Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Đăk Lăk: Khống chế, đẩy lùi dịch bạch hầu

Lê Hường - 11:18, 27/07/2020

Những ngày qua, tỉnh Đăk Lăk liên tiếp ghi nhận những ca mắc bệnh bạch hầu mới ở nhiều địa phương, trong đó có những ca có yếu tố dịch tễ phức tạp, khả năng lây lan rộng ra cộng đồng. Để khống chế, đẩy lùi dịch bệnh bạch hầu hiệu quả nhất, tỉnh Đăk Lăk đã huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc.

Khám sàng lọc cho học sinh, người dân vùng dịch
Khám sàng lọc cho học sinh, người dân vùng dịch

Gia tăng ca nhiễm

Ngày 7/7, Đăk Lăk ghi nhận ca nhiễm bạch hầu đầu tiên tại buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lăk. Đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 18 ca nhiễm tại các huyện: M’đrăk, Cư Kuin, Krông Bông, Cư M’gar. 

Điều đáng nói là, hầu hết các ca bệnh không xác định được nguồn lây, vì trước khi bệnh khởi phát nhiều ngày, bệnh nhân không đi đâu xa, không tiếp xúc với những người có nguy cơ mắc hoặc mắc bệnh. Theo thống kê của ngành Y tế tỉnh, khoảng 50% số ca bệnh trước khi mắc bạch hầu nhiều ngày liền không đi xa và không tiếp xúc với người mắc bệnh.

Theo bác sĩ Trịnh Quang Trí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đăk Lăk, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh và biến chứng nguy hiểm gây tử vong cao. Hơn nữa, vi khuẩn bạch hầu có thể sống thời gian dài 6 tháng trên bề mặt đồ dùng, quần áo, vật dụng trong nhà ở môi trường ẩm, thiếu ánh sáng. Vì vậy, không chỉ dập dịch trước mắt mà cần tuyên truyền, khuyến cáo người dân tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh như vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa thông thoáng, tất cả quần áo, chăn màn…; giặt sạch, phơi ngoài trời và chủ động tiêm văc xin phòng bệnh cho người lớn và tiêm văc xin phòng bệnh bạch hầu đúng thời gian, lộ trình cho trẻ nhỏ nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

Gấp rút phòng, chống dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND tỉnh Đăk Lăk đã huy động toàn hệ thống chính trị chung tay phòng, chống dịch. Trong đó, ngành Y tế được giao tổ chức giám sát chặt chẽ, xử lý kịp thời không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng trong cộng đồng. Tại các địa bàn đã xuất hiện ca bệnh, Chính quyền các huyện, thị xã, thành phố đã khẩn trương triển khai công tác phòng, chống dịch, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. 

Việc huy động gạo, nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân đang bị cách ly để phòng, chống dịch cũng được các tổ chức, đoàn thể chú trọng. Ngày 19/7, Đoàn Thanh niên huyện M’đrăk đã tái khởi động chương trình ATM gạo lưu động “San sẻ yêu thương” phát gạo và mì gói cho 160 hộ dân thôn 7, xã Cư Cróa và thôn 4, xã Ea M’đoak đang cách ly để phòng, chống dịch bệnh bạch hầu. 

Anh Nông Văn Dũng, Bí thư Huyện đoàn M’đrăk cho biết: Ngay sau khi có ca bệnh bạch hầu xuất hiện trên địa bàn huyện, Đoàn Thanh niên đã thành lập các đội hình phối hợp với các lực lượng khác trực tại các chốt kiểm soát dịch tại 13/13 xã trên địa bàn. 

Công ty xã hội Bồ Công Anh cùng các nhóm thiện nguyện cũng đang tiến hành chương trình: “Chung tay chống dịch bạch hầu Đăk Lăk”. Trong ngày 16/7, đại diện nhóm thiện nguyện đã chuyển 1,5 tấn gạo cho Huyện đoàn M’đrăk, Krông Bông và vận động được hơn 25 triệu đồng cùng nhiều nước rửa tay, khẩu trang để kịp thời hỗ trợ bà con tại các thôn buôn bị cách ly.

Tính đến ngày 23/7, khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận 112 ca bệnh bạch hầu, trong đó Đăk Nông 33 ca; Đăk Lăk 22 ca; Kon Tum 32 ca, Gia Lai 25 ca. Trong đó có 3 ca tử vong (1 ca ở Gia Lai; 2 ca ở Đăk Lăk).

Tin cùng chuyên mục