Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phát triển bền vững các dân tộc có khó khăn đặc thù

"Đặc sản" của đồng bào Pà Thẻn mang đến Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người

Tào Đạt - Thanh Thuận - 15:39, 05/11/2023

Lễ Nhảy lửa - một trong những nét văn hóa đặc sắc trong đời sống văn hóa- tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Pà Thẻn, là minh chứng cho sức mạnh của con người trong cuộc sống và những ước mong chế ngự được thiên nhiên để sinh tồn và phát triển. Lễ Nhảy lửa còn có ý nghĩa gắn kết cộng đồng và bảo lưu nhiều giá trị văn hóa truyền thống từ đời này qua đời khác.


Nghệ nhân “thầy cúng” làm lễ để các diễn viên nhập vai, ai nhập được thì mới nhảy lửa được với đôi chân trần, tay trần nhảy và bốc lửa
Nghệ nhân “thầy cúng” làm lễ để các diễn viên nhập vai, nếu ai nhập được thì mới nhảy vào lửa với đôi chân trần

Nghi lễ độc đáo của đồng bào Pà Thẻn

Lễ Nhảy lửa của đồng bào đồng bào dân tộc Pà Thẻn (tỉnh Tuyên Quang) được tái hiện vào tối 4/11, nằm trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ Nhất, diễn ra tại tỉnh Lai Châu. Sự kiện đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách.

Hàng năm, khi mọi công việc đồng áng đã xong xuôi, đồng bào dân tộc Pà Thẻn lại tổ chức Lễ nhảy lửa để mừng cho mùa màng bội thu, mong cho mọi người, mọi nhà được mạnh khỏe, bình an. Đối với người dân tộc Pà Thẻn, vị thần tối cao nhất là thần lửa và ngọn lửa mang lại sự may mắn cho họ.

Mởđầu nghi lễ, thầy cúng Phù Văn Thành thắp nến và bày các lễ vật lên mâm cúng. Vật phẩm chuẩn bị cho Lễ Nhảy lửa gồm một con lợn, rượu, giấy cúng, đèn hương… Mở đầu nghi lễ, thầy cúng thắp nến và bày các lễ vật lên mâm cúng và thắp 3 nén hương cắm vào bát hương trên bàn rồi đốt thêm 3 nén hương cắm dưới đất bên cạnh ghế nơi thầy cúng ngồi.

Sau đó, thầy cúng ngồi vào ghế cúng, tay cầm que tre gõ vào đàn pàn dơ vừa lắc vòng, thân người bật lên theo từng nhịp gõ, miệng đọc bài cúng  bằng tiếng Pà Thẻn. Khi thầy mo gõ vào đàn gỗ, làm lễ cúng, những người tham gia nhảy lửa (chỉ dành cho nam giới) sẽ ngồi đối diện với thầy mo và được làm phép “nhập ma”.

Được các thần đồng ý, thầy cúng sẽ nói các học trò bắt đầu châm lửa vào đống củi. Tiếp đó, thầy quay về đàn cúng, tay gõ đàn pàn dơ và lắc người liên tục, miệng đọc các bài cúng.

Các thanh niên dân tộc Pà Thẻn tham gia Lễ Nhảy lửa
Các thanh niên dân tộc Pà Thẻn tham gia Lễ Nhảy lửa

Nghi thức cúng tế kết thúc, các chàng trai Pà Thẻn bắt đầu tham gia Lễ hội nhảy lửa mà không hề sợ hãi hay cảm thấy bỏng rát giữa sự hò reo, cổ vũ của đông đảo người dân và du khách.

Khi tiếng nhạc nổi lên cùng với lời gọi của thầy cúng trong khoảng 20 - 30 phút, từng chàng trai bắt đầu rung người, ánh mắt tự nhiên khác lạ, đầu lắc đi lắc lại... Họ nói rằng các thần ở trên trời đã xuống và nhập vào những người đó. Cứ thế, họ lao vào nhảy múa giữa đống lửa đang đỏ hồng, với bàn chân trần và dùng tay bốc than tung lên, ánh than phủ kín một màu đỏ rực xung quanh người nhảy.

Một người nhảy xong lao từ trong đống than hồng ra thì lại có một người khác tiếp nối, cũng có khi hai, ba người cùng vào nhảy một lúc. Những chàng trai Pà Thẻn cử thế vẫy vùng trong ánh lửa hồng rực trước sự reo hò và cổ vũ của những người xem như không hề cảm thấy sức nóng của than. 

Khi hết sức mạnh, họ tự bị đẩy ra khỏi đống lửa, trở về ngồi lễ và lại lắc lư trong tiếng nhạc, chờ thần linh ban tiếp sức mạnh cho đợt nhảy mới. Phần nhảy lửa diễn ra trong khoảng một tiếng cho đến khi lửa tàn hẳn. Khi lửa đã tàn, than đã nguội, thầy cúng tiếp tục gõ pàn dơ, khấn cúng tiễn thần thánh trở về trời với lời cảm tạ các vị thần đã xuống góp vui cho dân làng, cầu mong các vị thần phù hộ cho dân làng được ấm no, mạnh khỏe.

