Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Đổi thay dưới chân núi Pêng Ơi

H. Đại - P. Nguyên - 11:52, 09/10/2022

Trải qua quá trình phát triển và hội nhập, đồng bào Gié Triêng dưới chân núi Pêng Ơi, xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Bên cạnh đó, đồng bào luôn nỗ lực phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống, xây dựng quê hương ngày một phát triển.

Già làng A Tài (ngồi giữa) kể lại sự tích núi Nồi Cơm
Già làng A Tài (ngồi giữa) kể lại sự tích núi Nồi Cơm

Ngọn núi thiêng của người Gié Triêng

Vượt qua quãng đường gập ghềnh và quanh co, chúng tôi đến với xã biên giới Đăk Plô khi trời đã chập choạng tối, cùng với những cơn mưa phùn làm cho thời tiết thêm lạnh hơn. Theo chân cán bộ Đồn Biên phòng Đăk Plô, chúng tôi tìm đến nhà già làng A Tài ở làng Bung Tôn. Ông là người am hiểu nhiều về những giá trị văn hóa của đồng bào Gié Triêng nơi đây. 

Bên bếp lửa bập bùng, già làng A Tài kể về sự tích của núi Nồi Cơm (theo tiếng Gié Triêng là Pêng Ơi): Truyền thuyết kể lại rằng, xưa kia, đất đai vùng này rất trù phú, dân làng ai cũng chăm chỉ lên rẫy, thóc lúa lúc nào cũng đầy kho. Một hôm, có gia đình nọ đang gặt lúa thì người mẹ nói với đứa con gái về nhà nấu cơm mang ra ruộng cho cả nhà cùng ăn trưa. Người mẹ căn dặn cô gái, chỉ nấu nửa hạt gạo thôi là đủ, vì nửa hạt gạo khi ấy có thể bung ra cả một nồi cơm to. 

Trở về nhà được nửa đường, cô gái bất ngờ gặp phải một con vật lạ chạy ngang qua đường, vì hoảng sợ nên cô gái quên cả lời mẹ dặn. Cô gái chạy ngược lại lên rẫy lúa để hỏi lại mẹ. Mẹ cô gái dặn đi dặn lại là chỉ nấu nửa hạt gạo thôi là đủ. Quay trở về được nửa đường, cô gái lại gặp tiếp con vật lạ ban nãy rồi lại hoảng quá nên tiếp tục lại quên lời mẹ dặn. 

Cô gái lại quay lên rẫy hỏi mẹ. Lúc này, người mẹ tỏ ra giận dỗi quát con: “Muốn nấu bao nhiêu thì tùy”. Cô gái lủi thủi trở về nhà rồi cho cả lon gạo vào nồi để nấu cơm. Những hạt gạo nấu lên cứ bung mãi, bung mãi lên đến tận trời cao. Sợ nồi cơm sẽ làm ảnh hưởng đến mình nên ông trời đã sai thần sét đánh gãy cột cơm ra làm 3 khúc trở thành Pêng Ơi, Pêng Ay và Pêng Hu ngày nay. Đồng bào Gié Triêng ở đây luôn xem ngọn núi Pêng Ơi là linh hồn, là núi thiêng.

Đồng bào Gié Triêng thu hoạch lúa
Đồng bào Gié Triêng thu hoạch lúa

Ấm no nhờ cây lúa

Bao đời nay, dưới chân núi Nồi Cơm, đồng bào Gié Triêng vẫn đang miệt mài chăm sóc cây lúa nước để đảm bảo lương thực; trên nương rẫy thì trồng cây mì, cây bời lời, cây cà phê. Hiện toàn xã có gần 200 ha lúa nước, với giống lúa địa phương là chủ yếu và một số ít giống lúa lai. Đồng bào Gié Triêng canh tác lúa nước chỉ một vụ trong năm, tuy nhiên với điều kiện đất đai phì nhiêu nên năng suất lúa rất cao và đảm bảo lương thực cho bà con trong một năm - già làng A Do, làng Bung Kon, xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei chia sẻ.

