Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Đắk Phơi xưa và nay

Lê Hường - 18:56, 26/10/2022

Nằm nép mình dưới chân dãy núi Chư Yang Sin hùng vĩ, Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk từng là nơi hoạt động, che chở an toàn cho nhiều cán bộ cách mạng chủ chốt, đóng góp nhiều công sức, xương máu cho sự nghiệp kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khi chiến tranh đã lùi xa, Nhân dân Đắk Phơi tập trung sản xuất, phát triển kinh tế, đoàn kết xây dựng quê hương và bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc.

Đường sá sạch đẹp, giao thông đi lại thuận tiện
Đường sá sạch đẹp, giao thông đi lại thuận tiện

Già Y Thân Lông Dưng, tên thường gọi là Ama Phương, trú buôn Pai Ar là một trong những nhân chứng hiếm hoi của lịch sử xã Đắk Phơi. Ở tuổi ngoài 70, đôi mắt sáng ngời và trí nhớ của già còn minh mẫn đến lạ. Nhớ đến quá khứ hào hùng của những năm tháng gian khổ, chiến đấu ác liệt của quân và dân xã Đắk Phơi, già Ama Phương kể: Thời chiến tranh, đồng bào các dân tộc khu căn cứ Đắk Phơi ăn than thay muối, khoai, sắn khô, nhưng vận chuyển hàng tấn lương thực phục vụ kháng chiến. Có thời điểm, cái đói và bom đạn của quân xâm lược đã cướp đi mạng sống của hơn 1.000 người dân và cán bộ cách mạng tại xã Đắk Phơi. Thiếu thốn, gian khổ và đau thương là vậy, Nhân dân Đắk Phơi vẫn một lòng theo cách mạng, làm cách mạng đến cùng. Năm 1977 xã Đắk Phơi được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, ghi nhận sự hy sinh to lớn của quân và dân Đắk Phơi trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước…

Bây giờ Đắk Phơi khác nhiều rồi! Đồng bào Mnông trên vùng quê nghèo xác xơ vì bom đạn năm xưa đang từng ngày thay da đổi thịt, cơ sở vật chất khang trang, cuộc sống ngày càng ấm no, tiến bộ. Người dân có đường đẹp để đi, có điện thắp sáng và nước sạch để dùng. Nhà nào cũng có xe máy đi rẫy, ti vi xem thời sự, thời tiết và học tập kinh nghiệm sản xuất để trồng cà phê, kết hợp với chăn nuôi phát triển kinh tế.

Ông Y Bang Liêng Hót (bên trái) chia sẻ về nỗ lực của chính quyền và Nhân dân Đắk Phơi trong kháng chiến cũng như thời bình
Ông Y Bang Liêng Hót (bên trái) chia sẻ về nỗ lực của chính quyền và Nhân dân Đắk Phơi trong kháng chiến cũng như thời bình

Chứng kiến cả quá trình từ gian khổ, hy sinh trong thời chiến đến những thăng trầm đời sống của Nhân dân sau hòa bình, ông Y Bang Liêng Hót (SN 1959), trú buôn Pai Ar chia sẻ: để có được những kết quả như ngày hôm nay, người dân và chính quyền địa phương đã nỗ lực, cố gắng rất nhiều. Ngoài việc hoàn thiện cơ sở vật chất thì cán bộ địa phương ngày càng được trẻ hóa, có trình độ, năng lực và tiếp thu nhiều khoa học - kỹ thuật hiện đại để áp dụng vào sản xuất của người dân. Từ đó, giúp cho cuộc sống của Nhân dân ngày càng ổn định và phát triển.

Nếu như trước đây, người dân địa phương chỉ sản xuất cây lúa nước thì ngày nay bà con đã đa dạng hóa cây trồng, thâm canh trên diện tích nông nghiệp của mình. Đặc biệt, bà con từng bước ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất cây trồng, chăm sóc vật nuôi hiệu quả.

