Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Đến với đồng bào La Hủ trên miền biên viễn Mường Tè: Cần thêm trợ lực để phát triển bền vững (Bài 2)

Tào Đạt - 23:44, 14/07/2024

Nhìn một cách thực tế, đời sống đồng bào La Hủ về thu nhập, mức sống, tiếp cận các dịch vụ cơ bản… còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Để cải thiện, nâng cao đời sống của đồng bào La Hủ cũng như giúp dân tộc này phát triển bền vững vẫn phải nghiên cứu và thực hiện thêm chính sách đặc thù, dài hơi.

Ông Ly Xạ Pu, người có uy tín ở xã Pa Ủ phối hợp với Đồn Biên phòng Pa Ủ và trưởng bản tuyên truyền chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật của Nhà nước cho người dân La Hủ xã Pa Ủ
Ông Ly Xạ Pu, Người có uy tín ở xã Pa Ủ phối hợp với Đồn Biên phòng Pa Ủ và Trưởng bản tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho người dân La Hủ xã Pa Ủ (Ảnh: Đức Duẩn)

Cú huých từ chính sách chưa đủ mạnh

Dân tộc La Hủ hiện có 3.146 hộ, với trên 12 nghìn nhân khẩu sinh sống chủ yếu ở tỉnh Lai Châu, tại 40 bản, thuộc 8 xã (Pa Vệ Sủ, Bum Tở, Nậm Khao, Mường Tè, Tá Bạ, Thu Lũm, Ka Lăng, Pa Ủ) của huyện Mường Tè và 01 bản xen ghép tại bản Chang Chảo Pá, xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn.

Đây là các xã thuộc khu vực miền núi, biên giới có điều kiện kinh tế khó khăn, địa hình chia cắt mạnh, đất canh tác ít, khí hậu khắc nghiệt. Đường giao thông đi lại khó khăn do độ dốc lớn, nhiều khe suối, vào mùa mưa hầu hết các bản bị cô lập với khu vực xung quanh. Theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu, tính đến 31/12/2023, dân tộc La Hủ có tới 2.314 hộ nghèo (chiếm 74%), 298 hộ cận nghèo (chiếm 9,4%).

Theo ông Lý Văn Khung, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Tè, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư được triển khai cho đồng bào DTTS trên địa bàn, trong đó có đồng bào La Hủ, nhất là những hỗ trợ về sinh kế. Đối với đồng bào La Hủ, từ các chính sách hỗ trợ, bước đầu đồng bào đã biết dựa vào các tiềm năng lợi thế của địa phương tạo ra vùng sản xuất như quế, riềng, cây sa nhân, thảo quả dưới tán rừng và đặc biệt đưa một số cây có giá trị như Sâm Lai Châu vào trồng tại các xã Bum Tở, Pa Vệ Sủ, Tá Bạ… 

Tuy nhiên, sự phát triển sản xuất nông nghiệp của người La Hủ chỉ mang tính nhỏ lẻ, không bền vững; đến nay chưa có dự án sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, vẫn sản xuất theo nếp cũ, lạc hậu. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn hạn chế; chăn nuôi hiệu quả thấp, không tái đàn được.

Qua tìm hiểu tại cơ sở cũng thấy rằng, dù chính quyền và lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu đã cầm tay chỉ việc, thậm chí khai hoang ruộng, canh tác lúa nước làm mẫu cho bà con, xây dựng nhiều mô hình sinh kế, nhưng hiệu quả không cao vì một phần do nhận thức còn hạn chế nên không nhiều hộ làm theo.

