Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Để đường tương lai của các em thêm gần

Phạm Việt Thắng - 10:59, 08/06/2021

“Ngay từ buổi đầu đến với Kỳ Sơn, tôi đã mê mẩn cảnh sắc nơi đây. Nếu như các bạn đồng nghiệp miền xuôi luôn thở dài và trông chờ ngày về, thì tôi lại không muốn rời xa các em và bà con, không muốn xa Mường Lống”. Đó là tâm sự của nữ tiến sỹ Lã Thị Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông THCS dân tộc bán trú Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An).

Cô Lã Thị Thanh Huyền tại góc đọc - vẽ trong “Phiên chợ vùng cao” của Trường TPCS dân tộc bán trú Tây Sơn
Cô Lã Thị Thanh Huyền tại góc đọc - vẽ trong “Phiên chợ vùng cao” của Trường TPCS dân tộc bán trú Tây Sơn

Yêu từ phút ban đầu

“Tôi may mắn nhận công tác tại Mường Lống vào một ngày đầu Xuân 2003. Đứng ở Cổng Trời, nhìn xuống bản Trung Tâm, trắng cả một trời hoa mận, từng đám mây sà xuống như đón chào, đẹp quá Kỳ Sơn. Từ giây phút ấy, tôi đã yêu Mường Lống”, cô giáo Lã Thị Thanh Huyền mở đầu câu chuyện vào nghề như vậy.

Là người TP. Vinh chính hiệu, lại tốt nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội, không ai tin Thanh Huyền lại đi dạy tận nơi thâm sơn cùng cốc này. Nhưng, Huyền đã đến và không muốn rời xa nữa. 

Cô tâm sự: Kỳ Sơn, nhất là Mường Lống là quê hương thứ hai, và càng yêu hơn vì đó còn là quê hương của các con tôi. Về trường, được phân công làm giáo viên chủ nhiệm, cô giáo Huyền càng có điều kiện gần gũi với các em học sinh và gia đình. Cô quyết tâm học tiếng Mông, nghiên cứu văn hoá, tập quán của đồng bào Mông. 

Muốn học trò học tập và rèn luyện tốt hơn thì cách tốt nhất là hiểu các em, hiểu văn hoá của các em. Mà muốn hiểu các em, thì hiệu quả nhất là học tiếng của các em. Từ đó cô trò càng quấn quýt nhau. 

Cô giáo Lã Thị Thanh Huyền: “Khát khao của tôi là muốn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại trà”
Cô giáo Lã Thị Thanh Huyền: “Khát khao của tôi là muốn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại trà”

“Có những hôm đi thăm học trò, cả bản mổ gà mời cơm. Ra về, bà con còn cho trứng, cho mía… nói là thương cô giáo lắm lắm. Không cảm động sao được, không mến yêu sao được”, cô Huyền hồi tưởng.

Cô nhắc lại những cô, cậu học trò ngày ấy, bây giờ đã là cán bộ huyện, sĩ quan công an… nhiều lắm. Một cậu học trò có hoàn cảnh rất khó khăn, mẹ bị bạo bệnh, cha đi làm ăn xa, một mình em vừa làm cha vừa làm mẹ chăm lo cho bốn em nhỏ, thế mà vẫn cố gắng đi học. 

Không chỉ giúp em về vật chất, cô còn động viên các bạn chia nhóm để giúp đỡ. Tuần này thì đi lấy củi, tuần sau nhóm khác đi lấy nước, các bạn nữ thì thay nhau dọn dẹp nhà cửa…Nhờ thế mà em đã học được hết lớp 9. 

“Ngày đó tôi khích lệ các em bằng các tiết mục văn nghệ, các hoạt động tập thể rất sôi nổi. Còn nhớ, cô và trò nắm tay nhau điệp khúc mãi bài hát Đi học xa: Hôm nay đi học xa, đường tương lai đường gần… Tôi đề nghị cô hát lại. Sau một chút e ngại, Huyền khe khẽ: “Nu nò mù cẩn tớ đê, kề ùa nênh kề chề…”.

Cứ thế, những tháng ngày tuổi trẻ của Huyền đã dành hết cho học trò. Càng sống, cô càng yêu Mường Lống, càng quý bà con. Cô nói, đó là quãng thời gian êm đềm và đáng yêu nhất của mình. Thế rồi, Huyền phải lòng một bạn trai người Mông, anh ấy là đồng nghiệp cùng trường.

- Có lẽ đất Mường Lống đã chọn ra một người con dâu rất đặc biệt – tôi nói.

- Huyền cười, chắc là duyên số, anh ạ.

“Con dâu người Mông dạy học trò Mông thì còn gì bằng” – Huyền nhớ lại lời chào đón của bà con khi cô về làm dâu bản Mông.

Đi học xa

Ra đi để trở về, Huyền nói như thế. Cô tâm sự, tôi luôn tìm tòi các phương pháp dạy học mới, phù hợp với đối tượng học sinh là người dân tộc Mông, để các em nắm vững kiến thức, hiểu bản chất của vấn đề, thay vì cô đọc trò chép. Mà cách dạy đó thì hoàn toàn không rập khuôn theo sách giáo khoa. 

