Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Du lịch

Dấu ấn Bình Liêu

Uyển Nhi - 17:34, 13/09/2022

Bình Liêu là một địa điểm đang ngày càng thu hút du khách đến tham quan, khám phá và trải nghiệm tại Quảng Ninh. Với địa hình núi cao nhiều phong cảnh tự nhiên tuyệt đẹp và cuộc sống tràn ngập màu sắc văn hóa của đồng báo các dân tộc thiểu số Tày, Dao, Sán Chỉ… tạo nên một điểm đến vô cùng hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.

Dấu ấn Bình Liêu

Thời điểm ghé thăm Bình Liêu

Bình Liêu mùa nào cũng đẹp. Nếu bạn đến vào mùa Xuân từ tháng 1 đến tháng 3 lúc này hoa trẩu nở rực rỡ, tuyệt đẹp. Bên cạnh đó bạn còn có cơ hội trải nghiệm không khí lễ hội sôi động của đồng bào các dân tộc như: Lễ hội Đình Lục Nà diễn ra từ 16-18 tháng Giêng, Hội hát Soóng Cọ giao duyên vào ngày 16/3 âm lịch, ngày Hội “Kiêng gió” diễn ra vào ngày 4/4 âm lịch.

Mùa hè ở Bình Liêu mát mẻ, bạn sẽ được khám phá những thác nước trắng xóa giữa núi rừng tạo nên một phong cảnh vô cùng hùng vĩ, nên thơ.

Nếu đến đây vào cuối tháng 7 và tháng 10, bạn sẽ được chiêm ngưỡng các thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng rực rỡ nổi bật giữa màu xanh của núi rừng.

Tháng 10-11 là mùa cỏ lau ở Bình Liêu, khắp các cung đường cỏ lau trắng xóa, trải dài bất tận tạo nên vẻ đẹp vô cùng nên thơ, lãng mạn. 

Khi mùa Đông về, vào thời điểm tháng 12 và tháng 1 hàng năm cũng là lúc mùa hoa Sở nở rộ ở miền đất vùng cao Bình Liêu, điểm nhấn của mùa hoa sở chính là Hội hoa sở được tổ chức thường niên với nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn. Nếu bạn đến vào thời điểm này trên những cánh rừng, bản làng, hay bất cứ nơi đâu đều bạt ngàn một màu trắng tinh khôi của loài hoa sở tạo nên một bức tranh thơ mộng, lãng mạn. Đến đây vào mùa Đông, nếu may mắn bạn có thể săn băng tuyết trên đỉnh Bình Liêu.

Dấu ấn Bình Liêu 1

Phương tiện đi lại

Khoảng cách từ Hà Nội tới Bình Liêu là khoảng 280km. Bạn có thể đi xe khách và các phương tiện các nhân khác. Nếu bạn đi bằng ôtô, theo hướng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn, đi tiếp theo hướng Quốc lộ 18 và 18C là đến Bình Liêu.

Nếu đi bạn đi xe máy thì theo lộ trình Hà Nội - Quốc lộ 1 - Quốc lộ 18, qua Quế Võ (Bắc Ninh) - Phả Lại - Sao Đỏ - Đông Triều (Quảng Ninh) - Uông Bí - Hạ Long - Cầu Bãi Cháy - Cẩm Phả - Cửa Ông - Mông Dương - Tiên Yên - Ngã 3 Tiên Yên rẽ trái sang Quốc lộ 18C, đi về hướng Hoành Mô thêm khoảng 28km là đến nơi.

Sau khi tới Bình Liêu, bạn có thể thuê xe máy để có thể khám phá các địa điểm du lịch tại đây.

Dấu ấn Bình Liêu 2

Địa điểm lưu trú

Các khách sạn ở Bình Liêu tập trung chủ yếu ở khu vực thị trấn. Bạn có thể lựa chọn một số khách sạn, nhà nghỉ như: Khách sạn Bình Sơn, khách sạn Bình Liêu Palace, nhà nghỉ Hòa Yến, nhà nghỉ Bốn Mùa…

Bên cạnh những khách sạn hay nhà nghỉ, nếu muốn cảm nhận rõ nét hơn cuộc sống, tập tục và văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây bạn có thể lưu trú ở homestay như homestay A Dào, A Píu, homestay Sông Mooc House, homestay Hoàng Sằn, Sông Moóc… cũng là một trải nghiệm thú vị.

Dấu ấn Bình Liêu 3

Những điểm tham quan nổi tiếng tại Bình Liêu

Sống lưng khủng long và Cột mốc 1305: Đây là cột mốc thuộc đường tuần tra biên giới tọa lạc ở điểm cao nhất của Quảng Ninh. Để đến được đây bạn phải đi qua con đường được ví như “sống lưng khủng long” dài hơn 2km. Đường đi khá dốc, có nhiều đoạn dựng đứng, 2 bên là vực sâu thách thức những người chinh phục. Tuy nhiên, khi đến nơi bạn sẽ ngỡ ngàng vì cảnh quan nơi đây tuyệt đẹp xứng đáng để bạn chinh phục.

Cột mốc 1297 và “thiên đường” cỏ lau lãng mạn: Cột mốc 1297 nằm ở xã Lục Hồn, cách trung tâm huyện Bình Liêu 30km. Cung đường không quá xa nhưng uốn lượn, đến đây vào tháng 10 và tháng 11 hàng năm bạn sẽ được tận hưởng cả một “thiên đường” cỏ lau vô cùng lãng mạn. Dọc cung đường, bạn sẽ thấy những đồng cỏ lau vào mùa đẹp như tranh vẽ, trải dài bất tận. Còn gì tuyệt vời hơn khi được vi vu và thả mình giữa những cánh đồng ngút ngàn và ghi lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp này.

