Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Đánh thức tiềm năng du lịch nông nghiệp ở Si Ma Cai

Đức Bình - 05:26, 23/11/2023

Thời gian qua, việc xây dựng các sản phẩm du lịch trải nghiệm vùng đồng bào DTTS tại huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai đã và đang mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân. Trung bình 2 năm gần đây, lượng khách du lịch đến huyện Si Ma Cai đạt hơn 50.000 lượt với doanh thu hơn 10 tỷ đồng.

Mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp mang lại thu nhập hiệu quả cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Si Ma Cai
Mô hình du lịch nông nghiệp mang lại thu nhập hiệu quả cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Si Ma Cai

Là huyện nghèo của tỉnh Lào Cai, Si Ma Cai có hơn 80% dân số là dân tộc Mông. Vì thế Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) được triển khai sẽ là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy huyện vùng cao này vươn lên phát triển.

Hiện tổng diện tích cây ăn quả ôn đới trên địa bàn huyện Si Ma Cai là hơn 1.300 ha. Trong đó gần 70% diện tích tập trung chủ yếu tại xã Lùng Thẩn và Quan Hồ Thẩn. Giai đoạn 2021 - 2022, huyện đã giải ngân hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ người dân trồng, chăm sóc, cải tạo diện tích cây ăn quả ôn đới trên địa bàn 2 xã gắn với phát triển du lịch sinh thái.

Gia đình anh Tráng Seo Mua (dân tộc Mông) ở thôn Lao Chải, xã Quan Hồ Thẩn trồng lê VH6 từ năm 2017 với diện tích 2 ha. Sau 5 năm, vườn cây lê của gia đình anh sinh trưởng tốt và đã cho thu hoạch quả, giúp gia đình có thu nhập ổn định. Thời gian qua, được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, gia đình anh Mua tích cực chăm sóc vườn cây ăn quả và mở một số dịch vụ theo hướng du lịch nông nghiệp. Từ các nguồn lực hỗ trợ, gia đình anh Mua cải tạo không gian, đầu tư làm một số tiểu cảnh, đường vào vườn cây ăn quả và trồng thêm hoa để tạo sức hút đối với du khách.

Đến nay, vườn lê của gia đình anh Mua đã có rất nhiều người biết đến. Không chỉ người dân địa phương mà du khách ngoài tỉnh cũng đến tham quan, trải nghiệm. Từ thu hoạch quả và kết hợp làm du lịch, gia đình anh Mua có nguồn thu hơn 100 triệu đồng mỗi năm.

Anh Mua chia sẻ: Sau khi đã có thu nhập, sắp tới anh sẽ tập trung cải tạo vườn cây ăn quả, đầu tư thêm tiểu cảnh, tạo điểm check-in để ngày càng thu hút nhiều người đến tham quan, trải nghiệm.

Lễ hội Hoa lê trắng lần thứ 2 ở thôn Lao Chải, xã Quan Hồ Thẩn
Lễ hội Hoa lê trắng lần thứ 2 ở thôn Lao Chải, xã Quan Hồ Thẩn

Xã Quan Hồ Thẩn có hơn 390ha cây ăn quả , đây là tiềm năng để khai thác phục vụ phát triển du lịch. Để tận dụng thế mạnh này, UBND xã Quan Hồ Thẩn đã tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ người dân đầu tư chăm sóc, mở rộng diện tích cây ăn quả gắn với phát triển mạnh mô hình du lịch nông nghiệp. Giai đoạn 2021 - 2022, xã đã hỗ trợ các hộ trồng mới và cải tạo 20 ha cây ăn quả ôn đới (chủ yếu là lê và mận Tả Van), tập trung tại thôn Lao Chải. Bên cạnh đó, các hộ còn được hỗ trợ 4 tấn phân bón, 20 máy cắt cỏ cầm tay, 27 bộ dụng cụ cắt tỉa cành, tạo tán nhằm nâng cao năng suất và chất lượng các loại cây ăn quả ôn đới.

Trong 2 năm gần đây, UBND xã đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức Lễ hội hoa lê trắng tại thôn Lao Chải thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm. Năm 2023, tổng lượng khách du lịch tham gia lễ hội là hơn 3.200 lượt người, tăng 500 lượt so với năm 2022. Đặc biệt là lượng du khách ngoài tỉnh đến xã tăng mạnh, với hơn 900 lượt người.

Tại Si Ma Cai, việc xây dựng các sản phẩm du lịch trải nghiệm tại vùng đồng bào DTTS đã và đang mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân. Trung bình 2 năm gần đây lượng khách du lịch đến huyện Si Ma Cai đạt hơn 50.000 lượt với doanh thu hơn 10 tỷ đồng. Chính vì vậy, UBND huyện Si Ma Cai đã tăng cường chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với chặt chẽ với các xã triển khai giải ngân nguồn vốn hỗ trợ từ các Chương trình MTQG 1719 để thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp.

Mô hình du lịch nông nghiệp tại Si Ma Cai thu hút khách tham quan
Mô hình du lịch nông nghiệp tại Si Ma Cai thu hút khách tham quan

Ông Trương Văn Tiến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai cho biết: Thực tế cho thấy, du lịch nông nghiệp trên địa bàn huyện dù mới hình thành được vài năm gần đây nhưng đã đạt nhiều kết quả đáng mừng, mang lại lợi ích kép, vừa giúp du khách có nhiều trải nghiệm mới lạ vừa tạo việc làm, tiêu thụ nông sản, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Bên cạnh việc triển khai nguồn vốn hỗ trợ phát triển mô hình trồng cây ăn quả ôn đới gắn với phát triển du lịch, huyện Si Ma Cai cũng tập trung triển khai Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình MTQG 1719. Theo đó, huyện sẽ tiến hành triển khai bảo tồn Lễ hội cúng rừng của người Nùng, hỗ trợ phát triển các đội văn nghệ truyền thống, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống... góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.