Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Đăk Nông: Cánh đồng lúa khô hạn bên công trình thủy lợi trăm tỷ

Lê Hường - Quốc Phong - 10:07, 01/04/2021

Dù nằm cạnh công trình thủy lợi được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, nhưng cánh đồng buôn Chóah, huyện Krông Nô - vựa lúa lớn nhất tỉnh Đăk Nông lại bị khô hạn, nứt nẻ. Người nông dân phải túc trực ngày đêm ngoài đồng, canh từng giọt nước để cứu hàng trăm héc ta lúa đang chết khát.

Phía cuối kênh nội đồng không có nước cung cấp cho ruộng
Phía cuối kênh nội đồng không có nước cung cấp cho ruộng

Lúa chết khô bên công trình phòng, chống hạn 

Giữa tháng 3 cao điểm của mùa khô Tây Nguyên, cánh đồng lúa đang thì con gái ở buôn Chóah bỗng trở vàng, cháy xém, chân ruộng khô khốc, nứt toác, cỏ mọc cao hơn lúa. Sát bên cánh đồng, tuyến kênh mương thủy lợi thẳng tắp, đầu kênh hai máy bơm hoạt động hết công suất để đẩy nước ra ruộng, song phía cuối kênh mực nước chỉ khoảng 10cm. Hàng chục người dân xã Buôn Chóah vẫn túc trực tại cánh đồng, thay nhau bơm nước vào ruộng cứu lúa.

Xã Buôn Chóah, huyện Krông Nô được xác định là vùng trọng điểm lương thực của tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên vụ đông xuân 2021, nông dân nơi đây đứng trước nguy cơ mất trắng vì thiếu nước.

Gần 30 năm làm lúa trên cánh đồng buôn Chóah, lần đầu tiên ông Phạm Văn Sổ, thôn Bình Giang phải túc tực ngày đêm để cứu lúa trong cơn khát nước trầm trọng. Nhìn 7 sào lúa ST24 cỏ mọc um tùm, ông Sổ xót xa, bởi lúa là nguồn thu chính của gia đình. 

"Ngay từ đầu vụ, người dân sạ lúa xuống đồng đã thiếu nước, máy bơm của thôn hoạt động cả ngày lẫn đêm không đủ cung cấp nước, cỏ mọc cao gấp đôi lúa. Giờ lúa đang thời kỳ trổ bông mà thiếu nước coi như mất mùa", ông Sổ nói.

Tương tự, để cứu 2ha lúa, gần 3 tháng nay, kể từ ngày xuống giống, ông Vũ Ngọc Son, thôn Bình Giang gần như thức trắng để lấy nước vào ruộng. Ông Sơn cho biết, làm lúa nước từ đổ ải, gieo sạ đến mỗi đợt bón phân, thời kỳ lúa làm đòng… công đoạn nào cũng cần đủ nước nên ông phải dùng máy nổ để bơm nước. 

"Buồn nhất là cánh đồng được đầu tư kinh phí để làm cả con kênh lớn phục vụ điều tiết nước lại vô tác dụng. Mấy chục héc ta lúa rơi vào tình cảnh khô hạn, đe dọa “miếng cơm manh áo” của hàng chục hộ dân", ông Sơn cho hay.

Một lãnh đạo xã Buôn Chóah cho biết: Vụ đông xuân này, nông dân gieo sạ trên cánh đồng buôn Chóah khoảng 580ha. Đến thời điểm này, tình trạng thiếu nước đã cơ bản được khắc phục do người dân đã tự khắc phục bằng nhiều cách để cứu lúa. Người dùng máy bơm, người khoan giếng tìm đủ mọi cách đưa nước vào ruộng cho kịp thời vụ. 

Tuy nhiên, với trình trạng thiếu nước xảy ra nhiều ngày như thế này, chắc chắn vụ mùa năm nay, nông dân sản xuất lúa bị ảnh hưởng cả về chất lượng và sản lượng, thậm chí nhiều diện tích đối diện nguy cơ mất trắng. Địa phương chỉ hy vọng các cấp, ngành sớm xử lý dứt điểm để bà con ổn định sản xuất.

