Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX: Phát triển vùng DTTS và miền núi là một nhiệm vụ trọng tâm

Quỳnh Trâm - 08:54, 24/03/2020

Trong 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc, vùng DTTS và miền núi tỉnh Thanh Hóa đã có những bước phát triển quan trọng. Tỉnh Thanh Hóa đang đặt mục tiêu đến năm 2025, nâng thu nhập bình quân đầu người của vùng DTTS gấp 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,67%.

Ông Lương Văn Tưởng, Trưởng Ban Dân tộc Thanh Hóa giới thiệu về thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội ở một huyện miền núi
Ông Lương Văn Tưởng, Trưởng Ban Dân tộc Thanh Hóa giới thiệu về thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội ở một huyện miền núi

Ông Lương Văn Tưởng, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho biết, với nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, dự án, đề án, các địa phương vùng DTTS và miền núi của tỉnh đã có những bứt phá trong phát triển kinh tế, do đó đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện rõ rệt. 

Giai đoạn 2014 - 2018, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,7%; người nghèo đã tiếp cận thuận lợi và đầy đủ hơn các chính sách trợ giúp của Nhà nước; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH) được tăng cường và củng cố; nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, việc làm cho lao động được quan tâm giải quyết.

Bên cạnh đó, sự nghiệp giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khỏe Nhân dân có chuyển biến tích cực; hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố vững mạnh và hoạt động có hiệu quả, đội ngũ cán bộ là người DTTS được quan tâm đào tạo bồi dưỡng; an ninh, trật tự trên vùng DTTS và miền núi được giữ vững, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo. 

 Thời gian qua, tốc độ giảm nghèo ở các huyện miền núi luôn cao hơn 1,7 lần bình quân chung toàn tỉnh, trong đó, 7 huyện nghèo cao gấp 2,1 lần; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 2,3%/năm (theo tiêu chí nghèo đa chiều). Điển hình như huyện Như Xuân đến nay đã ra khỏi diện huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; có 5% số xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) và 65% thôn, bản ĐBKK vùng DTTS và miền núi thoát khỏi diện ĐBKK giai đoạn 2016 - 2020 theo tiêu chí quy định. 

Hệ thống chính trị vùng DTTS và miền núi được củng cố và hoạt động ngày càng hiệu quả; 11 huyện miền núi có gần 4,5 nghìn tổ chức cơ sở đảng (bao gồm 268 Đảng bộ và 217 Chi bộ), có 2,8 nghìn chi bộ thuộc Đảng bộ cơ sở. Tổng số đảng viên là trên 55 nghìn người, trong đó đảng viên là người DTTS là gần 32 nghìn người, chiếm 58,11%. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng được nâng lên; công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp có chuyển biến tiến bộ…

Theo Trưởng Ban Dân tộc Lương Văn Tưởng, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 10/2020. Thời gian qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII đã chuẩn bị chu đáo dự thảo các nội dung cho Đại hội để lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp Nhân dân. 

Trong đó đáng chú ý là, dự thảo văn kiện trình tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra 6 chương trình trọng tâm; trong đó có Chương trình Phát triển KT-XH khu vực miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa; trọng tâm là nâng cao hiệu quả sản xuất, bố trí sắp xếp ổn định dân cư, giảm nghèo nhanh và bền vững. 

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức là người DTTS; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc. Đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành một số chỉ tiêu chủ yếu như: Thu nhập bình quân đầu người của vùng DTTS gấp 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,67%.