Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Khi đảng viên là đầu tàu mẫu mực

Quỳnh Chi - 12:53, 08/03/2020

Trong điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) còn nhiều khó khăn, việc bà con thay đổi tư duy, tích cực tham gia các mô hình phát triển kinh tế, tiếp cận khoa học - kỹ thuật (KH-KT) ứng dụng vào sản xuất, xóa đói giảm nghèo chính là nhờ những đảng viên luôn gương mẫu đi đầu để bà con học tập, làm theo.

Mô hình trang trại gà của anh Lê Đình Huấn trở thành nơi để bà con học hỏi và mạnh dạn thực hiện. (trong ảnh anh Huấn đang chăm sóc đàn gà).
Mô hình trang trại gà của anh Lê Đình Huấn trở thành nơi để bà con học hỏi và mạnh dạn thực hiện. (trong ảnh anh Huấn đang chăm sóc đàn gà)

Năm 2012, Lê Đình Huấn là một trong những thí sinh tham gia Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo. Sau khi trúng tuyển, anh được phân công về làm Phó Chủ tịch UBND xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân (Thanh Hóa). Thời điểm đó, Hóa Quỳ là xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), tỷ lệ hộ nghèo rất cao.

Là trí thức trẻ, anh Huấn biết rằng, muốn nâng cao đời sống cho bà con thì nhất thiết phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường áp dụng KH-KT để nâng cao giá trị. Nhưng để bà con làm theo, phải làm trước để bà con học tập.

Nghĩ là làm, anh chủ động thực hiện mô hình chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học, cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng. Với vai trò Phó Chủ tịch UBND xã, ngoài tích cực tuyên truyền, vận động bà con, anh đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã mở các lớp học ở hiện trường với quy mô nhỏ, ở đó người dân trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, áp dụng tiến bộ KH-KT, được cung cấp cây, con, giống mới, chuyển đổi từ sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực sang phân bón hữu cơ, vi sinh, chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, trồng trọt.

Từ hiệu quả bước đầu, mô hình của gia đình anh trở thành nơi để bà con học hỏi. Nhiều hộ còn mạnh dạn thực hiện mô hình trang trại, gia trại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, trên địa bàn xã Hóa Quỳ đã có hơn 30 trang trại, gia trại chăn nuôi gà với quy mô 2.000 - 10.000 con gà, bình quân thu nhập từ 100 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm.

Năm 2018, anh Huấn tiếp tục được điều động bổ nhiệm làm Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm. Đây cũng là xã ĐBKK, tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm 98%. Từ những kinh nghiệm có sẵn, anh tích cực vận động Nhân dân đẩy mạnh áp dụng tiến bộ KH-KT, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất... Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của Thanh Lâm giảm từ 50% (năm 2017) xuống hiện còn 29%.

Cũng như anh Huấn, ở nhiều địa phương miền núi của tỉnh Thanh Hóa, đội ngũ đảng viên ngày càng phát huy vai trò đầu tàu, gương mẫu trong các phong trào, làm thay đổi tư duy của bà con, tích cực tham gia phát triển kinh tế.

Như ở thôn Vân Trung, xã Cát Vân (huyện Như Xuân) là thôn ĐBKK, một bộ phận hộ nghèo trong thôn có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên một số hộ gia đình đã tách hộ, bố mẹ (ông, bà) tuổi cao ra ở riêng để được hưởng chế độ hộ nghèo. Nhận thấy tư tưởng này cần xóa bỏ, bà Phạm Thị Lan đảng viên thuộc Chi bộ thôn Vân Trung đã đến động viên, vận động các hộ nhập lại. Sau một thời gian kiên trì, bà vận động được 5 hộ gia đình bố mẹ (ông, bà) nhập vào gia đình các con, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thôn còn 5 hộ.

Tại huyện Cẩm Thủy, nhiều năm trước đây, thôn Công Trình (nay là thôn Phúc Tân), xã Phúc Do vẫn còn tình trạng xả rác thải bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường. Với phương châm “đảng viên đi trước”, 39/39 đảng viên của thôn đã tiên phong xây dựng lò đốt rác thủ công xử lý rác tại nhà. Hiện toàn xã đã có 377 hộ có lò đốt rác thủ công, góp phần xử lý rác thải tại hộ gia đình.