Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Đi qua những bản làng miền Tây xứ Nghệ: Lực bất tòng tâm (Bài 2)

Thanh Hải - 22:21, 24/08/2023

Cơ sở hạ tầng thiết yếu vừa thiếu vừa bất cập....là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cuộc sống của người dân ở những bản làng vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An gặp muôn vàn khó khăn, vất vả. Đói nghèo, lạc hậu bao năm vẫn còn "bám rễ " ở nhiều hộ gia đình DTTS ở vùng đất miền Tây xứ Nghệ.

Vào mùa nước cạn, 3 xã vùng lòng hồ bản Vẽ của huyện Tương Dương là Nhôn Mai, Mai Sơn, Hữu Khuông rất chật vật vì thiếu nước, đường đi khó khăn
Vào mùa nước cạn, 3 xã vùng lòng hồ bản Vẽ của huyện Tương Dương là Nhôn Mai, Mai Sơn, Hữu Khuông rất chật vật vì thiếu nước, đường đi khó khăn

Nguyên nhân của sự nghèo khó

Xã Tà Cạ nằm ở trung tâm huyện Kỳ Sơn nhưng hiện vẫn còn 3 bản chưa có điện lưới quốc gia, bao gồm Sa Vang, Na Nhu, Nhãn Lỳ. Do đó, hơn 200 hộ dân nơi đây phải chật vật tìm kiếm nguồn điện thay thế. Hầu hết bà con đều là hộ nghèo, hộ cận nghèo, kinh tế bấp bênh. Một trong những nguyên nhân cũng do chưa có nguồn điện lưới.

Bà Lư Mẹt Phuôn, bản Na Nhu, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) nói: "Ta đã hơn 60 tuổi rồi nhưng chưa bao giờ được sử dụng điện lưới. Con cháu trong nhà phải lắp tuabin tận dụng nước ở khe suối để lấy điện thắp sáng. Điện ni yếu lắm, thắp được vài bóng đèn với sạc cái điện thoại thôi... Cái nước thì cũng tự lấy từ khe suối về dùng mà, từ khi ta còn nhỏ đã thế rồi".

Người dân xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) lắp tua bin nước để có điện thắp sáng nhưng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm
Người dân xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) lắp tua bin nước để có điện thắp sáng nhưng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm

Những bản làng chưa có điện lưới thường nằm ở vùng sâu, vùng xa. Do đó, đường giao thông đến bản cũng cách trở, khó khăn. Cũng bởi cách trở mà sóng điện thoại nhiều nơi rất phập phù, còn nước sinh hoạt thì thường xuyên không đủ. Vì vậy, cuộc sống người dân gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn.

Đơn cử như tại bản Na Sành ở xã Tiền Phong (Quế Phong) – một bản làng nằm giáp biên tỉnh Thanh Hóa nhưng chưa có đường giao thông, chưa có sóng điện thoại, chưa có điện lưới thắp sáng, chưa có nước sinh hoạt...những cái chưa có này đang là tác nhân kìm hãm sự phát triển.

Cùng với thiếu nước sinh hoạt, thiếu điện thắp sáng thì con đường trơn trượt vào bản Na Sành xã Tiền Phong (Quế Phong) đã kìm hãm sự phát triển của bà con nơi đây
Cùng với thiếu nước sinh hoạt, thiếu điện thắp sáng thì con đường trơn trượt vào bản Na Sành xã Tiền Phong (Quế Phong) đã kìm hãm sự phát triển của bà con nơi đây

Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Võ Khánh Toàn bộc bạch: Cuộc sống bà con phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp nhỏ lẻ. Các sản phẩm bà con làm ra, nếu muốn bán cũng rất khó tiêu thụ do chưa có đường giao thông. Nước sinh hoạt thì chưa có công trình tập trung, chủ yếu là do bà con tự kéo ống dẫn từ khe suối về dùng, gặp trời mưa lũ trôi đường ống là hết nước. Cũng bởi thiếu điện nên sinh hoạt rất bất tiện. Ngay việc mua dầu thắp đèn phục vụ sinh hoạt ban đêm cũng là cả vấn đề lớn rồi. Mùa mưa bão, bốn con suối chảy cắt qua cung đường đến bản Na Sành dâng cao gây chia cắt, cô lập toàn bản.

Khi thực hiện bài viết này và ngay cả trước đó, chúng tôi đã mấy bận vào bản làng người Đan Lai ở bản Búng và Cò Phạt thuộc xã Môn Sơn (Con Cuông). Quãng đường mấy chục km từ trung tâm xã vào 2 bản làng nằm trong vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát này lởm chởm đất đá, trơn trượt và những khúc cua chóng mặt.

So với nhiều bản khác, thì 2 bản làng này đã có điện lưới sinh hoạt, có nhà văn hóa, có sóng điện thoại, nhưng do đường sá đi lại khó khăn nên 229 hộ, với gần 1.000 khẩu của 2 bản vẫn sống ở trong tình trạng “biệt lập”.

Giao thông cách trở khiến hai bản người Đan Lai ở vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát như biệt lập - Trong ảnh: Khiêng xe qua suối để vào các bản làng Đan Lai ở vũng lòi vườn quốc gia Pù Mát
Giao thông cách trở khiến hai bản người Đan Lai ở vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát như biệt lập - Trong ảnh: Khiêng xe qua suối để vào các bản làng Đan Lai ở vũng lõi vườn quốc gia Pù Mát

Nói như ông Đặng Văn Thân - Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn (Con Cuông) thì, cũng bởi khó khăn về giao thông nên cuộc sống đói nghèo cứ bám riết lấy vùng đất ấy. Ông Thân thành thật: Chừng nào chưa có đường giao thông thuận lợi, thì chừng đó cuộc sống người Đan Lai ở vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát vẫn còn khó khăn. Chúng tôi mỗi tháng vào ra đôi lần mà còn ngán ngẩm cung đường, thì thử hỏi bà con phải sống trong vùng đất ấy khốn khổ đến đâu

“Lực bất tòng tâm”…

Qua tìm hiểu và trao đổi với rất nhiều lãnh đạo địa phương, đều nhận được câu trả lời rằng: Vẫn biết cuộc sống bà con dân bản còn rất nhiều khó khăn, vất vả do cơ sở hạ tầng thiết yếu vừa thiếu vừa bất cập, nhưng địa phương cũng “bất lực” vì ngân sách hạn chế trong khi suất đầu tư lại rất lớn nên chưa thể kham nổi.