Lúa là nguồn lương thực chính nên đồng bào Gié Triêng ở xã Đăk Plô rất quý trọng. Vì vậy, việc cất giữ lúa sau khi thu hoạch cũng được bà con nơi đây làm theo cách riêng, đó là làm kho cất giữ ở gần ruộng. 

Già làng A Tài, làng Bung Tôn cho biết: kho thường có 4 hoặc 6 trụ được chọn loại gỗ rất chắc, mối mọt khó làm hư hỏng, dưới các trụ của kho lúa thường có các vòng tròn lớn làm bằng gỗ nhằm ngăn cản chuột tiếp cận kho lúa. Trước đây, kho lúa được lợp bằng tranh và bốn vách được dừng bằng tấm đan do bà con dùng cây nứa để đan lại hoặc bằng gỗ; ngày nay, do tranh và gỗ, nứa đã ít đi nên bà con làm mái bằng tôn và vách cũng dừng bằng tôn nhưng ý nghĩa về kho lúa vẫn không thay đổi.

Kho lúa của đồng bào Gié Triêng dưới chân núi Nồi Cơm
Kho lúa của đồng bào Gié Triêng dưới chân núi Nồi Cơm

Xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei có 4 thôn, 444 hộ, gần 100% là đồng bào Gié Triêng sinh sống. Ngoài việc gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, những năm qua, với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, đồng bào Gié Triêng ở xã Đăk Plô đã nỗ lực lao động, sản xuất nâng cao đời sống. 

Ngoài trồng lúa nước, đồng bào nơi đây còn chuyển đổi những diện tích đất rẫy trồng mì sang trồng cây cà phê, bời lời, cây dược liệu. Đến nay, toàn xã có 130 ha cà phê, 135 ha bời lời, 7 ha sâm dây. Ông A Thẳng, ở thôn Đăk Boók cho hay: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến bà con bằng nhiều chính sách như, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và đào tạo nghề giải quyết việc làm, nên kinh tế của bà con đã có sự phát triển nhiều, không còn nghèo khó như trước.

Theo chị Y Gia, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đăk Plô, hiện 4/4 thôn trên địa bàn xã, đều thành lập tổ liên kết trồng sâm dây, với diện tích gần 7 ha. Tham gia các tổ liên kết trồng sâm dây hầu hết là chị em hội viên, mỗi chị trồng ít nhất là 5 sào. Cây sâm dây phù hợp với khí hậu và thỗ nhưỡng ở đây nên phát triển rất tốt, cho thu nhập cao. Nhờ đó, đời sống của chị em từng bước nâng lên và nhiều chị đã thoát được nghèo.

Đồng bào Gié Triêng còn trồng cà phê tăng thêm thu nhập
Đồng bào Gié Triêng còn trồng cà phê tăng thêm thu nhập

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, sự điều hành của chính quyền địa phương, những năm qua, xã Đăk Plô đã có sự đổi thay rõ rệt. Bà con đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết cách trồng cây cà phê, cây ăn trái và cây dược liệu. Bên cạnh đó, bà con cũng quan tâm giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, "hiện 4/4 thôn đều có nhà rông văn hóa và đội cồng chiêng, múa xoang", bà Y Nghệ, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Plô cho biết.

Đến với xã Đăk Plô,bên cạnh những ruộng lúa xanh mướt là những con đường bê tông trải dài ở các thôn, làng và nhưng ngôi nhà xây san sát nhau, cho thấy cuộc sống của đồng bào Gié Triêng nơi đây đã và đang đổi thay từng ngày.
Tin cùng chuyên mục
Chuyện ở thung lũng nóc Ông Đến

Chuyện ở thung lũng nóc Ông Đến

Nóc Ông Đến là tên người dân gọi thân thương về nơi ở của mình. Còn gọi theo tên hành chính là tổ 4, thuộc thôn 2, xã Trà Giang, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi). Nóc Ông Đến như một một thung lũng nằm biệt lập giữa rừng xanh, nơi đây có 14 nóc nhà, với hơn 60 nhân khẩu là đồng bào Co sinh sống hòa mình với núi rừng.