Các thanh niên dân tộc Pà Thẻn sau khi được thầy cúng làm lễ "nhập vai" bắt đầu tham gia Lễ Nhảy lửa
Các thanh niên dân tộc Pà Thẻn sau khi được thầy cúng làm lễ "nhập vai" bắt đầu tham gia Lễ Nhảy lửa

Lần đầu tiên được xem Lễ Nhảy lửa, anh Trần Thái Phương, du khách đến từ Hà Nội cảm thấy rất thú vị và cho rằng đây là nghi lễ độc đáo và thu hút sự hiếu kỳ nhiều nhất của mọi người.

Người duy nhất nắm giữ “bí kíp” của Lễ Nhảy lửa Pà Thẻn

Người dân tộc Pà Thẻn tin rằng, Lễ Nhảy lửa là một nghi lễ để đón thần thánh xuống trần gian cùng vui với dân làng. Trong cộng đồng người Pà Thẻn tại xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang chỉ có ông Phù Văn Thành là người duy nhất thực hiện được các nghi lễ linh thiêng của người Pà Thẻn, đặc biệt ông cũng là người nắm giữ bí kíp tâm linh huyền bí trong Lễ Nhảy lửa.

So với nhiều nghi lễ khác thì Lễ Nhảy lửa là nghi lễ được tổ chức khá giản đơn, nhẹ nhàng từ lễ vật đến bài cúng. Đó là không cần mâm lễ thịnh soạn, chỉ đơn giản là một bát nước lã, mâm lễ nhỏ có thể là một chiếc thủ lợn hoặc một con lợn bé. Thầy cúng sẽ đọc 3 bài cúng bằng tiếng Pà Thẻn trình bày rõ với thần linh về lý do của buổi lễ để mời thần về. Thầy cúng phải mời 28 vị thần tất cả, trong đó, quan trọng nhất là thần lửa.

Đôi chân trần cùng đôi tay trần lấm lem sau khi tham gia Lễ Nhảy lửa
Đôi chân trần cùng đôi tay trần lấm lem sau khi tham gia Lễ Nhảy lửa

.Để chuẩn bị cho Lễ Nhảy lửa, ngay từ buổi chiều các học trò tự tay gánh củi về để ở ngoài sân. Củi để nhảy lửa có thể bằng bất cứ gỗ gì miễn có nguồn gốc là sạch sẽ. Thầy cúng Phù Văn Thành cho biết: “Những người tham gia Lễ Nhảy lửa đều phải tịnh tâm, để cho thân thể sạch sẽ, lòng phải thành, phải luôn có lòng biết ơn thần lửa, cầu nguyện cho bản làng bình yên, ấm no. Có như thế thì thần lửa mới “độ”, ban truyền cho sức mạnh phi thường để chinh phục ngọn lửa linh thiêng, may mắn”.

“Điều quan trọng ngọn lửa phải được nhóm lên từ lửa của chiếc đèn trên mâm lễ. Người dân tộc Pà Thẻn quan niệm, đó là ngọn lửa thiêng, nơi ngự trị của thần lửa”, thầy cúng Phù Văn Thành cho biết thêm.

Thầy cúng Phù Văn Thành năm nay đã hơn 60 tuổi. Bởi là người duy nhất nắm giữ “bí kíp” của Lễ Nhảy lửa nên ông luôn đau đáu tâm nguyện muốn được truyền nghề cho học trò. Thế nhưng để tìm được một người "kế nghiệp" là một hành trình gian nan. Bởi so với thầy cúng các dân tộc khác thì để làm thầy cúng người dân tộc Pà Thẻn là cả một quá trình thử thách dài. “Bởi người dân tộc Pà Thẻn có mấy trăm bài cúng, người thầy cúng phải thông thạo tất cả các nghi lễ khác với hàng trăm bài cúng bằng tiếng Pà Thẻn. Ai sáng dạ học nhanh cũng phải 5 năm mới hết, còn có người học cả chục năm vẫn chưa gom đủ chữ làm thầy” - ông Phù Văn Thành cho biết. 

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của di sản, ngày 1/6/2023, Lễ Nhảy lửa của người Pà Thẻn tỉnh Tuyên Quang được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đồng thời gắn kết con người với cộng đồng, gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường

Tin cùng chuyên mục
Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Lai Châu hiện có 20 dân tộc sinh sống, với dân số khoảng trên 484.000 người, trong đó có 4 dân tộc Mảng, Cống, Lự, Si La là thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Nhờ các chính sách đối với của Đảng, Nhà nước, bộ mặt các bản làng dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu dần thay đổi. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thiết kế tiểu dự án 1, Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn nhằm giải quyết toàn diện những vấn đề cấp thiết của đồng bào.