuyên giải. Giải pháp hiệu quả nhất phải là theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” . 

“Bởi người đồng bào rất thật thà, nhưng có tính tự ái cao, nếu mình nói không khéo họ sẽ không ưng bụng và có thể xảy ra những hệ lụy khác. Chúng tôi đã thực hiện phương châm nhẹ nhàng, gần gũi, chia sẻ”, nên người dân tin tưởng và đã cảm hóa được nhiều người từ bỏ rượu bia, chí thú làm ăn”, anh Luân chia sẻ thêm.

Đơn cử như vợ chồng anh Đoàn Văn Diệm và chị Đoàn Thị Trân (ở làng Hiệp Hưng, xã Canh Hiệp), trước đây thường xuyên xích mích, thậm chí đánh nhau. Nguyên nhân là sau khi đi làm về, anh Diệm cùng bạn bè trong xóm hay tổ chức uống rượu, mỗi lần uống từ 5 - 6 lít rượu trắng. Đôi khi cơn thèm rượu nổi lên, anh Diệm lại vào nương rẫy chặt củi, buồng chuối, bắp… bán lấy vài chục nghìn đồng và lại đổ hết vào rượu. Vì thế mà kinh tế gia đình kém hơn, hạnh phúc gia đình cũng bên bờ vực. 

Nhờ Người uy tín trong làng và các hội, đoàn thể thường xuyên đến nhà vận động, hòa giải và tuyên truyền về tác hại của rượu, bia đến sức khỏe và kinh tế, anh Diệm thay đổi suy nghĩ và dần bỏ hẳn rượu, tu chí làm ăn, trở thành hộ có kinh tế phát triển khá. Người dân trong làng đã tín nhiệm bầu anh làm Trưởng làng Hiệp Hưng.

Tương tự, ông Đinh Văn Để (ở làng Hiệp Hưng) cũng đã bỏ hẳn rượu sau khi được Công an xã, cán bộ, các đoàn thể tại địa phương nhắc nhở, vận động. Hình ảnh ông Để loạng choạng với chai rượu bên mình, rồi ngã nhào xuống vệ đường, tiền trong nhà có bao nhiêu đều theo ông ra quán rượu đã không còn nữa. Giờ đây, ông Để chăm lo phát triển kinh tế rừng và làm nương rẫy. Có tiền để dành, rồi được bà con giúp đỡ, gia đình ông Để đã xây lại ngôi nhà khang trang hơn.

Ông Lê Xuân Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Hiệp chia sẻ: Trong thời gian tới, UBND xã Canh Hiệp sẽ tăng cường phối hợp với lực lượng CA xã, các phòng, ban của huyện Vân Canh đẩy mạnh những hoạt động tuyên truyền trực quan về tác hại của rượu, bia, hướng dẫn cách bỏ rượu, bia và thuốc lá. Ngoài các hoạt động như, phát tờ rơi tại nhà, chiếu phim, lồng ghép vào những cuộc thi, văn nghệ tại nhà văn hóa các thôn, làng, xã cũng sẽ cử cán bộ chuyên trách phối hợp với già làng, người có uy tín thường xuyên xuống thôn, xóm, đến từng nhà để tuyên truyền khuyến cáo người dân nên hạn chế uống rượu, bia, chỉ nên uống vào những ngày lễ, ngày giỗ, sau giờ lao động và phải uống có chừng mực, còn ngày thường nên tập trung vào việc phát triển kinh tế, chăm lo cho gia đình.

Theo ông Lê Bá Thành, Bí thư Huyện ủy Vân Canh, từ điển hình ở xã Canh Hiệp, thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tất cả các xã, thị trấn, làm cho người dân hiểu tác hại của rượu, bia. 

"Việc vận động bà con hạn chế rượu, bia mang lại nhiều lợi ích. Thứ nhất là sức khỏe của bà con được đảm bảo; thứ hai là tiết kiệm được tiền bạc, thời gian để làm ăn, phát triển kinh tế; thứ ba là ổn định ANTT trên địa bàn", ông Thành chia sẻ thêm.


Tin cùng chuyên mục
Các huyện biên giới Thanh Hóa: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các thôn, bản đặc biệt khó khăn

Các huyện biên giới Thanh Hóa: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các thôn, bản đặc biệt khó khăn

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), các huyện biên giới Thanh Hóa đang đẩy mạnh nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức pháp luật và trợ giúp pháp lý cho Nhân dân, tập trung hướng về các thôn, bản đặc biệt khó khăn, nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với vùng DTTS.