Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phát triển bền vững các dân tộc có khó khăn đặc thù

Già làng A Blong góp sức đưa buôn làng người Rơ Măm không còn đói nghèo, lạc hậu

Hòa Bình - 15:01, 16/11/2023

Bằng sự gương mẫu, tận tụy, nhiệt tình, nói đi đôi với làm, già làng A Blong ở làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) được cán bộ địa phương, cộng đồng ghi nhận như “cánh chim đầu đàn” trên các lĩnh vực, đặc biệt là vai trò "dẫn dắt" đồng bào Rơ Măm đi qua từ những khó khăn, hủ tục, tập tục lạc hậu tiếp cận với những cái mới, từng bước thay đổi, xây dựng cuộc sống ấm no, hòa nhập cùng cộng đồng các dân tộc.

Già làng A Blong (bên phải) đại diện dân làng Le nhận quà của Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang trao tặng
Già làng A Blong (bên phải) đại diện dân làng Le nhận quà của Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang trao tặng

Giữ vững an ninh vùng biên giới

Già làng A Blong, sinh năm 1955, là một người con ưu tú của dân tộc Rơ Măm. Ngay từ thuở còn niên thiếu, A Blong đã sớm đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tham gia trên tuyến đầu chống Mỹ. Đất nước hòa bình, A Blong trở về địa phương làm thầy giáo "gieo chữ" 30 năm ở vùng biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy (Kon Tum). Đến năm 2009, thầy giáo A Blong nghỉ hưu. 

Trở về cộng đồng, già A Blong rất tích cực tham gia và đi đầu trong các phong trào, hoạt động ở địa phương. Từ tinh thần, trách nhiệm với cộng đồng, già từng được Chi bộ, đảng viên tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ; người dân yêu quý, kính trọng bầu làm Trưởng thôn, già làng của làng. HIện nay, do tuổi già, và muốn lớp trẻ tiếp quản với công việc, già A Blong đã thôi giữ các chức danh. 

Là đảng viên, “cánh chim đầu đàn” của cộng đồng DTTS Rơ Măm ở làng Le, già làng A Blong luôn ý thức và gương mẫu, đi đầu trong việc chấp hành, đồng thời tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. 

Theo lời già A Blong, với đặc thù của địa bàn xã Mô Rai giáp ranh với nước bạn Campuchia, diện tích rộng, địa hình núi rừng hiểm trở, nên luôn tiềm ẩn những nguy cơ mất an ninh trật tự. Những năm qua, trên địa bàn cũng đã từng xuất hiện những phần tử xấu dụ dỗ đồng bào nhẹ dạ, cả tin thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, già đã luôn chủ động trong công tác phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng biên phòng tuyên truyền, vận động bà con nêu cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa âm mưu của các thế lực xấu hòng chia rẽ dân tộc, gây mất ổn định chính trị trong làng; chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không bao che, tiếp tay cho hoạt động tội phạm.

Già làng A Blong luôn tích cực tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người Rơ Măm ở làng Le
Già làng A Blong luôn tích cực tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người Rơ Măm ở làng Le

Đặc biệt, già làng A Blong còn có sáng kiến thành lập tổ tự quản gồm dân quân tự vệ, đoàn thanh niên, công an thôn, hội viên người cao tuổi... chia ca đi tuần đêm nhằm gìn giữ an ninh, trật tự; thành lập tổ kiểm tra, kiểm soát đường biên giới và cột mốc biên giới. 

Đồng thời, tuyên truyền Nhân dân cùng tham gia tố giác tội phạm, nhất là các hoạt động vượt biên trái phép, góp phần bảo vệ buôn làng, giữ vững an ninh trật tự tại vùng biên giới. Cá nhân già A Blong đã vận động được 4 hộ dân đăng ký tham gia tự quản đoạn đường biên giới dài 4,2 km, từ mốc giới số 10 đến mốc giới số 11 thuộc Đồn Biên phòng Mô Rai quản lý.

