Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Âm thanh đại ngàn trong ngôi nhà nhỏ bên dòng Đăk Bla

Ngọc Chí - 19:49, 10/10/2022

Bằng niềm đam mê với âm nhạc truyền thống, nhiều năm nay, vợ chồng ông A Nhum và bà Y Djer (dân tộc Ba Na) ở làng Kon Ktu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum đã có nhiều việc làm thiết thực nhằm gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Việc làm ý nghĩa của vợ chồng ông A Nhum đã góp phần thục hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Nghệ nhân A Nhum thẩm âm đàn ting ning.
Nghệ nhân A Nhum thẩm âm đàn ting ning.

Mê âm thanh cồng chiêng, tiếng đàn t’rưng, ting ning và làn điệu dân ca của dân tộc Ba Na từ thuở ấu thơ, đến nay đã bước vào tuổi ngoài 60, ông A Nhum vẫn luôn trăn trở suy nghĩ tìm cách duy trì, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Ông A Nhum chia sẻ, từ nhỏ ông đã theo cha mày mò học cách chế tác đàn t’rưng, ting ning và cách biểu diễn các loại nhạc cụ này. Vì vậy, lên 15 tuổi ông đã biểu diễn thành thạo nhạc cụ dân tộc như đàn t’ rưng, ting ning và chơi chiêng.

Đàn t’rưng, ting ning đều được làm bằng cây lồ ô. Để tạo nên chiếc đàn, ông A Nhum chọn những cây lồ ô già, có đốt dài, sau khi chặt về để nguyên cây, phơi trong chỗ mát cho thật khô, sau đó dùng dao cắt thành từng khúc theo kết cấu của chiếc đàn t’rưng, rồi vót chuốt lại cho cẩn thận trước khi nối vào giàn dây.

Với đàn ting ning, trên phần đầu ống lồ ô, ông cắm một số thanh tre nhỏ để mắc dây đàn. Đây cũng chính là những chốt dùng để lên dây, khi đàn sẽ cho âm thanh chuẩn hơn. Cuối ống trên thân đàn, ông gắn nửa quả bầu khô để âm thanh có được độ vang. “Để đàn t’rưng, ting ning cho âm thanh chuẩn, người làm đàn phải biết cách thẩm âm để điều chỉnh cho phù hợp”, ông A Nhum giải thích.

Ông A Nhum chế tác đàn ting ning
Ông A Nhum chế tác đàn ting ning

Trước đây, đồng bào Ba Na thường dùng đàn t’rưng, ting ning để vừa đàn vừa hát sau những giờ lao động mệt nhọc trên nương rẫy. Từ âm thanh của núi rừng đã giúp nhiều đôi bạn trẻ tìm đến với nhau, nên duyên vợ chồng.

Bà Y Djer, vợ ông A Nhum nói: "Ngày xưa cũng vì đam mê tiếng đàn t’rưng, ting ning mà chị yêu thương, lấy anh ấy. Bây giờ, mỗi lúc rảnh rỗi thì anh đánh đàn, chị hát dân ca. Đó là niềm vui của gia đình sau những giờ lao động mệt nhọc trên nương rẫy".

Những làn điệu dân ca bắt nguồn từ đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người Ba Na. Âm thanh của cây đàn t’rưng, đàn ting ning hòa quyện cùng những giai điệu dân ca mượt mà, lắng đọng, tạo nên sức hút đặc biệt với mọi người. Qua những khúc hát dân ca, mọi người thêm gần gũi, hiểu nhau hơn và quên đi những mệt nhọc trong lao động.

Để văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na không bị mai một, vợ chồng A Nhum - Y Djer đã truyền dạy cho con gái Y Ngọc Khuê cách chơi đàn t’rưng và hát các bài dân ca từ khi cô bé lên 5 tuổi. Nhờ có “gien” di truyền của ba mẹ, lại được chỉ dạy tận tình, Y Ngọc Khuê nhanh tiếp nhận và biểu diễn đàn t’rưng một cách thuần thục. Y Ngọc Khuê đã giành giải Nhất trong hội thi văn nghệ tại trường với tiết mục biểu diễn đàn t’rưng. “Em biết đàn là nhờ có ba mẹ chỉ dạy tận tình. Em rất mê tiếng đàn t’rưng, vì đây là bản sắc văn hóa của dân tộc Ba Na và các dân tộc ở Tây Nguyên”, Y Ngọc Khuê chia sẻ.

Gia đình ông A Nhum biễu diễn các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Ba Na.
Gia đình ông A Nhum biễu diễn các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Ba Na.

Nằm nép mình bên dòng sông Đăk Bla hiền hòa, ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông A Nhum và bà Y Djer luôn rộn ràng âm thanh của đàn t’rưng, ting ning và những khúc hát dân ca. Gia đình của ông bà như một gia đình nghệ sĩ, ông A Nhum vừa giỏi làm đàn, chơi đàn, chỉnh chiêng, đánh chiêng. Còn bà Y Djer vừa hát dân ca hay, lại múa xoang rất dẻo. Hai vợ chồng không chỉ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong gia đình, vợ chồng ông còn miệt mài truyền dạy lại cho người dân trong làng để mọi người cùng hiểu, cùng biết trân trọng, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Bằng tinh thần trách nhiệm với văn hóa dân tộc, vợ chồng A Nhum và Y Djer đã cùng với các nghệ nhân ở làng Kon K’tu xây dựng được 2 đội cồng chiêng, múa xoang (một đội người lớn và đội trẻ em) để giữ gìn những làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống của người Ba Na. Các nghệ nhân ở làng Kon K’tu thường xuyên đi giao lưu, biểu diễn trong và ngoài tỉnh Kon Tum để phục vụ du khách, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh và những nét văn hóa độc đáo của người Ba Na đến với bạn bè trong và ngoài nước.

Nói về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tại địa phương, ông Đào Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa chia sẻ: Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến công tác bảo tồn văn hóa dân tộc, như hỗ trợ cồng chiêng, tuyên truyền, vận động các nghệ nhân tham gia truyền dạy cho thế hệ trẻ. Trong đó, vợ chồng A Nhum và Y Djer ở làng Kon K’tu là một trong những nghệ nhân tâm huyết, có trách nhiệm với văn hóa dân tộc và cộng đồng. Họ thường xuyên tham gia truyền dạy để thế hệ trẻ hiểu, biết trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na. 

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.