Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín với cộng đồng

Lai Châu: Vai trò tích cực của Người có uy tín trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc

Ngọc Ánh- Thùy Giang - 06:55, 25/11/2023

Trong những năm qua, tỉnh Lai Châu đã tích cực triển khai, thực hiện các Quyết định số 1672/QĐ-TTg ngày 26/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao”, Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận Người có uy tín và chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS, nhờ đó, đội ngũ Người có uy tín đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Ông Lỳ Khừ Xá, Người có uy tín bản Tá Bạ, xã Tá Bạ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu tuyên truyền, vận động đồng bào Hà Nhì phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Ông Lỳ Khừ Xá, Người có uy tín bản Tá Bạ, xã Tá Bạ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu tuyên truyền, vận động đồng bào Hà Nhì phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Người có uy tín của các bản làng vùng đồng bào dân tộc rất ít người trên địa bàn tỉnh Lai Châu là "cầu nối" tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS đến với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Đồng bào tham gia đóng góp thiết thực vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Song song với quá trình đó, Người có uy tín trên địa bàn tỉnh Lai Châu còn phát huy vai trò của mình trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, đặc biệt đối với các dân tộc rất ít người.

Ông Nguyễn Đức Thuận, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu khẳng định: Người có uy tín dân tộc rất ít người như Cống, Mảng, La Hủ, Si La đã phát huy rất tích cực vai trò của mình trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng đời sống của bà con ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, cuộc sống mới, Người có uy tín đã khuyến khích người dân hưởng ứng phong trào xây dựng “gia đình văn hoá”, “bản văn hoá”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”… Bên cạnh đó, Người có uy tín chú trọng nêu gương và tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn phong tục, tập quán, tín ngưỡng tốt đẹp, giữ gìn các lễ hội truyền thống, nghề truyền thống… của dân tộc mình.

Chúng tôi đến bản Táng Ngá, xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn gặp ông Lò Văn Na là Người có uy tín trong đồng bào người Cống nơi đây. Ông Na năm nay 57 tuổi vẫn nhiệt tình, tích cực đối với công tác, vận động, tuyên truyền như thời còn trẻ. Ý thức được rõ nét sự cần thiết phải bảo tồn văn hoá dân tộc rất ít người trong bối cảnh nhiều nét đẹp văn hoá truyền thống có thể bị mai một, đồng hoá, lai tạp, ông Lò Văn Na nói: “Dân tộc Cống có bản sắc văn hoá đậm đà. Văn hoá được biểu hiện ở hầu hết các lĩnh vực trong đời sống, từ cách nghĩ, cách nói, cách làm của người dân. Tiếng nói, các điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, trang phục, nghề đan lát, món ăn dân tộc, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống như lễ cúng bản, Tết Ngô… đều là những nét đẹp văn hoá của dân tộc Cống”.

Phụ nữ dân tộc Cống giữ gìn vẻ đẹp của trang phục truyền thống và ẩm thực ngô truyền thống
Phụ nữ dân tộc Cống giữ gìn vẻ đẹp của trang phục truyền thống

Trên hành trình được bà con dân bản tin tưởng, ông Na đã phát huy hết vai trò Người có uy tín của mình trong việc giữ gìn, lan toả nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc Cống. Bên cạnh việc tuyên truyền cho bà con thì bản thân ông, gia đình ông còn đi đầu thực hiện việc bảo tồn văn hoá. Người Cống có nghề đan lát truyền thống. Thế hệ trẻ nhiều người không biết hoặc không thích đan lát. Ông đã tuyên truyền, vận động thế hệ trẻ học nghề, ai thích học là ông sẽ truyền dạy chi tiết, tỉ mỉ. Bên cạnh đó, ông còn tuyên truyền cho thế hệ trẻ người Cống giữ gìn tiếng nói của dân tộc mình. Bản thân ông tích cực tham gia vào việc dạy tiếng dân tộc Cống cho thế hệ sau.

Trò chuyện với chúng tôi, ông còn rất phấn khởi khi Phòng Văn hoá huyện có kế hoạch mở lớp truyền dạy về may mặc trang phục dân tộc Cống, phục dựng lễ hội dân tộc, các điệu dân ca, dân vũ của dân tộc. “Trong các lễ hội truyền thống, bà con cả bản đều mặc trang phục dân tộc Cống. Đó là trang phục rất độc đáo, đẹp mắt. Nhìn bà con mặc trang phục dân tộc múa trong tiếng trống, tiếng chiêng, không khí rất rộn ràng, tôi cũng cảm thấy phấn khởi”, ông Na bộc bạch.