Ông  Nguyễn Quang Thắng, Chủ tịch UBND xã Mô Rai cho biết: Những năm qua, già làng A Blong đã nắm bắt, cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho các lực lượng chức năng; đồng thời tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng làm tốt công tác hòa giải, bài trừ tệ nạn xã hội; tham gia quản lý, cảm hóa, giáo dục đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm; vận động người dân đoàn kết giữ gìn an ninh trật tự; vận động người dân tham gia ký cam kết bảo vệ đường biên cột mốc... Từ sự nhiệt tình, tận tâm với công việc của cộng đồng của già, mà bà trong làng Le đã thay đổi, tự giác tham gia các phong trào xây dựng và bảo vệ biên giới, gắn kết tình quân dân thêm bền chặt. 

Giúp dân làng Le vươn lên thoát nghèo

Không chỉ làm tốt công tác tham gia giữ gìn an ninh trật tự vùng biên giới, già làng A Blong còn tiên phong trong phát triển kinh tế. Với mô hình kinh tế tổng hợp trồng trọt, kết hợp chăn nuôi, mỗi năm gia đình già làng A Blong thu nhập khoảng 250 triệu đồng. Hiện gia đình có 3 ha cao su đang cho mủ, 2 ha điều, 1 ha bời lời; ngoài ra còn trồng lúa nước, thả cả, chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm (trâu, gà).

 Gia đình già A Blong còn nhận gìn giữ và chăm sóc khu vườn đặc biệt, với gần 40 cây gỗ trắc, cà te, hương, có đường kính từ 30 cm - 50 cm. Đây là những loại gỗ quý, hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam cần được gìn giữ, bảo vệ và nhân giống.

Từ các mô hình sản xuất của già A Blong, bà con Rơ Măm ở làng Le đã học hỏi kinh nghiệm, cải tạo đất trồng cây cao su phát triển kinh tế
Từ các mô hình sản xuất của già A Blong, bà con Rơ Măm ở làng Le đã học hỏi kinh nghiệm, cải tạo đất trồng cây cao su phát triển kinh tế

Cũng từ các mô hình sản xuất của già A Blong, bà con làng Le đã học hỏi kinh nghiệm, làm theo để phát triển kinh tế; cải tạo vườn tạp, đất trống, đồi núi trọc để tăng diện tích cây trồng cũng như tích cực bảo vệ rừng. Nhờ đó, đời sống bà con dần ổn định, từng bước nâng cao.

Đến nay người Rơ Măm ở làng Le đã khai hoang và trồng được gần 300 ha cây mì, lúa nước, cây cao su tiểu điền cùng với hàng trăm con heo, bò, dê các loại. Trên 97% số hộ có xe máy, 100% số hộ có nhà xây, có ti vi. Cuộc sống ấm no đang dần hiện hữu trên những nếp nhà.

Ông A Thái, Trưởng thôn làng Le cho biết: Già làng A Blong có đôi chân không mỏi, đôi tay không nghỉ để làm nhiều việc có ích cho gia đình và cộng đồng. Thấy cuộc sống của bà con người Rơ Măm còn khó khăn cái gì, là già A Blong tận tình hướng dẫn, giúp đỡ. Từ hỗ trợ cây giống, đến hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, thu hoạch cây lúa nước, cây cao su, cây sắn… để bà con làng Le vươn lên không còn cái đói, cái khổ như trước nữa. Bản thân mình cũng học theo già, chăm lo sản xuất được gần 14 ha cây trồng gồm sắn, điều, cao su và lúa nước. Già làm nhiều việc tốt, hết mình vì công việc, nên được mọi người nghe theo, làm theo. 

Hiện nay già làng A Blong cũng đã tuổi cao, sức yếu nhưng suốt những tháng năm đã qua, già đã có công rất lớn trong việc giúp đồng bào dân tộc Rơ Măm ở làng Le không còn đói nghèo lạc hậu, buôn làng bình yên, phát triển. Ấy là điều mà già mãn nguyện khi trao đổi với chúng tôi.

Tin cùng chuyên mục
Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Lai Châu hiện có 20 dân tộc sinh sống, với dân số khoảng trên 484.000 người, trong đó có 4 dân tộc Mảng, Cống, Lự, Si La là thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Nhờ các chính sách đối với của Đảng, Nhà nước, bộ mặt các bản làng dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu dần thay đổi. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thiết kế tiểu dự án 1, Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn nhằm giải quyết toàn diện những vấn đề cấp thiết của đồng bào.