Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Mường Khương mùa “khát” nước

Trọng Bảo - 15:53, 18/12/2020

Chưa bước vào mùa khô, nhưng nhiều xã biên giới trên địa bàn huyện Mường Khương (Lào Cai) đã phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Khi nguồn nước mạch trong lòng đất không đủ, thì nước mưa, nước từ khe núi trở thành nguồn nước quý giá được người dân dự trữ, sử dụng tiết kiệm để duy trì sinh hoạt...

Nhiều bể chứa nước ở Mường Khương hiện không có nguồn nước về bể
Nhiều bể chứa nước ở Mường Khương hiện không có nguồn nước về bể

Nhiều ngày nay, công việc đầu tiên trong buổi sáng của anh Sùng Seo Sừ, thôn Tả Gia Khâu, xã Tả Gia Khâu là đi lấy nước về phục vụ sinh hoạt cho gia đình. Phải mất vài cây số, anh Sừ mới tới được mạch nước chảy từ khe núi ra; do nhiều ngày trên địa bàn không có mưa nên mạch nước cũng chảy nhỏ giọt, phải mất hơn 30 phút anh mới hứng được đầy hai can nhựa.

“Tả Gia Khâu là vùng thiếu nước nhiều nhất của huyện Mường Khương, để có nước dùng, lâu nay bà con vẫn sử dụng nước mưa hứng từ mái nhà xuống bể chứa; nhưng nhiều ngày nay không có mưa nên các bể chứa cũng hết nước. Bây giờ phải vào tận khe núi hứng nước, nhưng cũng chỉ được ít thôi nên  phải dùng tiết kiệm, chủ yếu là để nấu ăn và vệ sinh cá nhân hàng ngày thôi”, anh Sừ cho biết.

Thiếu nước không chỉ ảnh hưởng tới đời sống của bà con Nhân dân trên địa bàn mà với các trường học tình trạng này còn khó khăn hơn nhiều lần do số học sinh và giáo viên đông nên nhu cầu sử dụng nước rất lớn. Tại trường THPT Dân tộc bán trú Tiểu học xã Tả Gia Khâu, bài học về thói quen tiết kiệm nước trong sinh hoạt luôn được thầy cô thường xuyên nhắc nhở học sinh. 

Để có nguồn nước sử dụng nhà trường cũng đã xây dựng một bể chứa nước mưa kích thước lớn, với hi vọng sẽ đảm bảo tối thiểu nguồn nước phục vụ sinh hoạt của thầy và trò. Tuy nhiên, do không có mưa nhiều ngày nay nên các bể chứa cũng dần cạn kiệt.

“Do học bán trú nên nhu cầu sử dụng nước của nhà trường là tương đối lớn. Những ngày này, để có nước sinh hoạt cho các em học sinh, nhà trường phải phối hợp với đoàn thanh niên xã, huy động các thầy cô đi lấy nước cách trường vài cây số. Tuy nhiên, cũng chỉ đủ nước để nấu ăn và phục vụ các em vệ sinh cá nhân nên rất khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày”, thầy Phùng Thế Tùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Khô hạn không chỉ thiếu nước sinh hoạt, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ sản xuất của bà con. Ông Hoàng Sảo Chấn, Phó chủ tịch UBND xã Tả Gia Khâu cho biết: Để tranh thủ sản xuất kịp thời vụ, đối với Tả Gia Khâu vào mùa hạn thì bất kể ngày, hay đêm khi có mưa, là bà con phải ra ruộng để cày bừa; tối thì soi đèn pin để đi cày. Mặc dù vậy, việc thiếu nước cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ mùa vụ, năng suất cây trồng.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, toàn huyện Mường Khương hiện có 10 thôn thuộc 4 xã, với tổng số 545 hộ và 5 trường học đóng trên địa bàn ở trong tình trạng thiếu nước phục vụ sinh hoạt vào mùa khô. Để khắc phục tình trạng này, huyện cũng đã đầu tư xây dựng 16 bể, với thể tích từ 200-500m3 để dự trữ nước. Tuy nhiên, theo ông Lê Ngọc Dương, Chủ tịch UBND huyện Mường Khương, mùa khô vào cao điểm số thôn bản thiếu nước sẽ nhiều hơn. Và khó khăn nhất đối với huyện, không phải là công trình nước mà là không có nguồn nước phục vụ đủ cho sinh hoạt, nói gì đến sản xuất.

“Biện pháp lâu dài thì buộc phải tăng tỉ lệ che phủ của rừng, hiện nay chúng tôi đang kêu gọi các doanh nghiệp, người dân tham gia trồng và mở rộng diện tích che phủ. Tuy vậy, cũng phải có thời gian dài thì mới giải quyết được, do địa hình ở đây khô hạn cây phát triển cũng rất chậm”, ông Dương nhấn mạnh.

Mùa khô hạn đang đến gần, lượng nước được dự trữ càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết. Nước được dự trữ cũng chỉ đảm bảo trong một thời gian sử dụng nhất định. Bởi thế, khi những cơn mưa khan hiếm; đồng nghĩa nguồn nước mạch cũng dần cạn kiệt. Người dân trên địa bàn huyện Mường Khương sẽ vẫn phải tiếp tục đối mặt với cuộc sống thiếu nước sinh hoạt trong thời gian dài.