Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Đề án phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS - 5 năm nhìn lại: Nhiều cách làm hay từ cơ sở (Bài 3)

Hồng Minh - 10:35, 21/07/2022

Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) giai đoạn 2017 – 2021 (ban hành theo Quyết định số 705/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) đã xác định: “Ưu tiên triển khai các nguồn lực tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, có điều kiện đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo, địa bàn xảy ra nhiều vi phạm pháp luật và trọng yếu về an ninh quốc phòng” .`Trên tinh thần đó, nhiều địa phương có các giải pháp linh hoạt, phù hợp với đặc thù địa phương để phát huy hiệu quả.

Sân khấu hóa công tác tuyên truyền PBGDPL giúp bà con nắm bắt thông tin nhanh hơn, dễ hiểu hơn (Ảnh minh họa)
Sân khấu hóa công tác tuyên truyền PBGDPL giúp bà con nắm bắt thông tin nhanh hơn, dễ hiểu hơn (Ảnh minh họa)

“Cái khó ló cái khôn”

Với đặc điểm là vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống, tại các huyện A Lưới và Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã gặp không ít khó khăn trong công tác tuyên truyền, PBGDPL cho đối tượng là đồng bào DTTS. Song trong “cái khó ló cái khôn”, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác tuyên truyền.

Theo thông tin từ Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên - Huế, để tuyên truyền hiệu quả, trước hết nội dung tuyên truyền phải gần gũi, thiết thực, có liên quan mật thiết với đời sống của đồng bào DTTS và miền núi. Cụ thể như các vấn đề mang tính “thời sự” của địa phương, là tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Cùng với đó, nội dung tuyên truyền phải phù hợp với từng đối tượng. Với nội dung tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đối tượng chính là thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12 đến 18 tuổi. Và khi xác định được đối tượng, thì việc xây dựng nội dung cần ngắn gọn, lồng ghép với việc “lắng nghe, giao lưu” trực tiếp với bà con. Qua đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn vụ việc thực tế, cũng như tạo sự gần gũi, thân mật trong buổi tuyên truyền.

Bên cạnh đó, theo cách làm của Thừa Thiên-Huế, công tác PBGDPL cho đồng bào DTTS và miền núi, không đơn thuần là một hoạt động chung chung. Mà gắn liền với từng hộ gia đình, từng người dân đang sinh sống tại địa phương. Công tác này, không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu, truyền tải kiến thức pháp luật cho bà con, mà còn gắn liền với hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan đến chế độ chính sách, cải thiện cuộc sống.

Ngoài ra, để đạt được hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền, PBGDPL cần kết hợp các hình thức tuyên truyền như: cấp phát ấn phẩm sách, báo, tạp chí, tờ rơi, tờ gấp tại chỗ và thực hiện trợ giúp pháp lý cho đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý miễn phí, sau buổi tuyên truyền.

Còn tại tỉnh Lâm Đồng, hình thức tuyên truyền bằng miệng cũng được phát huy tối đa. Theo già làng K’Điệp ở xã Tam Bố, huyện Di Linh cho biết: “Trong vùng đồng bào DTTS, tuyên truyền miệng hết sức quan trọng. Đó là việc dễ thực hiện, gần gũi và thiết thực. Như mưa dầm thấm lâu, những chủ trương, chính sách, những việc tốt, điều hay cũng từ câu chuyện hằng ngày lan tỏa…”.

Được biết, đây là hình thức tuyên truyền khá hiệu quả ở các tỉnh Tây Nguyên thời gian qua. Hình thức tuyên truyền này có nhiều ưu điểm, nhất là ở những địa bàn dân trí thấp, tỷ lệ người già và người không biết chữ cao, có thể đáp ứng nhanh các yêu cầu về thông tin, các vấn đề nóng, nhạy cảm mà các hình thức khác khó thực hiện được kịp thời.

Hay tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, với bất cập khi đội ngũ làm công tác PBGDPL 100% kiêm nhiệm, hạn chế về kiến thức pháp luật cũng như kỹ năng PBGDPL. Từ khó khăn đó, địa phương đã phát huy sức mạnh tổng hợp, đẩy mạnh xã hội hóa. Củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật và hòa giải viên ở cơ sở. Đồng thời, chú trọng xây dựng và sử dụng đội ngũ cán bộ là người DTTS am hiểu pháp luật, có kỹ năng tuyên truyền, PBGDPL phù hợp với nguyện vọng và trình độ dân trí của đồng bào.

Ông Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc chia sẻ: Trước thực tế huyện có đông dân tộc cùng sinh sống, trình độ dân trí của người dân còn hạn chế, nên huyện đã đa dạng hóa nội dung, hình thức PBGDPL phù hợp với đối tượng, vùng miền. 

Cụ thể, lồng ghép tuyên truyền với các chương trình, kế hoạch, đề án triển khai tại vùng đồng bào DTTS để tranh thủ nguồn lực. Lồng ghép trong các hoạt động văn hóa truyền thống. Tận dụng tối đa nguồn nhân lực tại địa phương, phát huy vai trò già làng, trưởng thôn, trưởng bản, Người có uy tín tham gia tuyên truyền pháp luật. Ưu tiên bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL. Nâng cao hiểu biết về phong tục, tập quán của địa phương cho đội ngũ tuyên truyền viên… 

Đội ngũ già làng, Người có uy tín có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền PBGDPL (Ảnh minh họa)
Đội ngũ già làng, Người có uy tín có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền PBGDPL (Ảnh minh họa)

Cần giải pháp căn cơ và đồng bộ

Kết thúc giai đoạn 2017- 2021, Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS giai đoạn 2017- 2021” đã rút ra được nhiều bài học từ thực tiễn để đưa ra các giải pháp khả quan, hiệu quả trong thời gian tới.

Cụ thể theo Báo cáo Kết quả 5 năm thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 08/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2017- 2022 của Ủy ban Dân tộc, đã đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện Đề án trong thời gian tới.

Theo đó, tiếp tục phát huy vai trò, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác tuyên truyền PBGDPL. Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, các cấp, các ngành và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền; phổ biển, giáo dục pháp luật gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở.

Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền PBGDPL. Lựa chọn nội dung đơn giản, dễ hiểu, trọng tâm, gắn với những tình huống phát sinh trong thực tế đời sống hàng ngày và tập quán, văn hóa của đồng bào DTTS.

Chú trọng hình thức tuyên truyền miệng (trực tiếp) bằng tiếng DTTS, hình thức sân khấu hóa (mềm hóa pháp luật thông qua các tiểu phẩm gắn với văn hóa của mỗi dân tộc), ứng dụng công nghệ thông tin (nhất là mạng xã hội); với thời lượng hợp lý, mỗi đợt chỉ nên tuyên truyền tối đa 03-04 chủ đề; tăng cường các hội nghị tập huấn, phổ biến tại địa bàn xã, thôn, bản để thu hút đông đảo người dân tham gia.

Đặc biệt, trong thời gian tới Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 thực hiện “Chính sách ưu tiên sử dụng người biết tiếng DTTS, Người có uy tín trong cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở vùng DTTS tham gia công tác tuyên truyền; phổ biến, giáo dục pháp luật” (Dự án 10) sẽ thêm động lực để công tác tuyên truyền PBGDPL hiệu quả cao hơn.

Tin cùng chuyên mục