Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đặc sắc Lễ hội Nàng Hai

Tào Đạt - 20:48, 29/02/2024

Lễ hội Nàng Hai (hay còn gọi là Mẹ Trăng) của người Tày ở tỉnh Cao Bằng là một trong những lễ hội dân gian truyền thống, mang đậm tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ. Lễ hội này được sáng tạo từ chính cuộc sống sinh hoạt và lao động sản xuất của người nông dân miền núi.

Lễ hội Nàng Hai thể hiện nét ứng xử văn hoá của dân tộc Tày
Lễ hội Nàng Hai thể hiện nét ứng xử văn hoá của dân tộc Tày

Lễ hội Nàng Hai được đồng bào Tày ở Cao Bằng chú trọng gìn giữ, trở thành một bản sắc riêng của dân tộc. 

Lễ hội Nàng Hai được bắt đầu vào tháng Giêng và kéo dài đến trung tuần tháng Ba. Theo tín ngưỡng dân gian dân tộc Tày, trên cung trăng có Mẹ Trăng và mười hai nàng tiên, là các con gái của Mẹ. Mẹ cùng các nàng hằng năm chăm lo bảo vệ mùa màng cho dân chúng ở trần gian. Hội Nàng Hai được tổ chức với ý nghĩa tượng trưng các mẹ các nàng ở dưới trần gian hành trình lên trời đón Mẹ Trăng và các nàng tiên xuống thăm trần gian và giúp trần gian trong công việc làm ăn để sinh sống.

Trước khi diễn ra Lễ, đồng bào Tày phải chuẩn bị đầy đủ các lễ vật, bày trí không gian thờ trong nhà sàn, miếu thổ công và lán Hai
Trước khi diễn ra Lễ, đồng bào Tày phải chuẩn bị đầy đủ các lễ vật, bày trí không gian thờ trong nhà sàn, miếu thổ công và lán Hai

Ngoài ý nghĩa là một lễ hội cầu mùa lớn, Lễ hội Nàng Hai còn phản ánh tục thờ Mẹ trong tín ngưỡng của người Tày. Bắt nguồn từ tư duy đề cao vai trò người phụ nữ trong sản xuất nông nghiệp, thần thoại khởi nguyên về nghề nông của người Tày là truyền thuyết Pú lương quân với sự tích vợ chồng khổng lồ Báo Luông (trai to), Sao Cải (gái lớn). Trong đó, vai trò của bà mẹ Sao Cải được đặc biệt nhấn mạnh cùng với sự phát sinh, phát triển của nghề nông qua hàng loạt các địa danh liên quan. 

 Có lẽ xuất phát từ các quan niệm truyền thống về người Mẹ, kết hợp với quan niệm dân gian coi mặt trăng là chủ thể về thái âm (nữ tính) mà người Tày đã gắn trăng với vai trò của người mẹ lớn cai quản trần gian về nhiều việc, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Vì thế trong thần thoại của người Tày, Nàng Trăng chính là con gái Vua trời, được cha giao cho trông coi công việc nhà nông ở cõi trần gian.

(Bài Ảnh -đã BT đã sửa ảnh) Đặc sắc Lễ hội Nàng Hai 2

Để chuẩn bị cho Lễ hội Nàng Hai, đồng bào dân tộc Tày chọn một bãi đất phẳng, rộng rãi làm nơi mở hội. Trên bãi căng vải dựng rạp gọi là trại mẻ mành. Nơi Nàng Hai ngồi làm lễ đặt ở trung tâm sân có lợp vải hoa và trải chiếu hoa. Trại mẻ mành dựng bằng cọc, trên lợp vải hoa quây thành hình chữ U bao quanh sân hội. Đầu bản và cuối bản dựng cổng chào lớn để đón khách. Các gia đình trong bản chuẩn bị các mâm cỗ mặn gồm các món ăn truyền thống để đón khách đến chơi hội và để thi trong ngày tổ chức lễ hội.


