Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở vùng DTTS: Đổi mới nội dung, tăng cường trợ giúp pháp lý

Lê Hường -CĐ - 17:01, 12/12/2021

Đắk Lắk có 49 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó DTTS chiếm 35,7%. Những năm qua, Ban Dân tộc phối hợp các sở, ban ngành, hội, đoàn thể và chính quyền các cấp tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong vùng DTTS. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc phỏng vấn bà H’Yâo Knul, Trưởng Ban Dân tộc Đăk Lăk về vấn đề này.

Bà Y’Yâo Knul, Trưởng Ban Dân tộc Đắk Lắk
Bà Y’Yâo Knul, Trưởng Ban Dân tộc Đắk Lắk

Thực hiện Quyết định số 1163/QĐ -TTg ngày 08/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2017-2021, công tác tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật trong đồng bào DTTS đã đạt kết quả như thế nào, thưa bà?

Trưởng Ban Dân tộc Đăk Lăk H’Yâo Knul: Thực hiện Quyết định 1163/QĐ- TTg, trong những năm qua Ban Dân tộc đã phối hợp với Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, UBND các huyện và UBND các xã tổ chức các hội nghị tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS, với 850 lượt người tham gia; biên soạn, cấp phát 9.785 cuốn sổ tay Hỏi - Đáp pháp luật; cấp phát 20.000 tờ rơi về Luật Hôn nhân và Gia đình bằng hai thứ tiếng Việt-Ê đê tại các xã có số đông người đồng bào DTTS sinh sống.

Ngoài ra, Ban Dân tộc Đắk Lắk còn phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền pháp luật, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS. Tổ chức 24 hội nghị tuyên truyền, tập huấn, cấp phát hàng trăm nghìn tờ rơi, sổ tay tuyên truyền pháp luật, lắp đặt nhiều pa no, áp phích và tổ chức 2 mô hình điểm về “nói không với bạo lực gia đình” tại xã Đắk Phơi, huyện Lắk và xã Yang Mao, huyện Krông Bông.

Một khu dân cư xã vùng sâu Yang Mao, huyện Krông Bông
Một khu dân cư xã vùng sâu Yang Mao, huyện Krông Bông

Theo bà, đội ngũ cán bộ cơ sở, Người có uy tín có vai trò như thế nào trong công tác tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật ở vùng DTTS?

Trưởng Ban Dân tộc Đăk Lăk H’Yâo Knul: Đội ngũ cán bộ cơ sở đóng vai trò quan trọng trong tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của Nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chính vì thế, Ban Dân tộc đã chú trọng nâng cao kiến thức cho cán bộ cơ sở thông qua các hội thảo, lớp tập huấn và cấp phát các tài liệu như sổ tay hỏi đáp pháp luật…

Hằng năm, thông qua các lớp bồi dưỡng kiến thức cho Người có uy tín, các lớp bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ cộng đồng, qua đó kịp thời trang bị kiến thức, nâng cao kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đội ngũ Người có uy tín, cán bộ cơ sở,... đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS.

Đến nay, 100% cán bộ làm công tác dân tộc từ cấp tỉnh đến cơ sở đã được phổ biến, giáo dục pháp luật và cung cấp thông tin rộng rãi về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; trên 90% đội ngũ công chức được giao nhiệm vụ phổ biến pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi được cung cấp, cập nhật tài liệu pháp luật, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; thông qua nhiều kênh thông tin, tuyên truyền trên 85% đồng bào DTTS được phổ biến giáo dục pháp luật.

Cán bộ cơ sở đến từng nhà dân tuyên truyền về phòng chống Covid-19
Cán bộ cơ sở đến từng nhà dân tuyên truyền về phòng chống Covid-19

Bà đánh giá như thế nào về hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở vùng đồng bào DTTS và miền núi trong những năm qua?

Trưởng Ban Dân tộc Đăk Lăk H’Yâo Knul: Công tác tổ chức thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào DTTS được triển khai thực hiện nghiêm túc, có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các sở ban, ngành cấp tỉnh với chính quyền cơ sở. Nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến đa dạng, phù hợp với từng giai đoạn và đặc điểm từng vùng đồng bào DTTS; đặc biệt chú trọng các nội dung thiết thực thiết thực như: Luật đất đai, Luật hòa giải ở cơ sở, Luật Khiếu nại tố cáo, Luật phòng chống bạo lực gia đình… đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng biên giới.

Qua đó, kịp thời đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sác pháp luật của Nhà nước đến với người dân, tạo điều kiện cho người dân hiểu đầy đủ về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong thực thi pháp luật. Giúp cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh ngày càng tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng; tích cực tham gia các nhiệm vụ chính trị của địa phương; góp phần, giảm thiểu các tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện trên địa bàn; xây dựng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đại đoàn kết dân tộc ngày càng vững chắc.

Giải pháp nào mà Ban Dân tộc Đắk Lắk sẽ tập trung triển khai để tăng hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở vùng DTTS và miền núi?

Trưởng Ban Dân tộc Đăk Lăk H’Yâo Knul: Tiếp tục nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khi thực hiện nhiệm vụ; chú trọng phát huy vai trò của Già làng, Người có uy tín; đặc biệt quan tâm triển khai các văn bản Luật mới, chính sách mới liên quan đến đồng bào DTTS. Đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý, trợ giúp pháp lý lưu động tại các thôn, buôn có đông đồng bào DTTS. Đổi mới nội dung, hình thức, đa dạng hóa sản phẩm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào DTTS, phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của từng vùng DTTS với phương châm: “Ngắn gọn, súc tích, dể hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và đúng quy định pháp luật.

Duy trì thường xuyên các chuyên mục phổ biến pháp luật cho người DTTS; tăng cường biên soạn, dịch sang tiếng Ê Đê, Gia Rai… các tài liệu tuyên truyền pháp luật…