Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Gia Lai dành 16,4 tỷ đồng bảo tồn văn hóa cồng chiêng

PV - 15:10, 01/03/2023

Theo đề án Bảo tồn di sản Không gian văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Gia Lai phục dựng một số lễ hội có sử dụng cồng chiêng của dân tộc Ba Na và Gia Rai; mở các lớp dạy đánh chiêng.

Bên cạnh việc truyền dạy cồng chiêng, các tỉnh Tây Nguyên cũng chú trọng thành lập các đội văn nghệ dân gian nhằm tổ chức sinh hoạt, biểu diễn, tham gia các liên hoan, hội diễn về văn hóa cồng chiêng. (Ảnh MH))
Bên cạnh việc truyền dạy cồng chiêng, các tỉnh Tây Nguyên cũng chú trọng thành lập các đội văn nghệ dân gian nhằm tổ chức sinh hoạt, biểu diễn, tham gia các liên hoan, hội diễn về văn hóa cồng chiêng. (Ảnh MH))

Với kinh phí dự kiến gần 16,4 tỷ đồng, việc thực hiện đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Gia Lai giai đoạn 2023 - 2025” đã mang đến luồng sinh khí mới, tiếp thêm động lực cho công tác bảo tồn di sản trong vòng xoáy của các luồng văn hóa hiện đại.

Những năm gần đây, các không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng cũng rơi vào những thách thức lớn. Nhiều nghi lễ truyền thống, không gian văn hóa bản địa dần mai một trong đời sống cộng đồng các dân tộc.

Tình trạng chảy máu cồng chiêng, buôn làng vắng hẳn những nhịp chiêng-xoang, im bặt những làn điệu sử thi mê hoặc lòng người đã không còn hiếm ở Gia Lai.

Trong nhịp sống vội vã, nhiều nét văn hóa hiện đại, ngoại lai dần khiến nhiều người trẻ đánh mất tình yêu đối với nhạc cụ truyền thống, những lễ hội bản địa và cả những nhiệt huyết trong công tác bảo tồn.

Để phát huy những giá trị của di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, UBND tỉnh Gia Lai đã thông qua Quyết định số 09/QĐ-UBND về việc triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Gia Lai giai đoạn 2023 - 2025.”

Đề án chỉ ra nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản, gồm điều tra, nghiên cứu khoa học về cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, quảng bá nhằm nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc về trách nhiệm gìn giữ, phát huy các giá trị độc đáo của di sản.

Đề án có 8 nội dung, dự án thành phần, như điều tra, khảo sát về cồng chiêng và người thực hành cồng chiêng trên địa bàn toàn tỉnh; phục dựng một số nghi lễ, lễ hội có sử dụng cồng chiêng của dân tộc Ba Na và Gia Rai; tổ chức các lớp truyền dạy đánh chiêng, chỉnh chiêng cho người Ba Na, Gia Rai; mở lớp tập huấn công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản cho cán bộ cấp huyện, xã...

Cùng với hội thảo khoa học kết hợp triển lãm ảnh về sinh hoạt cộng đồng có sử dụng cồng chiêng, tỉnh tổ chức Liên hoan cồng chiêng khu vực và Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên định kỳ 2 năm/lần.

Đặc biệt, đề án đã xác định hai dự án quan trọng khác phải thực hiện là Khôi phục Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên thông qua việc xây dựng 6 mô hình nhà Rông-bến nước ở các địa phương và Xây dựng phòng trưng bày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tỉnh Gia Lai.

Đề án được thực hiện nhằm tiếp tục duy trì, phát triển và nhân bản những giá trị truyền thống tốt đẹp của di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Qua đó, tạo tiền đề góp phần vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội, là động lực cho ngành du lịch của địa phương phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.