Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đánh thức di sản văn hoá giữa cộng đồng

Hồng Minh - 11:05, 15/03/2021

Qua nhiều cuộc khảo sát cho thấy, những năm gần đây, di sản văn hóa truyền thống ở nhiều cộng đồng chỉ còn rất ít người nắm giữ. Vì thế, làm thế nào để di sản được hồi sinh, để gìn giữ, trao truyền và phát triển là vấn đề cấp bách không chỉ của các nhà quản lý văn hóa, mà là trách nhiệm, trăn trở của chính cộng đồng đang nắm giữ di sản.

Thế hệ trẻ ở làng Mơ H'ra, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai biểu diễn di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
Thế hệ trẻ ở làng Mơ H'ra, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai biểu diễn cồng chiêng

Kết nối di sản với giới trẻ

Một trong những giải pháp được xem là bền vững, chính là làm cho di sản văn hoá sống lại giữa cộng đồng để thu hút giới trẻ. Dựa trên thực tế đó, hiện nay đã có nhiều địa phương xây dựng hoạt động gắn kết di sản với giới trẻ, để giới trẻ quan tâm đến di sản văn hóa.

Âm nhạc cồng chiêng từng là một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân làng Mơ H'ra, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Dù biết rằng mình nắm giữ báu vật bao đời truyền lại, nhưng cộng đồng ở đây cũng đối mặt với nhiều thử thách trong việc duy trì di sản này.

Được biết, tháng 12/2018,trong khuôn khổ Dự án Di sản kết nối - một dự án di sản văn hóa hướng đến sự phát triển đồng đều của Hội đồng Anh, các chuyên gia về di sản văn hóa đến từ Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia (VICAS) và các tổ chức khác đã triển khai chuỗi tập huấn về nhận diện giá trị của di sản văn hóa phi vật thể trong bối cảnh ngày nay. Buổi tập huấn có sự tham gia của 20 thành viên cộng đồng làng Mơ H’ra và đại diện cơ quan quản lý văn hóa cấp xã và huyện.

Tại đây, Dự án đã thành lập Câu lạc bộ làm phim để các em nhỏ có thể kể câu chuyện về di sản của dân tộc mình qua ảnh. Dự án mang đến cho giới trẻ cơ hội tìm hiểu về di sản và thêm tự hào về bản sắc văn hoá dân tộc của mình. Qua những câu chuyện được kể bằng ảnh, những người trẻ trong làng cũng biết thêm về truyền thống của dân tộc. Khi các bạn trẻ kể câu chuyện về di sản của làng mình, các em hiểu rõ hơn về nét đẹp, giá trị di sản qua bao đời.

Đặc biệt, tại làng Mơ H’ra, một đội cồng chiêng nhí đã được thành lập và hoạt động rất hiệu quả. Với 40 thành viên ở độ tuổi từ 5-7 tuổi, đều là con em đồng bào dân tộc Ba Na. Đây cũng là đội chiêng nhí đặc sắc của tỉnh Gia Lai, tham gia biểu diễn ở nhiều nơi và đạt được nhiều giải thưởng cao, được đông đảo du khách gần xa yên mến.

Dù chưa thật điêu luyện như các bậc nghệ nhân hay anh chị lớn tuổi, nhưng tin rằng, trong tương lai, chính các em sẽ là chủ nhân của “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, để âm vang đại ngàn còn mãi với thời gian.

Hay tại Ninh Thuận, Dự án Di sản kết nối cũng đã thành lập Câu lạc bộ làm phim, tổ chức chuỗi Workshop làm phim dành cho trẻ em tại làng Bỉnh Nghĩa, do cán bộ Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam và nhóm các nhà làm phim độc lập thực hiện.

Sau khi làm quen với các kỹ thuật làm phim cơ bản, các em nhỏ sẽ ghi lại những hoạt động tương tác của cộng đồng, với di sản âm nhạc Chăm trong cuộc sống hằng ngày: Các hành động, đối thoại và diễn biến không có kịch bản trước. Sau đó, chính các em nhỏ sẽ sử dụng các phần mềm dựng phim để hoàn thiện các bộ phim. Các tác phẩm này sẽ là một bức tranh sống động và chi tiết về đời sống, về những sinh hoạt văn hoá của đồng bào Chăm làng Bỉnh Nghĩa.

Những bước đi chắc chắn

Ông Cao Trung Vinh, điều phối Dự án Di sản kết nối nhận định, hiện nay, kết nối giới trẻ không chỉ ở trong không gian làng, mà có nhiều phương tiện truyền thông hiện đại hấp dẫn hơn, vì thế, phải có cách tiếp cận mới, góc nhìn khác để đưa di sản tới giới trẻ. Đó là ảnh, là phim, câu lạc bộ giao lưu, thực hành di sản… Các bạn trẻ học âm nhạc không nhất thiết phải thực hành được, mà đôi khi chỉ hiểu, từ đó thêm yêu và có thể tham gia bảo tồn, lưu giữ bản sắc của dân tộc mình, cộng đồng mình.

Tại Hà Nội, nhiều hoạt động giáo dục di sản cũng đã được triển khai hiệu quả dưới nhiều hình thức. “Em làm nhà khảo cổ”, “Em tìm hiểu di sản Hoàng Thành Thăng Long”,… là những hoạt động kết nối với tuổi trẻ học đường của mạng lưới các trường học tại Thủ đô. Năm 2019, đã có hơn 120.000 lượt học sinh tham quan, học tập tại Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Di sản văn hóa thế giới, trong đó có gần 30.000 lượt tham gia chương trình theo phương pháp mới. Tại đây, các em được học mà chơi, chơi mà học, chủ động khám phá, tìm hiểu di sản thông qua các hoạt động tương tác, trải nghiệm… Qua đó, gieo tình yêu di sản một cách bền vững.

Theo Thạc sĩ Hoàng Diệu Thúy, chuyên gia về di sản văn hóa, Văn phòng UNESCO Hà Nội: Giới trẻ là chủ nhân của những thay đổi bền vững, phải được học từ rất sớm về sự quan trọng của di sản trong việc định hình xã hội, và làm thế nào để phản ánh những hiểu biết của họ tới sự phát triển bền vững của xã hội. 

"Giáo dục di sản không đơn thuần là giáo dục về các di tích, di chỉ, di sản. Đó còn là định hướng khuyến khích sự tham gia của giới trẻ vào việc xây dựng các kỹ năng phản ánh, phản biện, nhằm tạo ra liên kết giữa di sản và cuộc sống hôm nay", chuyên gia về di sản văn hóa Hoàng Diệu Thuý nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.