Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đề xuất nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể

Hồng Phúc - 17:28, 09/03/2023

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Nghị định quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) và Danh mục dDi sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể
Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể

Dự thảo đề xuất nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể.

Bảo đảm vai trò, sự tham gia của cộng đồng, chủ thể

Dự thảo nêu rõ, các cộng đồng, nhóm và cá nhân là chủ thể nắm giữ Di sản văn hóa phi vật thể giữ vai trò chủ chốt, trung tâm trong việc triển khai, thực hiện các hoạt động bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể. Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú nắm giữ Di sản văn hóa phi vật thể cần được tham vấn hoặc tham gia trực tiếp vào hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể.

Các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể tạo ra xung đột, mâu thuẫn trong chính cộng đồng đó hoặc với cộng đồng liên quan phải được điều chỉnh hoặc loại bỏ. Các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể phải bảo đảm quyền thực hành Di sản văn hóa phi vật thể của chủ thể và các nguyên tắc về giới trong thực hành Di sản văn hóa phi vật thể.

Nghiêm cấm các hành vi trục lợi từ di sản, các hoạt động tạo sự ganh đua, tranh chấp trong cộng đồng, các hành vi thực hành không còn phù hợp với bản chất của di sản và với mong muốn của cộng đồng chủ thể. Nghiêm cấm các hành vi ép buộc đối với cộng đồng trong việc lựa chọn các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể của họ. Khi có ý kiến khác nhau trong việc lựa chọn thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể, cần phải thảo luận để tạo sự đồng thuận trong cộng đồng.

Giữ gìn các giá trị, biểu đạt, hiểu biết, kỹ năng, kỹ thuật, hiện vật và không gian văn hóa liên quan của Di sản văn hóa phi vật thể

Các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể cần ưu tiêu việc giữ gìn các giá trị, biểu đạt, hiểu biết, kỹ năng, kỹ thuật, vật thể và không gian văn hóa liên quan của Di sản văn hóa phi vật thể; đảm bảo tính chỉnh thể và liên tục thực hành của di sản. Các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể cần tôn trọng các biểu đạt của Di sản văn hóa phi vật thể, bảo đàm thể hiện, truyền tải đúng và đầy đủ các giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể.

Nghiêm cấm các hoạt động xâm phạm, xuyên tạc hoặc làm mai một các giá trị, biểu đạt của Di sản văn hóa phi vật thể liên quan tới tập quán, tín ngưỡng, tính thiêng, những điều kiêng kỵ, thực hành kín hoặc tục hèm được cộng đồng thực hành qua nhiều thế hệ và coi đó là bản sắc văn hóa của họ.

Tôn trọng sự đa dạng văn hóa

Các hoạt động nhằm bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo đảm tôn trọng sự đa dạng văn hóa, tôn trọng sự đối thoại giữa các cộng đồng và tôn trọng tính đặc thù dân tộc, vùng miền. Các hành vi phân biệt văn hóa, phân biệt dân tộc, phân biệt vùng miền phải được loại bỏ.

Di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng khác nhau đều được tôn trọng như nhau, không có sự phân biệt đối xử giữa Di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng này với Di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng khác.

Bảo đảm vì sự phát triển bền vững

Mọi hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể phải bảo đảm di sản được thực hành lâu dài, liên tục và hướng tới sự phát triển bền vững: Phát triển xã hội toàn diện; bảo đảm an ninh, an toàn cộng đồng; bảo vệ môi trường; hướng con người, cộng đồng tới các giá trị văn hóa tốt đẹp; gìn giữ bản sắc văn hóa; gìn giữ hòa bình. Khuyến khích, ưu tiên bảo vệ các Di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, di sản của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, di sản có giá trị toàn cộng đồng, xã hội.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.

Tin cùng chuyên mục
Gia đình 7 đời làm nghề chạm bạc trên cao nguyên đá

Gia đình 7 đời làm nghề chạm bạc trên cao nguyên đá

Trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), thôn Lao Xa, xã Sủng Là là cái nôi của nghề chạm bạc truyền thống của người Mông. Đã từ rất lâu, không chỉ riêng người Mông, mà bất cứ ai muốn mua được một món đồ trang sức bằng bạc ưng ý, đều lên đường đến Lao Xa…