Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Dấu ấn năm đầu thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội ở Nghệ An

An Yên - 14:46, 21/03/2023

Năm 2022, là năm khởi đầu cho việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 ở Nghệ An. Ngay khi bắt đầu, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc các ngành, phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai các dự án, nội dung, nhiệm vụ đã được phê duyệt thực hiện. Ban Chỉ đạo, tổ công tác các cấp sau khi được thành lập, kiện toàn đã phát huy hiệu quả hoạt động trong quản lý điều hành Chương trình.

Việc thực hiện Chương trình đúng quy định, nội dung, nhiệm vụ đang từng bước phát huy hiệu quả, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. (Trong ảnh: Mở đường vào miền Tây Nghệ An (Quốc lộ 16). Ảnh: Tư liệu)
Việc thực hiện Chương trình đúng quy định, nội dung, nhiệm vụ đang từng bước phát huy hiệu quả, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. (Trong ảnh: Mở đường vào miền Tây Nghệ An (Quốc lộ 16). Ảnh: Tư liệu)

Tai Nghệ An, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I từ năm 2021 - 2025, được thực hiện trên địa bàn 131 xã (76 xã khu vực III, 55 xã khu vực I), 588 thôn đặc biệt khó khăn. Theo kế hoạch, nguồn ngân sách trong giai đoạn giao cho các đơn vị, địa phương ở Nghệ An thực hiện, là hơn 2,6 tỷ đồng. Riêng năm 2022, nguồn vốn được giao là gần 795 tỷ đồng.

Sau khi có các hướng dẫn và yêu cầu của Trung ương, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản triển khai các cơ chế chính sách, hướng dẫn và đôn đốc triển khai thực hiện Chương trình làm cơ sở thực hiện. Trên cơ sở này, HĐND tỉnh đã thông qua 4 Nghị quyết; UBND tỉnh ban hành 5 kế hoạch, 2 hướng dẫn và nhiều văn bản liên quan đến việc triển khai thực hiện về Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Kết quả ban đầu đáng ghi nhận, là các sở, ban, ngành được giao chủ trì, phụ trách các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình và UBND các huyện đã rất cẩn trọng bám sát các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc để triển khai thực hiện nguồn vốn đã được giao. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục các danh mục dự án đầu tư để trình giao vốn năm 2022 theo đúng quy định.

Đến tháng 1/2023, UBND tỉnh đã phân bổ hơn 682 tỷ đồng trên tổng số gần 795 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2022, đạt 85,86% kế hoạch.

Theo đánh giá, kết quả bước đầu thực hiện Chương trình trong năm 2022, đang góp phần làm thay đổi tốt hơn bức tranh vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh. Các hạng mục cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, điện lưới, nước sinh hoạt... không ngừng được quan tâm đầu tư, góp phần giải quyết các nhu cầu thiết yếu của Nhân dân về sản xuất kinh doanh, giao thương, học tập, chăm sóc sức khoẻ... Theo đó, đưa các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa xã hội có bước chuyển biến tích cực; công tác chính sách xã hội được quan tâm, đời sống đồng bào DTTS ngày càng được nâng lên. 

Đặc biệt, hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS và miền núi càng được tăng cường, củng cố xây dựng vững mạnh; Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đoàn kết, chấp hành và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của chính quyền địa phương. Nhờ vậy, tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được bảo đảm.

Điểm nhấn nổi bật của năm 2022 là, tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2021 của vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm khoảng 3,63%, vượt kế hoạch mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo tỉnh Nghệ An thông tin, trong năm 2023, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, triển khai, thực hiện hiệu quả các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình đảm bảo tiến độ và chất lượng. Tỉnh yêu cầu các địa phương, tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các đơn vị liên quan và địa phương trong  triển khai thực hiện Chương trình; Đồng thời thực hiện lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn các chương trình, dự án, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi. 

UBND tỉnh cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành và địa phương; có biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí. 

Cuộc sống của đồng bào Đan Lai ở bản Búng, xã Môn Sơn (Con Cuông) còn rất nhiều khó khăn. Ảnh tư liệu
Cuộc sống của đồng bào Đan Lai ở bản Búng, xã Môn Sơn (Con Cuông) còn rất nhiều khó khăn. Ảnh tư liệu

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng cho rằng, nhiệm vụ của năm 2023 là rất nặng nề. Tuy nhiên, với quyết tâm thực hiện hiệu quả các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình bảo đảm tiến độ và chất lượng, tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt.Trong đó, chú trọng đến việc tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; huy động sự vào cuộc, tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện Chương trình.

Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, địa phương sẽ thường xuyên phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin về các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần do đơn vị chủ trì quản lý, thực hiện đảm bảo Chương trình được thực hiện đồng bộ, thông suốt, nâng cao chất lượng thông tin báo cáo giữa các cấp.

Tỉnh Nghệ An cũng sẽ tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch cải cách hành chính gắn với việc thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá, giám sát việc thực hiện chính sách tại các đơn vị, địa phương, kịp thời phát hiện những hạn chế để khắc phục, phát hiện các vi phạm để xử lý theo quy định./.

Tin cùng chuyên mục