Hai cô gái (mặc áo đỏ và áo vàng) đóng vai con gái của Mẹ Trăng
Hai cô gái (mặc áo đỏ và áo vàng) đóng vai con gái của Mẹ Trăng

Lễ hội gồm 3 phần: lễ đón Hai, lễ cầu Hai và lễ tiến Hai. Mỗi một phần nghi lễ sẽ có những lễ vật khác nhau.

Nghi lễ đầu tiên là lễ đón Hai. Tại lễ này, thầy bụt (thầy cúng) sẽ ra miếu thổ công để xin thổ công mời Mẹ Trăng xuống trần gian. Khi thầy bụt bắt đầu lầm rầm khấn vái chính thức mời Mẹ Trăng xuống trần gian giúp dân việc đồng áng và cầu phúc cho dân bản, 12 cô gái được chọn đóng làm 12 nàng Hai cũng sẽ bắt đầu múa hát theo lời thầy bụt. Và kể từ giờ phút đó, các cô được xem như đã trở thành nàng Hai xuống giúp cầu mùa, cầu phúc cho dân bản.

Nghi lễ thứ hai là lễ cầu Hai được diễn ra tại hai nơi là miếu thổ công và lán Hai. Trong phần lễ này, thầy bụt sẽ lần lượt làm lễ cúng 12 mẹ Trăng, với đại diện là 12 cô gái tượng trưng cho 12 Mẹ Trăng, tượng trưng cho 12 tháng âm lịch trong năm. Theo quan niệm của người Tày, mỗi Mẹ Trăng sẽ trông coi việc cầu phúc và mỗi phần việc đồng áng khác nhau.

(Bài Ảnh -đã BT đã sửa ảnh) Đặc sắc Lễ hội Nàng Hai 7
Điệu múa dưới những tấm vải mang ý nghĩa tiễn Nàng Hai
Điệu múa dưới những tấm vải mang ý nghĩa tiễn Nàng Hai

Nghi lễ cuối là lễ tiễn Hai. Đây là nghi lễ khá quan trọng, thu hút nhiều người dân ở các vùng lân cận tới dự. Lễ tiến Hai thể hiện sự quyến luyến của các Mẹ Trăng và các nàng Hai trước lúc về trời, với những lời hát dặn dò và lời hẹn ước sẽ gặp lại năm sau, thể hiện niềm tin mãnh liệt của cộng đồng dân bản vào sự phù hộ của Mẹ Trăng gắn với ước mong tốt đẹp về cuộc sống bình yên, no ấm, của đồng bào Tày nơi miền sơn cước.

(Bài Ảnh -đã BT đã sửa ảnh) Đặc sắc Lễ hội Nàng Hai 9
Đoàn người vừa hát vừa rời sân hội đi ra bờ suối làm lễ thả thuyền tiễn Nàng Hai rời trần gian
Đoàn người vừa hát vừa rời sân hội đi ra bờ suối làm lễ thả thuyền tiễn Nàng Hai rời trần gian

Lễ hội Nàng Hai thể hiện nguyện vọng của đồng bào dân tộc Tày để cầu mong mưa thuận gió hòa, đoàn kết và tôn trọng trong cộng đồng, đó là nét ứng xử rất văn hóa của người Tày. Đây còn là dịp mọi người gặp gỡ, trao đổi tăng thêm mối quan hệ bang giao thân tình giữa những người trong vùng. Thông qua việc đối đáp với Nàng Hai, người ta không ngại bộc lộ tâm can để được chia sẻ những buồn vui, khúc mắc. Qua tiếng nói của Nàng Hai người ta tìm được sự đồng cảm của tiếng nói bạn bè. 


Lễ hội Nàng Hai kéo dài nhiều ngày, bao gồm hoạt động diễn xướng cộng đồng và nhiều thủ tục đòi hỏi phải có sự nhất trí cao trong quá trình tổ chức.
Lễ hội Nàng Hai kéo dài nhiều ngày, bao gồm hoạt động diễn xướng cộng đồng và nhiều thủ tục đòi hỏi phải có sự nhất trí cao trong quá trình tổ chức.

Với nhiều ý nghĩa tốt đẹp, Lễ hội Nàng Hai đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2459/QĐ-BVHTTDL ngày 20/6/2017.