Thác Khe Vằn: Khe Vằn bắt nguồn từ tiếng đồng bào quen gọi, vằn là khói, Khe Vằn là khe nước có khói. Thác Khe Vằn bắt nguồn từ dãy Khe Vằn thuộc độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, được coi là một thác nước lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh. Với độ cao con thác lên tới gần 100m, từ trên cao, dòng nước ào ào đổ xuống mạnh mẽ, bọt tung trắng xóa, tạo thành những con nước li ti mềm mại như khói. Nắng chiếu lung linh, huyền ảo, khiến cho không gian núi rừng đẹp như một bức tranh.

Và bức tranh thiên nhiên ấy cũng đẹp theo sắc thái của từng mùa. Mùa mưa, nước cuồn cuộn tuôn trào, chảy xối xả khiến cho không gian núi rừng thêm hùng vĩ, rộng lớn, khoáng đạt. Mùa khô, dòng thác hiền hòa như một bản tình ca của núi. Mỗi tầng thác lại mang một vẻ đẹp khác nhau.

Núi Cao Ly có 8 đỉnh núi cao hơn 1.000m so với mực nước biển, trong đó cao nhất là đỉnh Cao Xiêm với 1.429m. Nơi đây có tài nguyên rừng phong phú, là khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn nên khí hậu rất trong lành, mát mẻ. Núi Cao Ly có những khu vực săn mây và cắm trại tuyệt vời dành cho du khách.

Nếu bạn đến núi Cao Ly từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8, men theo những ngả đường lên núi Cao Ly, hoa mua bung nở tím ngắt trên khắp các vạt đồi, vô cùng lãng mạn, làm say đắm lòng người.

Dấu ấn Bình Liêu 4

Bản Sông Mooc: Bản Sông Mooc nằm trên sườn hệ thống núi Phiêng Chè-Cao Ba Lanh, thuộc xã Đồng Văn. Nằm độ cao trên 1000m, toàn bộ bản được bao bọc bởi núi cao, mây phủ, chập chùng ruộng bậc thang, thấp thoáng những ngôi nhà truyền thống của đồng bào và thác nước hiền hòa xa xa... Cảnh quan trong lành, yên bình, hoang sơ đặc trưng này, được du khách, ví là "Sa Pa thu nhỏ". Bản Sông Mooc là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Dao với những nét văn hóa và tập tục truyền thống đặc sắc chắc chắn sẽ là điểm đến thu hút bạn khi ghé thăm.

Đình Lục Nà: Đây là ngôi đình cổ ở Bình Liêu. Đình được xây dựng từ thời Hậu Lê và thờ tướng quân Hoàng Cần, một vị anh hùng có công lao lớn trong việc bảo vệ vùng đất này thời bấy giờ. Ông góp sức đánh bại giặc phương Bắc đến xâm lăng nước ta. Hàng năm, cứ vào dịp 16 tháng Giêng Đình Lục Nà lại mở hội tưởng nhớ công lao của Ông.

Chợ phiên Bình Liêu: Trước đây, Chợ phiên truyền thống ở Bình Liêu thường họp vào những ngày lẻ trong tháng ba âm lịch hàng năm. Ngày nay, do điều kiện kinh tế của nhân dân trong vùng ngày càng phát triển, nhu cầu mua bán nhiều hơn nên chợ tổ chức họp thường xuyên vào các ngày chủ nhật hàng tuần. Đây là nơi giao lưu, trao đổi, mua bán hàng hóa của đồng bào 5 dân tộc anh em sống trên địa bàn 7 xã, thị trấn trong toàn huyện và cả cư dân lân cận nước láng giềng.

Chợ được chia thành nhiều khu khác nhau như khu ăn uống, bãi bán gia súc, giá cầm, bán hàng nông sản của địa phương...Đến chợ ngoài mua bán hàng hóa cần thiết, bạn còn được gặp gỡ, trò chuyện, thưởng thức các món ăn đặc sản của đồng bào nơi đây.

Dấu ấn Bình Liêu 5

Đặc sản Bình Liêu

Bình Liêu không chỉ nổi bật với nhiều phong cảnh đẹp mà ẩm thực nơi đây cũng là điểm níu chân du khách. Các món ăn bạn nên biết để thưởng thức khi đến Bình Liêu như: Phở xào, cá suối, gà đen, bánh ngải, bánh cooc mò, bánh tài lồng, bánh vắt vai…

Bạn cần chuẩn bị những gì khi đến Bình Liêu?

Do địa hình đồi núi cao, chênh lệch nhiệt độ lớn vào ban đêm nên bạn nhớ mang theo áo khoác phòng trời lạnh, mang theo giầy dép thấp thuận tiện cho việc di chuyển.

Ở Bình Liêu các loại dịch vụ du lịch hiện nay vẫn còn tương đối ít. Nếu đến đây dài ngày bạn nên chuẩn bị trước những đồ dùng thiết yếu cho chuyến đi của mình. Đặc biệt nếu muốn chinh phục sống lưng khủng long thì bạn phải chuẩn bị sức khỏe thật tốt và nên đi cùng với bạn bè, người thân để hỗ trợ nhau trong quá trình di chuyển.

Với những thông tin của chúng tôi, mong rằng bạn tự tin hơn cho hành trình đến với Bình Liêu, Quảng Ninh. Chúc bạn có chuyến trải nghiệm vui vẻ và thú vị!. 

Tin cùng chuyên mục
Cơ hội mới để phát triển du lịch

Cơ hội mới để phát triển du lịch

Ngành du lịch đón nhiều tin vui khi nhiều danh hiệu, giải thưởng thế giới "gọi tên" Việt Nam. Vừa mừng vừa lo, đó là lo làm sao để đưa các danh hiệu, giải thưởng này thành nguồn lực phát triển.