Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nặng lòng với chữ Lai Pao

Phạm Việt Thắng - 12:25, 29/01/2021

“Tôi lớn lên, nghe nói dân tộc mình có chữ viết, nhưng chưa hề được thấy mặt chữ. Cho đến một ngày, cụ Lô Văn Thoại trang trọng cho tôi xem một tờ khế ước cổ và nói: Chữ Thái ta đó! Dù không biết đọc nhưng những dòng chữ ấy cứ lấp lánh, lấp lánh... Và tôi như được nghe lời của tổ tiên tự ngàn xưa, để rồi quyết tâm nghiên cứu và biên soạn tài liệu dạy chữ Thái Lai Pao”. Đó là tâm sự của ông Vi Tân Hợi, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương (Nghệ An).

Ông Vi Tân Hợi (bìa phải) và thầy Lô Văn Thông giới thiệu về tờ khế ước cổ
Ông Vi Tân Hợi (bìa phải) và thầy Lô Văn Thông giới thiệu về tờ khế ước cổ

Từ một tờ khế ước cổ

Trước khi nói về công trình nghiên cứu khoa học của mình, ông Vi Tân Hợi dẫn tôi đến nhà thầy giáo Lô Văn Thông, ở thị trấn Hoà Bình (huyện Tương Dương), người đang gìn giữ “bảo vật” của ông cha truyền lại. Đó là một tờ khế ước, được viết vào ngày 15 tháng 2 năm 1872, nhằm năm Tự Đức thứ 25, bằng chữ Lai Pao . Nội dung của bản khế ước là Chánh tổng Huội Nguyên cầm cố đất đai để vay bạc chi dùng…

Thầy Thông kể lại, năm 1946, trong một chuyến công tác ở xã Xiêng My, cụ Lô Văn Liệu (ông nội của thầy Thông), Chủ tịch Uỷ ban hành chính huyện Tương Dương, Đại biểu Quốc hội Khoá I, thấy tờ khế ước này ở một nhà dân, liền mua lại với giá 20 lạng bạc. Cụ dặn con cháu, đây là chữ viết của người Thái, lúc nào có điều kiện thì phải học và phải truyền lại cho đời sau. Bố thầy giáo Thông là cụ Lô Văn Thoại vâng lời cha, đã vượt qua nhiều bản, làng để tìm thầy học chữ. Qua mấy ngày đường, đến được xã Yên Na thì ông Hương Uẩn, người duy nhất biết chữ Lai Pao ở đây đã qua đời. Không nản lòng, ông lại vượt rừng thêm hai ngày nữa để đến xã Nga My, tìm ông May Liêu. Trời đã không phụ công cụ Thoại, ông May Liêu đã hết lòng truyền dạy cho cụ về chữ Lai Pao. Nhưng, biết cũng chỉ để mà biết vậy thôi, chỉ mình cụ thỉnh thoảng lôi giấy bút ra viết vì chẳng biết chia sẻ cùng ai.

Năm 2005, ông cụ mang tờ khế ước cổ, trang trọng báo cáo với ông Vi Tân Hợi, lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, phụ trách văn hoá – xã hội. Được giảng giải từng chữ, từng câu, ông Hợi rưng rưng xúc động. “Tôi nhận tờ khế ước từ cụ Thoại mà tay cứ run lên, như được nghe lời tổ tiên tự ngàn xưa vọng về, và tự thấy mình phải có trách nhiệm nghiên cứu và truyền lại cho đời sau”, ông Hợi nhớ lại. 

Thế là lớp học chữ Thái Lai Pao đầu tiên, với 5 học viên, do ông Hợi làm lớp trưởng ra đời. Ông Hợi kể, cụ Thoại đã soạn một bộ giáo trình 20 trang, chủ yếu là bảng chữ cái, hệ thống dấu thanh (tô mái) rất dễ tiếp thu. Chúng tôi chỉ học trong vòng vài tháng là đọc thông viết thạo. Và 5 học viên của lớp đầu tiên này lại trở thành các giảng viên cho các lớp tiếp theo. Tuy nhiên, để truyền dạy một cách rộng rãi, thì cần phải tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và giáo trình cần phải phong phú, khoa học.Thời gian đó, cụ Thoại ốm nặng, cụ thường nhắc nhở anh em chúng tôi phải bảo tồn và phát triển, phải để lớp trẻ biết sử dụng chữ viết của dân tộc mình.

 “Lời uỷ thác của cụ Thoại đã thôi thúc anh em chúng tôi lao vào nghiên cứu, bất chấp vô vàn khó khăn”, ông Vi Tân Hợi xúc động nói.

