Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Đại thắng mùa Xuân 1975 trong ký ức những cựu binh người DTTS

Công Phương - 10:31, 10/04/2025

Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi ngược đường rừng về các huyện vùng cao của tỉnh Quảng Nam, tìm đến nhà những già làng người DTTS để nghe kể về những ngày tháng chiến tranh và chứng kiến giờ khắc lịch sử của dân tộc trong ngày đại thắng mùa Xuân năm 1975. Hầu hết những người còn sống đều ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng họ không thể nào quên cảm giác sung sướng khi đất nước hoàn toàn được giải phóng. Càng nhớ về những ngày tháng ấy, họ càng trân quý hoà bình và luôn cống hiến hết sức mình cho sự phát triển của bản, làng.

Già Clâu Nhím xúc động chia sẻ cảm xúc về ngày vui đại thắng
Già Clâu Nhím xúc động chia sẻ cảm xúc về ngày vui đại thắng

Nhà già Clâu Nhím nằm trên một con dốc nhỏ ở thị trấn Prao, huyện Đông Giang. Căn nhà chứa đầy những nhạc cụ gắn với cả thời thanh xuân của già. Già Nhím được ví như cây đại thụ của buôn làng vì sự mẫu mực, sự cống hiến mà già đã làm trong suốt những năm qua, cả trong thời chiến lẫn trong thời bình.

Nhấp một ngụm nước được nấu bằng rễ của những cây rừng, già Nhím chậm rãi kể: Gia đình già có truyền thống cách mạng. Từ lúc 12 tuổi, già đã theo cha hoạt động cách mạng, len lỏi khắp những cánh rừng ở khu chiến trường Tây Giang. Lớn lên một chút, già tham gia lực lượng thông tin, theo chân các cán bộ chiến sĩ, kháng chiến.

“Trong những năm tháng chiến tranh, không thể kể hết khó khăn, gian khổ. Trên mảnh đất này đã có nhiều người ngã xuống, nhiều người bị thương, nhưng tất cả đều một lòng vì Tổ quốc. Đến khi hay tin chiến thắng, tất cả mọi người đều reo hò, hạnh phúc. Già là một trong những người về Đà Nẵng sớm nhất để chuẩn bị cho ngày vui chiến thắng. Khoảnh khắc ấy không thể nào quên”, già Nhím nhớ lại.

Ông Arất Cước, Người có uy tín ở thị trấn Prao
Ông Arất Cước, Người có uy tín ở thị trấn Prao

Theo già Nhím, dù đã 50 năm trôi qua, nhưng hễ gần đến Ngày vui đại thắng 30/4, trong lòng già lại dâng lên niềm hạnh phúc. “Cảm giác lâng lâng khó tả, y như ngày già về Đà Nẵng để chuẩn bị chào đón đoàn quân giải phóng. Hạnh phúc lắm, nhìn những con đường rực rỡ cờ Tổ quốc tung bay, lại nhớ thời khắc lịch sử năm ấy”, già Nhím trải lòng.

Sau ngày quê hương giải phóng, già Clâu Nhím trở về với cuộc sống đời thường, công tác ở nhiều vị trí khác nhau, như cán bộ ngành Điện ảnh, cán bộ thôn, Trưởng Ban giám sát hòa giải, Người có uy tín của thị trấn Prao… Hiện tại, dù tuổi đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ông vẫn ngày đêm gắn bó, xây dựng bản làng Cơ Tu ngày càng giàu đẹp.

Chia tay già Nhím, chúng tôi đến nhà ông Arất Cước, Người có uy tín cũng ở thị trấn Prao. Ông Cước cũng từng là bộ đội tham gia kháng chiến ở khu vực Thăng Bình, Quế Sơn. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ông trở về tích cực tham gia phát triển kinh tế, xây dựng gia đình. Từ sự gương mẫu trong đời sống gia đình, tiên phong trong phát triển kinh tế, ông Cước được tín nhiệm bầu là Người có uy tín của huyện Đông Giang.

Từ sau giải phóng đến nay, Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm cho miền núi, với những chính sách đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, đời sống của người dân ngày một tốt hơn, càng củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng”.