Hàng chục hộ dân vẫn đang phải sống tạm bợ trong những ngôi nhà xiêu vẹo sau khi trận lũ đi qua ở xã Tà Cạ (Kỳ Sơn), còn chính quyền địa phương thì rất muốn bà con sớm tái định cư nhưng không có nguồn lực mà phải trông chờ vào cấp trên
Hàng chục hộ dân vẫn đang phải sống tạm bợ trong những ngôi nhà xiêu vẹo sau khi trận lũ đi qua ở xã Tà Cạ (Kỳ Sơn), còn chính quyền địa phương thì rất muốn bà con sớm tái định cư nhưng không có nguồn lực mà phải trông chờ vào cấp trên

Dẫn chứng rõ ràng nhất tại bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn), trận lũ quét hồi cuối năm 2022 đã nhấn chìm bản người Thái này trong ngổn ngang đất đá. Từ một bản gần thị trấn Mường Xén với đường bê tông sạch sẽ, nước sạch sinh hoạt, điện thắp sáng, nhà văn hóa bản… đủ đầy, nhưng lũ về đã cướp đi tất cả. Sau gần một năm khắc phục, cái khó khăn ở bản làng này vẫn là đường giao thông nội bản đã hư hỏng chưa được làm lại, đất sản xuất đã bị vùi lấp hoàn toàn và mới chỉ được cải tạo lại một phần nhỏ.

Trưởng bản Hòa Sơn xã Tà Cạ Vi Văn Truyền nói: suất đầu tư lớn nên công tác khắc phục rất vất vả và lâu dài. Cả bản đã được quy hoạch bố trí tái định cư, nhưng đến nay vẫn chưa xong trong khi mùa mưa lũ mới lại sắp bắt đầu. Bà con vẫn đang phải sinh sống tại bản cũ trong rất nhiều nỗi lo.

Ở vùng lòng hồ thủy điện bản Vẽ, các xã Nhôn Mai, Mai Sơn, Hữu Khuông cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu hạ tầng thiết yếu. Tại xã Mai Sơn, đường đi sang 2 bản Phia Òi và Piêng Luống là con đường thủy giữa lòng hồ. Gặp khi mùa cạn nước, lòng hồ trơ đáy thì việc đi lại của bà con càng khó khăn gấp bội. Những bản làng này của xã Mai Sơn cũng chưa có điện. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Văn Hiệp, Trưởng phòng dân tộc huyện Tương Dương bày tỏ: Chúng tôi khảo sát thường xuyên nhu cầu của người dân, cũng như nỗ lực tìm kiếm nguồn đầu tư từ bên ngoài để người dân sớm có đường nội bản, có điện sinh hoạt, có nước để dùng… nhưng vẫn rất khó thực hiện. Đây là xã lòng hồ, nếu đi từ trung tâm huyện theo đường bộ thì mất hơn 150km, còn đi theo đường thủy thì cũng chừng non một buổi. Suất đầu tư lớn nên với ngân sách ít ỏi, huyện đành chịu vì không thể làm nổi.

Trong khi chờ nhà nước đầu tư, người dân các huyện vùng cao xứ Nghệ phải mua ống dẫn kéo nước từ khe suối về dùng
Trong khi chờ nhà nước đầu tư, người dân các huyện vùng cao xứ Nghệ phải mua ống dẫn kéo nước từ khe suối về dùng

Trao đổi giải pháp để góp phần thay đổi cuộc sống của đồng bào ỏ các bản với Chủ tịch UBND xã Tri Lễ (huyện Quế Phong) Vi Văn Cường, ông nói rất thành thật:  Chúng tôi không làm được vì không có tiền, huyện cũng không có tiền đâu. Biết là bà con các bản  Mường Lống, Huồi Mới, Huồi Xái, Nậm Tột… quá khó khăn do thiếu đường, thiếu điện, thiếu nước…, nhưng cũng đành chịu. Các cuộc họp bản, rồi họp Hội đồng Nhân dân xã kỳ nào bà con phản ánh rất nhiều. Xã thì cũng chỉ biết tổng hợp ý kiến rồi kiến nghị lên trên mà thôi. 

"Nguồn kinh phí đầu tư giải quyết những khó khăn này đành phải trông chờ vào nguồn lực đầu tư từ các Chương trình MTQG, nhất là Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 may ra giải quyết được những khó khăn thiếu thốn của địa phương và người dân...", Chủ tịch UBND xã Vi Văn Cường bộc bạch.

Tin cùng chuyên mục
Vị Xuyên hôm nay...

Vị Xuyên hôm nay...

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) từ một địa bàn được xác định là thứ yếu, trở thành một điểm nóng ác liệt. Ở đây, những câu chuyện về sự hi sinh của người lính đã trở thành một bản anh hùng ca bất diệt. Và sự “thay da đổi thịt” ở mảnh đất này ngày hôm nay làm càng tôn lên giá trị của hòa bình, mang theo đó là những ước vọng nơi biên cương Tổ quốc.