Hồi sinh chữ Lai Pao

“Lai Pao là chữ viết riêng của người Thái, nhóm Tay Mương (Hàng Tổng), sống ở vùng thượng nguồn sông Cả (nặm Pao), gồm các huyện Tương Dương, Con Cuông, Kỳ Sơn. Còn chữ viết của người Thái ở phía Tây Bắc Nghệ An, thì gọi là Lai Tay. Chữ Lai Pao còn có tên gọi khác - Lai Liệp Nặm, nghĩa là xuôi theo dòng nước”, ông Hợi giảng giải.

 Cũng theo ông Hợi, chỉ cần nhìn mặt chữ là biết ngay chữ Thái của vùng nào. Ví như, chữ Lai Pao thì viết ngang, còn chữ Lai Tay lại viết dọc. Ngoài ra, mỗi vùng có một số ký tự khác nhau. Nhưng, đó vẫn chưa phải là khó khăn mà nhóm nghiên cứu gặp phải. Khó khăn lớn nhất là nguồn tư liệu, văn bản bằng chữ Lai Pao hầu như không còn lưu lại trong dân gian. Hàng chục cuộc điền dã, hàng trăm cuộc tiếp xúc và nhiều kênh thông tin khác, nhưng kết quả thu lại chẳng đáng là bao. 

Tài liệu giảng dạy chữ Thái Lai Pao, do ông Vi Tân Hợi chủ biên
Tài liệu giảng dạy chữ Thái Lai Pao, do ông Vi Tân Hợi chủ biên

Cùng với thiếu tư liệu, văn bản thì số người biết viết, đọc chữ Lai Pao cũng hầu như không còn. Một hướng khác là phải tiếp cận tư liệu từ Viện Dân tộc học. Nhưng, có phải mỗi lần đi Hà Nội là gặp được người cần gặp đâu. Vả lại, từ trước đến nay, chưa hề có một nghiên cứu nghiêm túc nào về loại chữ viết này, nên tư liệu cũng không phải nhiều. 

“Nhưng mình không làm thì ai làm. Không lẽ ngồi nhìn chữ viết của dân tộc mình bị thất truyền. Trước mỗi khó khăn, trở ngại, tôi lại nghĩ về di nguyện của cụ Thoại, thế là lại có động lực để vượt qua, đi tiếp”, ông Hợi chia sẻ.

Rất may cho nhóm nghiên cứu đã tiếp cận được một số tư liệu của Phó Gáo sư Trần Chí Dõi và Nhà khoa học người Pháp Michel Ferlus về chữ Thái Lao Pao, cùng với nghiên cứu thêm về chữ Thái ở Mường Lò (Yên Bái), Sơn La, Lai Châu, Thanh Hoá và chữ Thái Lai Tay… nên đã dần sáng tỏ thêm về chữ Lai Pao. Và sau một năm trời không mệt mỏi, nhóm nghiên cứu đã khẳng định được 46 chữ cái và các ký hiệu (mái). Ngoài ra, còn bổ sung thêm một số ký tự để phù hợp với hiện tại như tên người, địa danh… Ví dụ, mượn tiếng Việt để thuận lợi khi viết tên người hoặc địa danh: Ghó, Gho, Só, So, Ró, Ro, Tró, Tro. 

Từ đó, nhóm đã biên soạn Bộ tài liệu giảng dạy chữ Lai Pao, gồm: Sách giáo khoa, ngữ pháp, sách tham khảo, sách bài tập - tập viết và Văn hoá dân tộc Thái. Trong đó, ông Vi Tân Hợi đã dày công sưu tầm và biên soạn 180 câu tục ngữ, ca dao và 100 truyện cổ của người Thái. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã phối với với Trường Đại học Vinh để số hoá chữ Lai Pao, tạo điều kiện thuận lợi cho những ai muốn nghiên cứu và học tâp loại chữ này.

Hiện, tỉnh Nghệ An đã cho in 5.000 bộ tài liệu để giảng dạy chữ Lai Pao trên địa bàn 5 huyện. Tuy nhiên, theo ông Vi Tân Hợi, thì vẫn còn rất nhiều khó khăn để chữ Lai Pao đến được với đông đảo đồng bào, như nhân lực, kinh phí, trang thiết bị… và cả tinh thần của bà con nữa. Điều mà ông cho rằng rất hiệu quả, là in lịch treo tường. Lịch sẽ có nhiều thông tin mà người Thái rất quan tâm như xem ngày tốt, xấu; tiết trời theo thời vụ…

Hi vọng, đề xuất của ông Vi Tân Hợi sớm thành hiện thực, để chữ Lai Pao có thêm một “cửa” hồi sinh.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.