Già làng Clâu Nhím

Khi chúng tôi hỏi về những ký ức trong ngày vui đại thắng, ông Cước xúc động nói: “Khi thấy cờ Tổ quốc tung bay, hay xem lại những thước phim thời chiến, tôi rất xúc động. Vì hoà bình của đất nước, nhiều người đã ngã xuống. Những người còn ở lại như chúng tôi phải có trách nhiệm tuyên truyền cho những người trẻ về những công ơn đó, giúp họ thêm trân quý cuộc sống hôm nay”.

Ngược về vùng miền núi Minh Long, chúng tôi không khỏi vui mừng khi đời sống của người dân đã từng bước khởi sắc. Trên những con đường bê tông thẳng tắp trang trí cờ Tổ quốc, những mái nhà mới mọc lên, những dãy keo rộng lớn kéo đến tận chân trời. Có được như vậy, bên cạnh các chính sách dành cho vùng đồng bào DTTS của Đảng và Nhà nước, có sự đóng góp không nhỏ của những Cựu chiến binh, những Người có uy tín ở địa phương.

Chúng tôi đến thăm già Đinh Văn Xếp, dân tộc Hrê, 73 tuổi, thôn Lãnh Hạ, xã Long Mai, khi mặt trời vừa đứng bóng. Lúc chúng tôi đến, già Xếp đang nắn nót từng chiếc nan để hoàn thành cái nia cho người dân đặt làm. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng hằng ngày ông vẫn cần mẫn, với đôi tay thoăn thoắt làm ra những sản phẩm thủ công. Đây là cách ông Xếp gìn giữ nghề truyền thống, vừa là thú vui tuổi xế chiều.

Ông Đinh Văn Xếp chia sẻ niềm vui, sự đổi thay của bản, làng Hrê sau ngày giải phóng
Ông Đinh Văn Xếp chia sẻ niềm vui, sự đổi thay của bản, làng Hrê sau ngày giải phóng

Hơn 20 năm giữ các chức vụ từ Chủ tịch, rồi Bí thư xã tại xã Long Mai, già Xếp chứng kiến sự đổi thay của quê hương và bà con nơi đây. Ông nói, phần lớn dân cư sinh sống ở đây là đồng bào Hrê, trong những năm qua, nhờ các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, đời sống của người dân ngày càng phát triển. Minh chứng rõ nhất là những ngôi nhà mới mọc lên, những con đường liên thôn được bê tông sạch đẹp.

“Những năm tháng trong chiến tranh, đời sống của người dân có rất nhiều khó khăn. Kể từ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, chúng tôi thấy rất phấn khởi, mọi người được trở về nhà, được học hành, được tạo điều kiện để làm ăn, phát triển kinh tế. Người dân ngày càng cải thiện sinh kế, xây được nhà cửa, mừng lắm. Đúng như Bác Hồ nói “Không có gì quý hơn độc lập-tự do”, phấn khởi lắm”, già Xếp nói trong xúc động.

Chiến tranh đã lùi xa, chiến trường đã trở thành huyền thoại, những mảnh đất bom đạn cày xới giờ đây đã căng tràn sức sống. Nhưng trong ký ức của những con người đã kinh qua một thời khói lửa, dường như họ không thể quên đi những tháng năm lịch sử đó. Và cho dù ở vai trò nào, họ cũng làm tốt và quyết tâm xây dựng quê hương đất nước ngày thêm giàu mạnh…

Tin cùng chuyên mục
Sức khỏe của người dân là niềm vui của người thầy thuốc

Sức khỏe của người dân là niềm vui của người thầy thuốc

Đó là tâm sự của bác sĩ Vi Văn Nồng, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh). Với cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn khiến con đường tiếp cận dịch vụ y tế của người dân ở xã biên giới này không mấy dễ dàng. Thấu hiểu điều đó, 30 năm qua công tác tại Trạm Y tế xã, bác sĩ Nồng đã đem hết kiến thức, tâm huyết của mình để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân quê hương ông.