Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Di dời chuồng trại xa khu dân cư: Cách làm của Lộc Ninh

PV - 10:44, 19/07/2022

Chăn thả, nuôi nhốt trâu, bò xung quanh nơi ở là tập quán lâu đời của các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Lộc Ninh (Bình Phước). Thời gian qua, huyện đã tập trung tuyên truyền, hỗ trợ nguồn lực, triển khai di dời chuồng trại ra xa nơi ở, khu dân cư trong vùng đồng bào DTTS. Qua quá trình thực hiện cho thấy hiệu quả rõ nét khi ý thức của người dân được nâng lên.



Thay vì nuôi nhốt quanh nhà theo tập quán cũ, ông Điểu Thành và nhiều hộ đồng bào dân tộc Xtiêng trên địa bàn ấp 2, xã Lộc An đã chuyển toàn bộ số trâu, bò của gia đình ra xa nơi ở, khu dân cư theo quy định chung của địa phương. Theo các hộ dân, từ ngày di dời chuồng trại với sự hỗ trợ của các ban, ngành, bà con hiểu được những tác động tiêu cực khi để trâu, bò xung quanh nhà.

Ông Điểu Thành chia sẻ: “Gia đình có 13 con bò, trước đây nuôi nhốt gần nhà nên hôi lắm. Sau khi cán bộ xã tuyên truyền, hỗ trợ vật tư chuyển chuồng bò ra sau nhà, tôi thấy thay đổi lớn nhất là chuồng sạch sẽ, đi làm về chỉ dọn sơ qua là bảo đảm vệ sinh môi trường”.

1 Cán bộ xã Lộc An và anh Điểu Thành ở ấp 2 trao đổi với phóng viên về việc di dời chuồng trại ra xa khu dân cư

Bà Thị Sni ở ấp 2, xã Lộc An cho biết thêm: Lúc trước khó khăn, gia đình bà được Nhà nước hỗ trợ 2 con bò, nhà có 1 con nữa nhưng nhốt gần nhà lâu nay nên quen rồi, không nghĩ đến vệ sinh môi trường, sức khỏe các thành viên trong gia đình. Nhờ Nhà nước quan tâm, hỗ trợ 3 triệu đồng xây chuồng trại, bây giờ thấy đỡ lắm, không còn hôi, không còn quá lo về sức khỏe con cái nữa.

Đến nay, đã có 158 hộ trên địa bàn xã Lộc An di dời chuồng trại theo quy định chung, trong đó địa phương huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ bà con xây dựng chuồng trại với số tiền hơn 80 triệu đồng.

Ông Nguyễn Huy Cường, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp 2, xã Lộc An cho biết: Qua tuyên truyền, vận động, đa phần các hộ dân nhận thức được tác động tiêu cực của việc nuôi thả trâu, bò xung quanh nhà, nơi ở, khu dân cư nhưng khó khăn lớn nhất là bà con không có đất ở, đất làm chuồng. Vì vậy, ban ấp đã vận động những hộ kế bên cho mượn đất, đồng thời hỗ trợ vật tư giúp bà con làm chuồng trại.

Xã Lộc Khánh hiện có 196 hộ chăn nuôi trâu, bò với tổng đàn 911 con. Sự vào cuộc tuyên truyền cùng với nguồn lực hỗ trợ đã giúp các hộ đồng bào DTTS nhận thức đầy đủ hơn những tác động tiêu cực khi chăn thả, nuôi nhốt gia súc gần nhà, từ đó tích cực hưởng ứng chủ trương di dời. Đối với những hộ không có đất xây dựng chuồng trại thì được hỗ trợ nuôi nhốt ở khu vực tập trung, bảo đảm 100% số hộ chăn nuôi trên địa bàn chăn thả, nuôi nhốt gia súc đúng nơi quy định.

Bà Thị Êm ở ấp Ba Ven, xã Lộc Khánh cho hay: Từ ngày được xã vận động, hỗ trợ xây dựng chuồng bò thấy cũng đỡ, chứ để gần nhà như trước đây con cháu có bệnh tật gì thì tội. Nay mình chỉ cắt cỏ cho bò ăn, không còn lo ảnh hưởng đến bà con xung quanh nữa.

“100% chuồng trại trâu, bò của bà con được hỗ trợ di dời, trong đó địa phương đã vận động 200 m3 bê tông xây dựng khu vực nuôi nhốt tập trung dành cho những hộ không có đất làm chuồng. Việc di dời toàn bộ chuồng trại ra xa nơi ở, khu dân cư là điều kiện rất thuận lợi để xã Lộc Khánh chỉnh trang diện mạo nông thôn vùng DTTS, đảm bảo tiêu chí môi trường phục vụ xây dựng nông thôn mới theo chủ trương chỉnh trang đô thị của huyện Lộc Ninh”, ông Đoàn Quốc Ngữ, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh thông tin thêm.

--------

Qua quá trình tuyên truyền, vận động triển khai di dời, đến nay, trên địa bàn huyện Lộc Ninh có 910/910 chuồng trại được di dời với tổng đàn 4.578 con. Tổng kinh phí cho công tác di dời là 2,17 tỷ đồng, trong đó địa phương vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân ủng hộ vật tư, công lao động gần 1 tỷ đồng, ngân sách địa phương hỗ trợ 29 triệu đồng, số còn lại do người dân đối ứng để chuồng trại kiên cố hơn.

Tin cùng chuyên mục
Gia Lai: Hạn hán gây thiệt hại gần 380 ha cây trồng

Gia Lai: Hạn hán gây thiệt hại gần 380 ha cây trồng

Thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng - chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai cho biết: Tính đến ngày 24/4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng, với gần 380 ha cây trồng các loại bị thiệt hại.