Cán bộ Quân y Đồn Biên phòng Pa Ủ, BĐBP Lai Châu khám bệnh cho người dân ở bản Tân Biên, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè (Ảnh: Đức Duẩn)
Đồng bào La Hủ vẫn cần được hỗ trợ về mọi mặt để vươn lên (Trong ảnh: Cán bộ Quân y Đồn Biên phòng Pa Ủ, BĐBP Lai Châu khám bệnh cho người dân ở bản Tân Biên, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè; Ảnh: Đức Duẩn)

Mặt khác, các cơ sở hạ tầng trong vùng đồng bào La Hủ sinh sống cũng còn hạn chế như trường học, trạm y tế, hệ thống thủy lợi, điện.... Trong đó, trường học đã dần được đầu tư kiên cố hóa, song để đáp ứng được công tác dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới còn gặp nhiều khó khăn, các phòng ăn, ở của học sinh bán trú còn chật hẹp. Khoảng cách đi lại từ địa bàn người La Hủ sinh sống đến trường học còn xa, đường xá đi lại hiểm trở, có nơi còn phải trèo đèo lội suối, đặc biệt là vào mùa mưa lũ rất nguy hiểm.

Khó khăn là vậy, nhưng từ khi không còn được hưởng các chính sách bảo tồn đặc biệt theo Quyết định số 449 ngày 10/4/2020 của Chính phủ, đồng bào La Hủ cũng chỉ được thụ hưởng các chính sách về y tế, giáo dục, văn hóa như các thành phần DTTS khác đang triển khai trên địa bàn.

Nhìn nhận khách quan, đồng bào La Hủ có xuất phát điểm thấp hơn rất nhiều so với các DTTS khác, nên để đồng bào bắt nhịp, phát triển được như các dân tộc, là cả một hành trình khó khăn và vẫn phải có thêm các nguồn lực hỗ trợ.

Cần thêm trợ lực

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Trần Hữu Chí, Trưởng ban Dân tộc Lai Châu cho biết, khi có Quyết định số 499 ngày 10/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Bảo vệ và phát triển dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2021-2030” và Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14/7/2021 phê duyệt Danh sách các dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn và khó khăn đặc thù giai đoạn 2021-2025, dân tộc La Hủ không thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Đây là sự thiệt thòi lớn đối với đồng bào dân tộc La Hủ trong việc thụ hưởng chính sách đặc thù của Chương trình MTQG 1719.

Theo ông Trần Hữu Chí, việc đặt vấn đề về phát triển bền vững cho đồng bào La Hủ, sẽ phải mất một thời gian dài, với sự quyết tâm chính trị cao nhất, thì mới có thể hoàn thành được. Hơn nữa, nhất thiết phải có thêm Đề án để giúp đỡ đồng bào dân tộc La Hủ vươn lên.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu Trần Hữu Chí cho rằng cần phải có thêm chính sách hỗ trợ đồng bào La Hủ
Ông Trần Hữu Chí, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lai Châu cho rằng, vẫn cần phải có riêng Đề án hỗ trợ đồng bào La Hủ phát triển

Việc xây dựng Đề án cho vùng đồng bào dân tộc La Hủ phải có cách làm mới, dài hơi. Trong đó, trước hết phải làm chuyển biến ý thức hệ, tập quán, văn hóa, thể chất, sức khỏe của đồng bào. Hướng cho đồng bào "cởi bỏ" tính tự ti, khơi dậy lòng tự hào để họ vươn lên phát triển kinh tế.  Mặt khác, phải tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhằm phục vụ sản xuất và đời sống cho đồng bào.

“Xuất phát từ tình hình thực tiễn về đồng bào La Hủ, tỉnh Lai Châu mong muốn Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc có Đề án riêng để phát triển đời sống của dân tộc La Hủ, qua đó giúp cho địa phương tranh thủ được nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào La Hủ. Đồng thời, có cơ chế tháo gỡ vướng mắc triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 để tỉnh Lai Châu tiếp tục quy hoạch, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở đồng bộ và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc gắn với phát triển du lịch của dân tộc La Hủ...”, ông Trần Hữu Chí đề xuất.

Bên cạnh việc đồng bào La Hủ tự mình vươn lên phát triển bền vững, rất cần có thêm chính sách bảo tồn, hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước để cái đói, cái nghèo, lạc hậu... không còn quẩn quanh bên người dân ở nơi đại ngàn, thâm sơn cùng cốc này./.

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.