Đến Tá Bạ, bản Tá Bạ của Mường Tè, chúng tôi gặp ông Lỳ Khừ Xá, Người có uy tín trong đồng bào dân tộc La Hủ. Ông Xá được bà con yêu quý, tin tưởng vì đã vận động người dân thực hiện đúng và trúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhờ đó bản Tá Bạ ngày càng văn minh, giàu đẹp hơn. Đặc biệt, ông đã có những đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền, giữ gìn phong tục, tập quán, loại bỏ hủ tục, giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Bản sắc văn hoá dân tộc Lự được phát huy, bảo tồn, trong đó có sự đóng góp của Người có uy tín ở Bản Hon, Bản Thẳm, Tam Đường, Lai Châu.
Bản sắc văn hoá dân tộc Lự được phát huy, bảo tồn, trong đó có sự đóng góp của Người có uy tín ở Bản Hon, Bản Thẳm, Tam Đường, Lai Châu.

Bản Hon, Bản Thẳm ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường là nơi định cư chủ yếu của người Lự tại Lai Châu. Nơi đây, bản sắc văn hoá của người Lự được chú trọng giữ gìn và là niềm tự hào của dân tộc Lự. Đến thăm Bản Hon, du khách có thể thấy bản sắc văn hoá rất đậm đà từ tục nhuộm răng, dệt thổ cẩm từ bông, trang phục, dân ca, dân vũ và ẩm thực… Ông Lò Văn Sâu (sinh năm 1957) ở bản Hon, anh Tao Văn Ngần (sinh năm 1982) ở bản Thẳm là những Người có uy tín trong đồng bào dân tộc Lự đã góp phần không nhỏ vào việc tuyên truyền, vận động bà con bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc mình.

Hằng năm, Người có uy tín của bản đã tuyên truyền, vận động Nhân dân và gia đình tham gia ngày hội văn hóa các dân tộc do cấp trên tổ chức. Ông Lò Văn Sâu cho biết: Bản Hon làm du lịch cộng đồng, điểm thu hút khách du lịch là bản sắc văn hoá nên Đảng uỷ, chính quyền địa phương và bản thân Người có uy tín rất chú trọng giữ gìn, phát huy, tổ chức phục dựng lại những bản sắc, nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc Lự.

Có thể nói, bằng nhiều cách khác nhau, Người có uy tín các DTTS rất ít người đã đóng góp tích cực vào xây dựng các mặt của đời sống xã hội ở cộng đồng các dân tộc, góp phần tích cực vào công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Trong thời đại 4.0, văn hoá dân tộc là điểm nhấn tạo nên bản sắc. Việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc là một cách để giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc.

Nhờ vai trò tuyên truyền, vận động của Người có uy tín mà phong tục, tập quán văn hóa của đồng bào dân tộc La Hủ được bảo tồn, phát huy (Trong ảnh: Đám cưới của người La Hủ)
Nhờ vai trò tuyên truyền, vận động của Người có uy tín mà phong tục, tập quán văn hóa của đồng bào dân tộc La Hủ được bảo tồn, phát huy (Trong ảnh: Đám cưới của người La Hủ)

Ông Nguyễn Đức Thuận, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu khẳng định: Người có uy tín dân tộc rất ít người như Cống, Mảng, La Hủ, Si La đã phát huy rất tích cực vai trò của mình trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng đời sống của bà con ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Tỉnh Lai Châu luôn quan tâm, thực hiện tốt chính sách về Người có uy tín, tạo điều kiện cho Người có uy tín trong đồng bào các DTTS phát huy tốt vai trò của mình, góp phần thực hiện thành công Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2025. 

Tin cùng chuyên mục
Văn Quan (Lạng Sơn): Phát huy vai trò Người có uy tín trong đồng bào DTTS

Văn Quan (Lạng Sơn): Phát huy vai trò Người có uy tín trong đồng bào DTTS

Trong những năm qua, Người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Văn Quan (Lạng Sơn) đã phát huy tốt vai trò của mình, qua đó góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 10 - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, cũng như trực tiếp góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung trên địa bàn huyện.