Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đặc sắc lễ cúng năm mới của đồng bào Ba Na

Ngọc Thu - 09:35, 06/02/2023

Với mong ước năm mới đến mọi việc được thuận lợi, cuộc sống sung túc, thóc lúa đầy kho, đồng bào Ba Na ở làng Kte Kchăng (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) đã làm lễ cúng năm mới trong không khí rộn ràng, phấn khởi.

Lễ Cúng năm mới có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào Ba Na. Đây là dịp để xin thần linh ban cho người dân được mạnh khỏe, đôi chân rắn rỏi để lên nương rẫy
Lễ Cúng năm mới có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào Ba Na. Đây là dịp để xin thần linh ban cho người dân được mạnh khỏe, đôi chân rắn rỏi để lên nương rẫy

Kte Kchăng là ngôi làng vùng sâu nhất của huyện Kông Chro, có 112 hộ/520 nhân khẩu, hơn 90% là người Ba Na sinh sống. Đến với làng Kte Kchăng vào những ngày đầu năm mới, chúng tôi cảm nhận được không khí vui tươi của mùa Xuân đang len lỏi khắp các ngôi nhà sàn. Trên con đường làng bê tông phẳng phiu, bà con đang tập trung quét dọn sạch sẽ, chung tay chuẩn bị lễ vật để thực hiện nghi lễ quan trọng, khởi nguồn cho một năm bình an, đủ đầy đó là lễ “Cúng năm mới”. 

Già làng Đinh Blin cho biết: Tết đến, dân làng chuẩn bị những lễ vật trang trọng nhất như heo, gà, rượu để dâng lên thần linh với mong ước năm mới đến mọi việc được thuận lợi, cuộc sống sung túc, đủ đầy. Nghi lễ này là dịp để dân làng xin thần linh ban cho người dân được mạnh khỏe, không bị bệnh tật, giúp rắn rỏi đôi chân lên nương, lên rẫy.

 Để cho việc cúng diễn ra thuận lợi, trước đó, tất cả dân làng phải có mặt đông đủ để Hội đồng già làng chỉ định, thống nhất công việc. Đầu tiên là dọn vệ sinh nhà cửa, nhà rông, đường làng sạch sẽ, tươm tất. Tiếp đến, là việc làm gà, heo, lấy nước, giã gạo, nấu nướng… Riêng phần cúng lễ sẽ do Hội đồng già làng đảm nhận (gồm 3 người). Trong đó, sẽ cử một già làng làm chủ tế, đứng ra cầu khẩn thần linh với nội dung sang năm mới mọi việc được thuận lợi, dân làng có sức khỏe, bình an và sung túc.

Dân làng cùng nhau quét dọn đường làng, nhà sàn chuẩn bị nghi lễ Cúng năm mới
Dân làng cùng nhau quét dọn đường làng, nhà sàn chuẩn bị nghi lễ Cúng năm mới

Theo thông lệ, dân làng Kte Kchăng tổ chức đón năm mới trong 3 ngày, đầu tiên tổ chức tại nhà rông, sau đó, tổ chức riêng từng hộ gia đình. Vật hiến tế thần linh, gồm: 1 con heo, 3 con gà, 3 ghè rượu. Mâm cúng gồm: 1 đầu heo, 1 đùi heo, 3 ghè rượu, 1 xô nước (đựng hỗn hợp rượu và tiết heo) dựng lên giữa nhà rông. 

Hoàn thành việc cúng, già làng sẽ rót tiết heo, rượu phân phát cho mọi người mang về nhà. Hôm sau, già làng sẽ tiếp tục được mời đến từng gia đình để tiến hành thủ tục lấy  tiết heo, rượu ghè bôi lên nhà cửa, thiết bị máy móc, dụng cụ lao động… và bôi lên trán của các thành viên trong gia đình, với mong muốn năm mới sẽ xua tan mọi tai ương, xui xẻo, đồng thời rước phước lành, ăn nên làm ra.

Những ché rượu ghè, thịt heo, gà… được dân làng cùng góp để dâng lên thần linh.
Những ché rượu ghè, thịt heo, gà… được dân làng cùng góp để dâng lên thần linh

Cùng mọi người thưởng thức ché rượu cần thơm nồng mới cúng xong, ông Đinh Alêng - Bí thư Chi bộ làng Kte Kchăng vui mừng nói: Hàng năm, dân làng luôn được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ kinh phí vui Xuân đón Tết. Riêng Tết Quý Mão năm nay, địa phương hỗ trợ làng 7 triệu đồng và các nhu yếu phẩm khác, dân làng cũng gom góp thêm heo, gà, ghè rượu để tổ chức 1 cái Tết đầy đủ, ấm áp. Mọi người ai cũng phấn khởi, hào hứng vững tin một năm mới sung túc, có lúa ăn, có bắp để dành”.

Đối với cộng đồng dân tộc Ba Na ở huyện Kông Chro, năm mới có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần. Vì vậy, "Cúng năm mới" là nghi lễ vừa bày tỏ tấm lòng thành của dân làng đối với các thần linh, đồng thời thể hiện tình đoàn kết gắn bó giữa các thành viên tạo nên sức mạnh của cộng đồng, là sự giao hòa giữa người với người, giữa con người với thiên nhiên tạo vật, và đáp ứng nhiều mong mỏi khác từ cuộc sống sinh hoạt và lao động sản xuất từ xa xưa đến nay.

Già làng Đinh Blin chia sẻ: Sau nghi lễ, mọi người sẽ hân hoan đánh chiêng, nhảy múa, uống rượu ghè chúc nhau những điều tốt đẹp, góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết, cùng hướng đến cuộc sống phát triển hơn. Đồng thời, cũng là nét văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na từ xa xưa đến nay, nhắc nhở các thế hệ tiếp nối không được quên lãng mà phải tiếp tục duy trì những văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.