Đồng bào Mnông Gar xã Đắk Phơi tổ chức Lễ kết nghĩa anh em
Đồng bào Mnông Gar xã Đắk Phơi tổ chức Lễ kết nghĩa anh em

Nhờ biết áp dụng khoa học - kỹ thuật chăm sóc cây cà phê mà vườn cây lâu năm của gia đình ông Y Hằng Liêng Hót ở buôn Năm vươn mầm xanh, quả sai trĩu cành. Ông Y Hằng cho biết: Nhà tôi có 1,2ha cà phê 25 năm tuổi, cà phê già cỗi cộng với chăm sóc không đúng kỹ thuật nên cây kém phát triển, năng suất thấp. Tham gia các lớp tập huấn, được hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật, vườn cà phê của ông dần được phục hồi, sinh trưởng và phát triển mạnh. Năng suất cà phê tăng lên gấp 2 - 3 lần, năm nay mưa thuận gió hòa dự kiến vườn cà phê thu khoảng 6 - 7 tấn.

Chính quyền và Nhân dân đồng sức, đồng lòng cùng sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước về giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sạch, điện thắp sáng và các chương trình an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo… nên bộ mặt nông thôn khởi sắc, cuộc sống của người dân no ấm, đủ đầy.

Ông Y Ngoan Buôn Dáp, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đắk Phơi cho hay, thời gian qua, xã Đắk Phơi đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, xây dựng và ngày càng hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất. Đến nay, 9 buôn trong xã đã có điện thắp sáng; đường giao thông từ trung tâm xã vào các buôn từng bước được khang trang, thuận lợi cho việc sản xuất, đi lại của người dân. Toàn xã có 4 trường học (1 trường mẫu giáo, 2 trường tiểu học và 1 trường THCS). Tỷ lên hộ nghèo trên 70% nay giảm xuống còn gần 40%. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản, xây dựng và thương mại - dịch vụ năm 2021, đạt 146,66 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/người/năm.

Đồng bào Mnông xã Đắk Phơi bước vào mùa thu hoạch cà phê
Đồng bào Mnông xã Đắk Phơi bước vào mùa thu hoạch cà phê

Không những cùng nhau xây dựng kinh tế mà đồng bào dân tộc Mnông còn bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Hiện trên địa bàn xã còn lưu giữ văn hóa cồng chiêng, các nghi lễ, lễ hội truyền thống đặc trưng của người Mnông như Lễ kết nghĩa anh em, Lễ mừng thọ, Lễ cúng lúa mới… vẫn được bà con tổ chức thường xuyên.

Xã Đắk Phơi là xã khu vực III, có 11 buôn là đồng bào DTTS. Toàn xã hiện có 1.548 hộ với 7.413 nhân khẩu, trong đó có 95% là đồng bào DTTS, chủ yếu dân tộc Mnông. Được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, đồng bào các DTTS Đắk Phơi đoàn kết một lòng xây dựng quê hương. Đến nay, xã có đường bê tông, nhựa đến tận các thôn, bon phục vụ việc đi lại cho Nhân dân. Hệ thống điện lưới quốc gia vươn dài theo những triền đồi đến tận các bon làng xa xôi. Trường học khang trang, trẻ em nô nức đến trường. Trạm y tế xã có bác sĩ túc trực để khám, chữa bệnh kịp thời cho đồng bào. Khoa học - kỹ thuật được triển khai đến tận thôn buôn giúp các hộ dân áp dụng vào sản xuất, nâng cao đời sống.

Tin cùng chuyên mục
Người dân ở Yang Tao mong một công trình nước sạch

Người dân ở Yang Tao mong một công trình nước sạch

Nhiều năm qua, hàng trăm hộ đồng bào dân tộc Mnông ở xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là vào mùa khô. Năm nay, tình trạng thiếu nước càng trầm trọng hơn, hầu hết người dân phải đến con suối cách nhà hàng cây số chở từng bình, can nước về sử dụng.