Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Đăk Nông: Đề án bể bơi trường học đầu tư thiếu đồng bộ

Lê Hường-Quốc Phong - 09:41, 13/05/2020

Những năm gần đây, tình trạng trẻ em đuối nước ở Đăk Nông luôn ở mức cao, với hàng chục trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm. Trong khi đó, một đề án phòng chống đuối nước của địa phương này được triển khai từ năm 2017, nhưng hiện trong tình trạng “nửa nạc, nửa mỡ” và chưa sử dụng được.

Bể bơi Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân tại thị trấn Kiến Đức, huyện Đăk R’lấp khi hoàn thành không có hàng rào bảo vệ
Bể bơi Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân tại thị trấn Kiến Đức, huyện Đăk R’lấp khi hoàn thành không có hàng rào bảo vệ

Để hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ em, năm 2017, tỉnh Đăk Nông đã ban hành Quyết định số 1604/QĐ-UBND, ngày 12/10/2017 về kế hoạch xây dựng bể bơi trong các trường tiểu học công lập giai đoạn 2017 -2020, định hướng đến năm 2025. Mục tiêu tổng quát là, xây dựng bể bơi cho các trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, các trường tiểu học hạng II trở lên.

Thực hiện Đề án này, giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Đăk Nông bố trí 10 tỷ đồng để xây dựng 20 bể bơi; trong đó 4 bể bơi cố định và 16 bể bơi di động, phục vụ khoảng 40% học sinh toàn tỉnh sau khi hoàn thành chương trình tiểu học biết bơi. Tuy nhiên, điều đáng nói là, dù các bể bơi đã hoàn thành nhưng do đầu tư thiếu đồng bộ và chưa chuẩn bị đủ các điều kiện khiến bể bơi chưa thể đưa vào sử dụng được.

Đơn cử như công trình bể bơi của Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa. Theo một lãnh đạo nhà trường, công trình được khởi công năm 2018; nhưng mới bàn giao cho trường cách đây vài ngày. Gần 2 năm mới thi công xong nhưng khi bàn giao, công trình bể bơi không có hàng rào bảo vệ. Vì thế, nhà trường chưa dám tích nước, vì sợ xảy ra sự cố.

Tương tự, bể bơi Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân tại thị trấn Kiến Đức, huyện Đăk R’lấp, đã hoàn thành từ đầu năm học 2019-2020 trong trạng thái không có hàng rào bảo vệ. Nhà trường phải huy động xã hội hóa xây dựng hàng rào, mới đây bể bơi đã được tích nước chuẩn bị cho những buổi học bơi tập trung của học sinh.

Tuy nhiên, lại phát sinh ra tình huống là, giáo viên phụ trách môn thể dục, thể chất của trường chưa được đào tạo bài bản kỹ năng dạy bơi cho nhiều học sinh cùng lúc, nên dù đã đưa vào vận hành Ban Giám hiệu cũng như cán bộ nhân viên, giáo viên của trường vẫn còn nhiều băn khoăn.

Lãnh đạo một trường học được đầu tư bể bơi chia sẻ: Được đầu tư xây dựng bể bơi, chúng tôi rất mừng; mong đợi bể bơi hoàn thành đi vào hoạt động để giúp học sinh có những kỹ năng tốt phòng chống đuối nước. Nhưng khi bể bơi hoàn thành, bàn giao về nhà trường lại không thể vận hành ngay được, vì không bảo đảm an toàn cho học sinh, không có hàng rào bảo vệ xung quanh bể bơi.

Trong khi đó, nhà trường cũng chưa cắt cử được người trông coi hồ bơi khi không có tiết học. Giáo viên của trường thì cũng chưa được đào tạo bài bản để có khả năng dạy bơi cho nhiều học sinh cùng một thời điểm.

Thông tin của Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đăk Nông, theo kế hoạch của tỉnh, các bể bơi trong trường học được giao tiến độ hoàn thành trong năm 2018, chậm nhất là năm 2019. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 11/20 trường được bố trí vốn thực hiện, và chỉ có 2/11 bể bơi hoàn thiện, bàn giao đi vào sử dụng; 9 bể bơi còn lại chưa bàn giao đúng theo tiến độ.

Trong khi, đề án xây dựng bể bơi phòng chống đuối nước vẫn còn dở dang, thì tình trạng trẻ em đuối nước trên địa bàn tỉnh Đăk Nông vẫn liên tục xảy ra, nạn nhân đều là học sinh các cấp học. Theo số liệu thống kê của Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đăk Nông, trong 4 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 vụ đuối nước khiến 11 trẻ tử vong.

Tin cùng chuyên mục
Dự án treo ở Vân Đồn (Quảng Ninh) - Hàng trăm hộ dân "đi cũng dở, ở không xong"

Dự án treo ở Vân Đồn (Quảng Ninh) - Hàng trăm hộ dân "đi cũng dở, ở không xong"

Đã gần chục năm nay, hàng trăm hộ dân chủ yếu là người DTTS ở xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đang phải sống trong cảnh "đi cũng dở, ở không xong" do nằm trong quy hoạch Khu công viên phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp. Theo thời gian, đặc biệt là ảnh hưởng cơn bão số 3, nhiều nhà cửa, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được tu sửa, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân địa phương.