Những bất cập từ công trình trăm tỷ

Theo báo cáo, công trình thủy lợi xã Buôn Chóah, thuộc dự án nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi phòng chống hạn hán trên địa bàn tỉnh Đăk Nông có tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng, với công suất phục vụ sản xuất cho gần 600ha lúa, tại vùng trọng điểm lương thực xã Buôn Chóah. Trong đó, giai đoạn 1 là gần 170 tỷ đồng. 

Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đăk Nông là chủ đầu tư; Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Đường Việt, trụ sở tại Đà Nẵng tư vấn thiết kế công trình. Tuy nhiên, mới vận hành thử nghiệm, công trình đã thể hiện những bất cập, không phát huy tác dụng như mong đợi.

Ruộng lúa nứt toác vì thiếu nước
Ruộng lúa nứt toác vì thiếu nước

Ruộng nằm ngay gần trạm bơm số 1, xã Buôn Chóah, nhưng hơn 2ha lúa của gia đình ông Ma Tem, thôn Buôn Chóah vẫn bị thiếu nước. Ông Ma Tem chia sẻ: Nằm gần trạm bơm nên mọi năm, ruộng nhà luôn đủ nước. Còn năm nay, công trình thủy lợi lớn đưa vào vận hành thì lại thiếu nước. 

Sau khi người dân phản ánh, cuối tháng 1/2021 vừa qua, ngành chức năng tỉnh Đăk Nông đã phải họp khẩn cấp để xử lý vấn đề thiếu hụt nước trên cánh đồng này. Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế.

 Tại buổi kiểm tra, ông Yên khẳng định, có bất cập trong thiết kế và vận hành các trạm bơm tại xã Buôn Chóah, huyện Krông Nô, đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung khắc phục tình trạng thiếu nước, để sản xuất kịp thời vụ.

Sau đó, chủ đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đoàn kiểm tra rà soát nguyên nhân. Đối với hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự toán được thẩm định và phê duyệt đúng quy trình, đáp ứng mục tiêu và hiệu quả của dự án. Quá trình tổ chức thi công xây dựng, lắp đặt trạm bơm tuân thủ đúng hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, chỉ dẫn kỹ thuật đã được phê duyệt.

Theo số liệu đo đạc của các đơn vị liên quan và Công an tỉnh Đăk Nông thì, công trình tuyến kênh tưới tuân thủ theo hồ sơ thiết kế. Không có tình trạng công trình tại vị trí cuối kênh cao hơn đầu kênh. Nguyên nhân dẫn đến thiếu nước là do nhu cầu sử dụng nước của cây lúa cao hơn so với các cây hoa màu thông thường gấp 2,5 lần nên dẫn tới thiếu nước cục bộ tại các trạm bơm.

Tuy nhiên, theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô, lượng nước đầu vào các máy bơm không đảm bảo nên lưu lượng nước vào kênh nội đồng không đủ, không bằng các năm trước. Thiết kế đường dẫn chưa phù hợp, nếu đơn vị chủ đầu tư, đơn vị thi công không sớm điều chỉnh, khắc phục thì tình trạng thiếu nước vào cao điểm mùa khô (khoảng cuối tháng 3/2021) và các năm tiếp theo sẽ còn gay gắt, khốc liệt hơn.

Tin cùng chuyên mục
Dự án treo ở Vân Đồn (Quảng Ninh) - Hàng trăm hộ dân "đi cũng dở, ở không xong"

Dự án treo ở Vân Đồn (Quảng Ninh) - Hàng trăm hộ dân "đi cũng dở, ở không xong"

Đã gần chục năm nay, hàng trăm hộ dân chủ yếu là người DTTS ở xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đang phải sống trong cảnh "đi cũng dở, ở không xong" do nằm trong quy hoạch Khu công viên phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp. Theo thời gian, đặc biệt là ảnh hưởng cơn bão số 3, nhiều nhà cửa, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được tu sửa, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân địa phương.