Ví dụ, trong bài dạy của cô luôn có thêm nhiều từ mới, vượt ra ngoài khuôn khổ chương trình. Tuy nhiên, không phải giáo viên nào cũng chấp nhận phương pháp mới này. Đã có những cuộc tranh luận nảy lửa trong những phiên sinh hoạt chuyên môn. 

“Tôi luôn tin phương pháp của mình là đúng, vì suy cho cùng hiệu quả hay không là khả năng tiếp thu của học sinh”, cô Huyền khẳng định. 

Ở thời điểm đó, tuy Huyền là một trong rất ít giáo viên tốt nghiệp đại học chính quy, lại học ở một ngôi trường danh giá, nhưng cô vẫn thấy chưa đủ, cần phải trau dồi thêm. Thế là cô xin được đi học cao học. Con còn nhỏ, lại đi học xa, nhưng cô vẫn không nản chí. “Hôm nay đi học xa, đường tương lai đường gần”, cô Huyền nhắc lại lời bài hát "Đi học xa'.

Cô giáo Huyền hướng dẫn học sinh hoạt động nhóm trong giờ Ngữ văn
Cô giáo Huyền hướng dẫn học sinh hoạt động nhóm trong giờ Ngữ văn

Xong chương trình cao học, đủ điều kiện chuyển tiếp, Huyền xin đi nghiên cứu tiến sỹ, cụ thể là nghiên cứu phương pháp dạy học bộ môn Ngữ văn. Lúc này cô cũng đã được điều động về Trường PTCS Dân tộc bán trú Na Ngoi.

“Tôi luôn muốn nghiên cứu, tìm tòi các phương pháp dạy học mới, phù hợp với đối tượng học sinh người dân tộc Mông. Vì thế luận án của tôi là: “Dạy học đọc hiểu văn bản, thông tin cho học sinh người dân tộc Mông trong chương trình môn ngữ văn ở trường THCS”, cô Huyền chia sẻ.

Xong chương trình tiến sỹ, tháng 10/2020, cô được điều về trường THCS dân tộc bán trú Tây Sơn và được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng - một trong những ngôi trường còn rất nhiều gian khó của huyện Kỳ Sơn. Không nản lòng vì về nơi không mấy thuận lợi, Hiệu phó Lã Thị Thanh Huyền quyết định “thắp lửa” cho thầy và trò trước khi triển khai các dự định khác.

Các hoạt động tập thể, ngoài giờ được cô dày công xây dựng. Phiên chợ vùng cao – nơi mà thầy và trò được trưng bày các sản phẩm, sản vật bản địa, thoả sức với các trò chơi dân gian… đã gây tiếng vang lớn, tạo cảm hứng thi đua dạy tốt, học tốt cho cả giáo viên và học sinh. Màn múa hát tập thể của Trường THCS bán trú Tây Sơn được coi là một hiện tượng và nhanh chóng lan rộng trong các trường học ở Kỳ Sơn… Một luồng sinh khí mới đã đến với thầy và trò, và kết quả là lần đầu tiên, Trường THCS dân tộc bán trú Tây Sơn có nhiều học sinh giỏi huyện: 2 giải Ba, 9 giải Khuyến khích.

Cô Huyền im lặng một lúc, nghiêm nét mặt, nói rất thật: “Mục đích đi nghiên cứu tiến sỹ của tôi, lúc đầu là muốn chuyển công tác về xuôi, vì hạnh phúc đã không còn trọn vẹn. Nhưng khi bắt tay vào nghiên cứu, tôi lại không muốn rời xa các em, không muốn xa Kỳ Sơn nữa. Tôi nghĩ mình ở lại sẽ có ích hơn, những gì mình nghiên cứu sẽ có ý nghĩa hơn”.

Tôi chủ động trở lại câu chuyện dạy và học, cô Huyền rạng rỡ nét mặt. Cô nói, khát khao lớn nhất, là muốn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại trà. Muốn học sinh học tốt hơn thì phải phá bỏ được rào cản ngôn ngữ. Chỉ khi rào cản ngôn ngữ được san phẳng thì các em mới nắm vững kiến thức, hiểu bản chất của vấn đề. Đó là lí do mà cô đã rất công phu để nghiên cứu và biên soạn tài liệu dạy học song ngữ Việt – Mông. 

“Đồng bào Mông có tiếng nói và chữ viết riêng, vì thế khi ta dạy tiếng Việt song song với tài liệu tiếng Mông thì các em rất dễ hiểu, lúc đó rào cản ngôn ngữ gần như được san phẳng, các em sẽ tiếp thu bài học một cách dễ dàng. Chúng tôi đã cho thử nghiệm ở một số tiết của môn Ngữ văn lớp 6, bước đầu thu được kết quả rất tốt. Nếu môn học nào cũng có song ngữ, tôi tin chất lượng sẽ nâng lên rõ rệt. Và tôi tin chúng tôi sẽ thành công”, Tiến sỹ Lã Thị Thanh Huyền rạng ngời.

Chia tay cô Huyền, tôi nói trong nỗi niềm xúc động: Cô đi học xa, học cao để đường tương lai của các em thêm gần!


Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.